Ảnh minh họa.
Đó chính là cam kết của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong việc hỗ trợ cho Tập đoàn SE Nhật Bản thực hiện đầu tư dự án cầu Bạch Đằng.
Thông điệp này được đưa ra trong buổi làm việc mới đây giữa UBND tỉnh Quảng Ninh và Tổ chức JICA Nhật Bản liên quan đến việc xúc tiến triển khai nhanh 2 siêu dự án: Cầu Bạch Đằng và tuyến cao tốc nối Hạ Long và Hải Phòng.
Theo chia sẻ từ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính, dự án cầu Bạch Đằng đã được Chính phủ Việt Nam đặt vấn đề với Chính phủ Nhật Bản về việc hợp tác triển khai thông qua hình thức đầu tư BOT và hiện nay cũng đang được Tập đoàn SE Nhật Bản xúc tiến hoàn thiện các thủ tục.
Chính phủ Việt Nam, cũng như tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm tới dự án cầu Bạch Đằng, đây là một dự án lớn nằm trong tổng thể việc xây dựng đường cao tốc nối Hạ Long với Hải Phòng và Hà Nội.
Đánh giá cao sự vào cuộc tích cực từ phía JICA trong việc thẩm định dự án cầu Bạch Đằng, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ cao nhất từ JICA, đặc biệt thông qua việc cho nhà đầu tư SE vay vốn để khởi công dự án cầu Bạch Đằng ngay trong năm 2014.
Mặt khác, về phía tỉnh Quảng Ninh, thông qua những cam kết bằng chính trị và kinh tế sẽ đảm bảo cho nhà đầu tư SE triển khai dự án một cách thuận lợi nhất.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh sẽ chia sẻ những rủi ro với nhà đầu tư; trả lãi vay trong 5 năm đầu cho SE; toàn bộ việc thu phí cầu đường sẽ do SE thực hiện với một trạm thu phí duy nhất, đồng thời tỉnh Quảng Ninh sẽ bố trí nơi ăn ở, làm việc thuận lợi nhất để SE triển khai dự án.
Ông Chính cho rằng, việc JICA hỗ trợ vốn vay cho Tập đoàn SE Nhật Bản triển khai dự án cầu Bạch Đằng sẽ là một trong những yếu tố then chốt để dự án đường cao tốc nối Hạ Long với Hải Phòng - Hà Nội được triển khai một cách đồng bộ và nhanh chóng.
Ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, nhận định, JICA nhìn thấy khả năng thành công của dự án cầu Bạch Đằng là rất cao khi có sự cam kết từ phía tỉnh Quảng Ninh và trước những thông tin về xu hướng phát triển giao thông của Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng.
Cầu Bạch Đằng sẽ trở thành hình mẫu trong việc hợp tác công - tư PPP giữa hai nước, đồng thời khẳng định sẽ báo cáo lại với Tổ chức JICA tại Nhật Bản về những cam kết mạnh mẽ từ phía tỉnh Quảng Ninh trong việc triển khai dự án cầu Bạch Đằng, vị lãnh đạo của JICA nhấn mạnh.
Dự án xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức hợp đồng BOT, chiều dài toàn cầu trên 3 km, tổng mức đầu tư trên 7.000 tỷ đồng.
Theo tính toán của SE Nhật Bản, dự án xây dựng cầu Bạch Đằng và đường dẫn có tổng trị giá 363,1 tỷ Yên Nhật (tương đương 7.262,1 tỷ đồng) bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng.
Thành phần vốn cho dự án gồm, huy động từ các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, nguồn vốn vay của JICA (Nhật Bản) và nguồn từ ngân sách Trung ương phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khoảng 142,7 tỷ đồng.
Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào tháng 10/2015, thời gian thi công trong 3 năm và SE được phép khai thác trong 30 năm (tức đến tháng 10/2048).
Theo thiết kế sửa đổi, cầu Bạch Đằng sẽ xây dựng theo kiểu cầu dây văng thép 4 nhịp liên tục (nhịp chính dài 250m) dầm thép chữ I (nhịp 60m).
Chiều dài cầu khoảng hơn 3km với 42 trụ cầu dẫn, đồng thời sẽ xây dựng nút giao đầm nhà Mạc, xây dựng trạm thu phí và nghiên cứu việc mở rộng quy mô làn xe khai thác trong tương lai.
Theo BizLive