Làng cổ Đường Lâm
Đường Lâm nằm cách Hà Nội khoảng hơn 50 km, cách thị xã Sơn Tây chừng 5 km về phía đông bắc. Từ Hà Nội, bạn có thể tới Đường Lâm bằng ôtô, xe máy và thậm chí là xe buýt theo tuyến Hà Nội - Sơn Tây, sau đó bắt xe ôm đến làng.
Ở Đường Lâm có khoảng 45 căn nhà cổ, bạn nên đưa khách đến nhà ông
Huyến, ông Lê, anh Hùng… Đó là những ngôi nhà cổ nhất và đẹp nhất ở làng
Mông Phụ, đồng thời chủ nhân của chúng cũng là những người có kiến thức
sâu sắc về lịch sử Đường Lâm, sẵn sàng kể chuyện với du khách.
Trong một số ngôi nhà cổ có nghề truyền thống làm tương, với những
chum ủ tương xếp đầy khuôn viên nhà, bạn cũng sẽ tìm hiểu được những thủ
thuật làm tương này. Tham quan Đường Lâm bạn có thể đi bộ hoặc thuê xe
đạp của dân địa phương, không có dịch vụ chuyên nghiệp, nên khi tới làng
bạn hãy thương lượng để thuê xe đạp với chi phí khoảng hơn 20.000
đồng/xe. Các món ăn dân dã được ưa thích ở Đường Lâm là gà quê luộc,
mướp hương xào, rau muống luộc chấm tương Mông Phụ, kẹo dồi, nước chè
tươi… Dịch vụ ăn uống ở Đường Lâm còn khá hạn chế, do đó, khi tới làng
Mông Phụ, bạn nên tìm quán ăn để đặt cơm trưa trước, sau đó mới đi khám
phá ngôi làng cổ.
Làng lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng
Nếu đi thăm làng lụa Vạn Phúc, bạn sẽ được tham quan mua sắm mà sản
phẩm chính ở đây là lụa tơ tằm. Thăm làng sơn mài truyền thống ở Duyên
Thái - Ngoài việc thừa kế kinh nghiệm truyền thống ông cha để lại với sự
cần cù chịu khó ham học hỏi, sáng tạo người dân Duyên Thái tạo ra hàng
nghìn mẫu sản phẩm thu hút du khách trong nước và nước ngoài. Bạn nghỉ
ngơi ăn trưa tại nhà hàng, sau dó tiếp tục tham quan làng nghề gốm sứ
Bát Tràng - là ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hồng. Ngay khi tới đầu làng,
bạn đã bắt gặp những bình hoa, chậu cảnh, tượng gốm bày la liệt, rải
dài theo ngõ ngách khắp làng, cả hàng mộc, thô hay những sản phẩm đó
được trau chuốt, bóng bẩy, đa hình, đa sắc, cả đồ gia dụng cho đến những
hàng mỹ nghệ đắt tiền.
Theo khuyến cáo của các hướng dẫn viên, làng Bát Tràng hiện nay các chủ cơ sở kinh doanh đã tập hợp ở đầu làng thành một khu mua sắm sầm uất, nhưng để khách thích thú bạn nên đưa khách vào tận trong làng cách chỗ đó chừng 300m, bạn có thể chỉ cho khách xem các hoạt động của lò gốm như thế nào, từ việc nhào than, nắm bùn để cho vào lò nung, đến quay ra một sản phẩm. Nếu đi thế bạn sẽ phải đi bộ khá nhiều. Các lò gốm sứ bát tràng cũng có cơ sở sản xuất ngay chỗ bán để bạn có thể giới thiệu cho khách luôn.
Tới làng nghề Vạn Phúc đầu làng cũng có các cơ sở kinh doanh, bán giá
rẻ rất nhiều so với chợ Đồng xuân - Hàng Gai. Bạn không cần mặc cả
nhiều vì họ cũng không nói thách. Đi sâu vào trong làng cũng có các cơ
sở dệt vải, nhuộm màu cho vải. Đây là loại hình rất được nhiều người ưa
chuộng với việc thích thú tận mắt nhìn thấy thợ dệt và nhuộm vải như thế
nào.
Tour du ngoạn sông Hồng
Còn với tour du ngoạn trên sông Hồng, bạn sẽ có những cảm giác mới
lạ, thú vị, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các ngôi đền ven sông.
Có thể nói, khác với những tour du lịch thông thường khác, khai thác
tour du lịch sông Hồng đang được coi là tour độc đáo của nhiều du khách.
Theo dọc dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, người ta sẽ được hoà mình vào
cảnh quan sông nước hữu tình, hưởng thụ những làn gió mát dịu. Cùng với
đó du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp cổ kính của các ngôi
đền ven sông, tham quan làng gốm Bát Tràng và lựa chọn cho mình những
món đồ gốm sứ độc đáo và hấp dẫn.
Ở đây người ta sẽ có cơ hội để chiêm ngưỡng bản sắc văn hóa, đời sống tâm linh của cư dân sống ven sông Hồng. Những ngôi đền cổ ven con sông lối kiến trúc độc đáo gắn với các truyền thuyết huyền bí ăn sâu văn hóa tâm linh người Việt như đền Đầm và đền Đại Lộ - nơi thờ tự chính về Mẫu Đệ Tam; đền thờ Chử Đồng Tử ở Hưng Yên, một trong “tứ bất tử” là những điểm đến hấp dẫn thú vị đối với du khách. Cũng theo dọc bờ sông Hồng du khách có thể tham quan một số làng nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng, làng mây tre đan thưởng thức các món quà quê độc đáo theo từng vùng từng địa phương theo con sông này như: bánh đa, chuối, nhãn, mật ong, nụ vối.
Theo Hà Anh
Dân trí