Đó là quan điểm được các đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phí, lệ phí chiều ngày 11/11.
Theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), về nguyên tắc chung dịch vụ công phải chi vào thuế, nhất là dịch vụ công toàn dân sử dụng. Đồng thời, phí và lệ phí phải hợp lý, không thể là thuế thu nhập trá hình để tận thu người dân.
Kiên quyết không đóng phí bù đắp cho nạn tham nhũng lãng phí
“Người dân đã đóng các loại thuế nên quy định phải làm sao để người dân không phải móc thêm tiền túi cho dịch vụ công, không bù đắp cho tệ nạn tham nhũng lãng phí kém hiệu quả trong quản lý nhà nước trong việc sử dụng tiền thuế của nhiều dân” – Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đưa quan điểm.
Dẫn chứng, có những dự án đầu tư hạ tầng hạ tầng giao thông yếu kém, tăng chi phí. Sau đó lại huy động các loại phí khác nhau và người dân lại phải đóng thêm phí, lệ phí trong khi trước đó đã đóng thuế để làm đường gaio thông. Loại phí, lệ phí này được Đại biểu Nghĩa cho rằng là thuế thu nhập trá hình, khiến người dân phải đóng phí chồng thuế.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cũng bày tỏ sự chưa yên tâm về nguyên tắc xác định phí và lệ phí, trên cơ sở đảm bảo bù đắp chi phí. Bởi trong những dịch vụ công, sẽ có những dịch vụ chỉ thu một phần để bù đắp chi phí, còn lại phải đảm bảo phục vụ nhân dân theo nền hành chính công.
Bên cạnh đó, Đại biểu Tâm tỏ ra lo ngại khi quy định khuyến khích xã hội hóa sẽ có sự lạm dụng. Do đó, chỉ nên khuyến khích dịch vụ công mà Nhà nước không cần thiết nắm giữ, chứ không phải khuyến khích mọi giá. Đồng thời, cần minh bạch chi phí, để biết chi và nhiêu và thu bao nhiêu cho người dân thấy được việc thu chi đó đã bù dịch vụ như thế nào.
“Trong thực tiễn người dân bức xúc hiện tượng phí chồng phí, phí chồng thuế và lạm thu phí được biểu ở những khoản chi tiết trong các khoản phí thuế đó. Như phí giao thông đường bộ, kiểm dịch động thực vật. Do đó, đề nghị khi Chính phủ ban hành chi tiết thì hàng năm Chính phủ phải báo cáo về danh mục chi tiết này để Quốc hội cho ý kiến và có giám sát, để tránh tình trạng sai sót như thu phí đường bộ” – Đại biểu Tâm đề nghị.
Cần tăng thẩm quyền Hội đồng nhân dân
Đồng tình quan điểm, Đại biểu Nghĩa cũng cho rằng cần bỏ cụm từ khuyến khích xã hội hóa. Bởi nội hàm này khá mơ hồ, dễ bị lợi dụng khi nhiều dịch vụ thực chất là tư nhân hóa, cần phải đánh thuế trên số thu nhập của tư nhân.
“Người dân đã đóng thuế để được hưởng dịch vụ ấy, nay chuyển dịch vụ đó cho tư nhân, lại phải đóng thêm phí là vô lý. Đồng ý là có trường hợp nếu tư nhân hóa rẻ hơn thì ta để cho tư nhân làm, nhưng cũng tránh việc tao lợi thế tự nhiên cho tư nhân, cấp cho tư nhân làm dự án”, - Đại biểu Nghĩa nói.
Trong khi đó, Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) thì cho rằng cần làm rõ nhiều khoản thu có tên gọi là phí nhưng lại không có tên trong danh mục phí, lệ phí để người dân hiểu rõ thế nào là phí và lệ phí. Đồng thời, cần làm rõ nội hàm của các danh mục như phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phí thẩm định đầu tư và dự án đầu tư; danh mục phí thẩm định cấp giấy phép, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh, tiêu chuẩn hành nghề…
Cũng theo đề nghị của nhiều Đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật phí và lệ phí cần làm tăng thêm thẩm quyền cho hội đồng nhân dân các cấp được cho ý kiến đưa ra hoặc bãi bỏ các loại phí, lệ phí, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi triển khai các loại phí này. Đồng thời cần công khai thu chi các khoản phí và lệ phí để người dân giám sát hoạt động này, đảm bảo tính minh bạch trong việc sử dụng khoản phí, thuế.
Theo Trí Thức Trẻ