EVN tăng giá giá điện hoặc xin cơ chế từ Chính phủ để hưởng lợi nhuận. Ảnh: TL
Trong buổi họp báo diễn ra vào hôm qua (30/12), ông Đinh Quang Tri cho biết, do không tăng giá điện trong 2014 nên một loạt các chi phí chưa được tính vào giá thành khiến ngành điện cũng gặp khó khăn.
Ông Tri nêu chi tiết, việc điều chỉnh giá than cho sản xuất điện khiến chi phí tăng thêm của ngành điện lên tới 2.271 tỷ đồng. Tiếp đến, việc điều chỉnh giá khí vượt mức bao tiêu cũng đội chi phí hơn 1.400 tỷ đồng. Mặc dù tỷ giá không biến động nhiều nhưng cũng khiến chi phí của EVN tăng thêm 128 tỷ đồng.
Trong khi, nhờ huy động thủy điện nhiều hơn mọi năm nên ngành điện giảm chi phí được 2.055 tỷ đồng.
Cũng theo ông Tri, EVN phải nộp thêm 1.504 tỷ đồng và 166 tỷ đồng khác do tăng thuế tài nguyên nước từ 2% lên 4% và trả phí cho môi trường. Ngoài ra, chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn cũng làm hao hụt thêm 1.019 tỷ đồng.
“Tổng cộng lại, chi phí tăng thêm của ngành điện trong năm nay lên tới 15.000 tỷ đồng”, ông Tri thông tin.
Vì vậy, theo ông Tri, EVN đã phải xử lý các chi phí tăng thêm trong năm 2014 bằng cách 2 cách. Cách một là đề xuất tăng giá điện bù đắp nhưng Chính phủ chưa cho phép, không thể tăng.
“Nên chúng tôi sẽ phải xin Chính phủ một loạt cơ chế như chưa cho hạch toán 8.811 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá mà được phép phân bổ dần, xin cho phép thanh toán chậm với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN… Nếu đưa vào luôn trong năm nay thì sẽ lỗ luôn, không còn đồng nào”, ông Tri nêu tính toán.
Trả lời câu hỏi giá điện có khả năng tăng trước Tết Nguyên đán hay không, ông Tri khẳng định, giá điện sẽ không tăng trước Tết song vẫn bỏ ngỏ thời gian dự kiến.
Theo nguồn tin riêng của BizLIVE, vấn đề tăng giá điện đã được bàn đến tại cuộc họp mới nhất của Tổ điều hành thị trường trong nước.
Theo đó, sau khi tính đến nhiều yếu tố trong đó có yếu tố chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng thấp năm 2014 và nhiều lần đề xuất tăng giá điện từ EVN, giá điện có thể được điều chỉnh trong nửa đầu năm 2015.
Ngoài ra, một vấn đề khác được quan tâm là diễn biến giá dầu liên tục sụt giảm, ảnh hưởng như thế nào đến giá thành sản xuất điện, trong khi dầu giảm giá, tại sao giá điện lại đề xuất tăng theo thông tin mới đây.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, giá dầu giảm đương nhiên giá điện giảm theo nhưng do đặc điểm cơ cấu nguồn điện, giá dầu ảnh hưởng đến những nhà máy điện trực tiếp dùng dầu như Cần Thơ – Ô Môn, nhà máy điện giá nguyên liệu tính theo giá dầu như Cà Mau hoặc phần khí vượt trên bao tiêu của cụm Phú Mỹ, Nhơn Trạch, và đối với khí mua từ mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh.
Các nhà máy điện khác khó ảnh hưởng do các nhà máy nhiệt điện, nhiệt than, giá than do nhà nước quy định hiện chưa điều chỉnh theo giá dầu thế giới đối với nhà máy than nhập khẩu.
TÂM AN