Du lịch 'đóng băng' theo khách Nga


Kinh tế Nga khó khăn, đồng rouble mất giá mạnh khiến lượng khách từ nước này đến Việt Nam giảm đột ngột.


Một hướng dẫn viên tiếng Nga làm việc tại hãng lữ hành lớn ở Nha Trang cho hay, hàng năm mùa đông thường là thời điểm khách Nga đến Nha Trang nhiều nhất. Tuy nhiên, gần đây lượng khách giảmtới 30%. Nếu trước đây mỗi buổi sáng nữ tiếp viên này hướng dẫn khoảng 2-3 lượt khách du lịch, thì nay cả ngày chỉ lác đác 1-2 tour, thậm chí có khi được nghỉ 2-3 ngày liền. Theo cô, nguyên nhân chính là vì giá đồng rouble liên tục giảm, mất một nửa so với trước, cộng thêm tình hình kinh tế và chính trị Nga đang căng thẳng.

khach-6559-1418723972.jpg

Lượng khách Nga đến Việt Nam đang giảm mạnh. Ảnh: MD.

Ông Nguyễn Đức Tấn, Giám đốc điều hành Công ty Anex Tour Việt Nam cho biết, lượng khách Nga đến Việt Nam bắt đầu biến động từ cuối tháng 9. Bình thường một tháng Công ty có 52 chuyên cơ với 11.500 khách từ 12 thành phố lớn của Nga đến Việt Nam. Theo kế hoạch, số lượng khách năm nay có thể đạt 120.000 khách, tăng gấp 4 lần so với năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ tiêu này khó đạt được vì nhu cầu của khách hàng đang giảm. Đặc biệt, nếu trước đây một ngày có khoảng 200 lượt đặt phòng (booking), tương đương 400 người, thì nay chỉ còn 70-80 lượt đặt, giảm trên 60% so với trước đó.

“Từ cuối tháng 10 đến nay Công ty đã phải bù lỗ. Nếu đồng rouble vẫn tiếp tục biến động, chúng tôi sẽ phải cắt giảm số chuyên cơ vận chuyển từ 52 chiếc xuống 40 và thậm chí xuống 30, 20 tùy theo tình hình”, ông Tấn chia sẻ.

Ông Tấn đưa ra dẫn chứng, nếu năm ngoái một phòng khách sạn 4 sao ở 12 đêm cho 2 vợ chồng giá 800 USD, tương ứng 28.000 rouble, nhưng bây giờ khách phải trả tới 49.000 rouble vì đồng tiền này đang rớt giá. Trong khi đó, lương của khách Nga nhận bằng rouble, nhưng chi phí cho du lịch lại bằng USD. Ngoài ra, để đăng ký mua được USD, khách hàng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không mua được bởi Chính phủ Nga ra lệnh các ngân hàng nước này hạn chế bán, còn giá USD chợ đen lại cao hơn nhà băng 10%.

Mặt khác, cho đến nay, đã có hơn 10 công ty du lịch của Nga phá sản, khiến khách du lịch nước này càng hoang mang và mất lòng tin, dẫn đến lượng khách đến Việt Nam đang có chiều hướng đi xuống. Thay vì trước đây họ đặt tour trước cả tháng, còn nay chỉ đặt trong khoảng 4-6 ngày. Rất hiếm khách đặt trước 10-14 ngày.

"Khi lượng khách giảm, các công ty du lịch thuê chuyên cơ như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và tổn thất. Bởi lẽ, thuê chuyên cơ phải bao trọn gói, mà các hãng hàng không khó giảm giá thuê nên Công ty phải bù lỗ. Để giữ chân khách, Công ty buộc phải giảm giá vé từ 600 USD xuống 300 USD cho một ghế ngồi", ông Tấn bộc bạch.

Nga-2-final-2879-1418781412.jpg

Nhiều công ty du lịch chuyên về khách Nga đang phải bù lỗ. Ảnh: MD

Ông cũng cho biết, cách đây một tuần Công ty đã ngồi lại với các khách sạn ở các khu du lịch của Việt Nam để thảo luận đề nghị giảm giá phòng. Hiện, các khách sạn lớn đồng ý giảm 25-30%, còn các đơn vị nhỏ giảm 15%.

"Thế nhưng, mức giảm này vẫn không đủ để các doanh nghiệp du lịch bớt khó khăn. Bởi mỗi cặp vợ chồng Nga qua đây thì chi phí hàng không chiếm hai phần ba, lưu trú chỉ một phần ba. Tại Thái Lan, các khách sạn đã hỗ trợ công ty lữ hành bằng cách giảm giá phòng từ 200 USD xuống 70-80 USD một phòng. Nếu Việt Nam làm được điều tương tự thì các công ty du lịch mới mong thoát lỗ", ông Tấn nói thêm.

Là đơn vị chiếm thị phần lớn về lượng khách Nga, bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Công ty du lịch Ánh Dương cũng than thở, đầu năm nay Công ty đặt chỉ tiêu đưa 250.000 khách Nga sang Việt Nam. Tuy nhiên, hết tháng 12 này doanh nghiệp chỉ đạt 180.000-185.000 lượt khách. Đặc biệt, thời điểm này so với năm ngoái, lượng khách Nga giảm 50%.

"Mấy tháng nay Công ty đang phải chịu lỗ. Tuy nhiên để giữ thị phần, chúng tôi vẫn phải huy động từ những thị trường khác để bù đắp", bà Thu nói.

Lý giải cho việc chịu lỗ bà Thu cho hay, ngoài việc lượng khách giảm Công ty còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Đó là đồng rouble giảm, trong khi đó giá tour Công ty bán cho khách là đồng tiền này, còn ký giá thuê chuyên cơ với các hãng hàng không, khách sạn lại bằng USD. Nên khi đồng rouble mất giá liên tục thì chênh lệch giữa các đồng tiền càng lớn, buộc Công ty chịu lỗ.

Để giảm bớt khó khăn, bà Thu cho biết cũng đã phải hủy một số chuyến bay và giảm số lượng chuyên cơ, tạm ngưng một số đường bay ít khách. Đồng thời, Công ty đang vận động nhà hàng, khách sạn ở các điểm du lịch Việt Nam điều chỉnh giá phòng.

Dù đang trở thành điểm đến ưa thích của khách Nga so với Mũi Né và Nha Trang, nhưng ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cho hay, lượng khách đến nơi này không ồ ạt như kế hoạch đặt ra trước đó.

"Tình hình đồng rouble giảm giá, kinh tế Nga suy thoái chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lượng khách tới Phú Quốc. Tuy nhiên, các cá nhân tổ chức tại đây đã và đang lên kế hoạch giảm giá, khuyến mãi lớn để kéo du khách Nga đến với Việt Nam", ông Hưng nói.

Báo cáo mới đây của Tổng cục du lịch Việt Nam cũng cho biết, lượng khách Nga đang có dấu hiệu giảm nhưng chưa nhiều. Tuy nhiên, nếu tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế Nga kéo dài thì lượng khách nước này đến Việt Nam có nguy cơ sụt giảm mạnh.

Theo thông tin từ các công ty du lịch đưa đón khách Nga, vài ngày tới để tìm hướng giải quyết, các doanh nghiệp này sẽ có cuộc gặp gỡ với UBND tỉnh Khánh Hòa và Tổng cục du lịch Việt Nam cùng một số cơ quan ban ngành khác thảo luận và tìm giải pháp hỗ trợ giải quyết khó khăn. 

Thi Hà

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/