Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm và luôn nằm trong danh sách các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Nguồn: internet
Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam vẫn luôn là một điểm đến đầu tư an toàn, kinh tế có mức tăng trưởng ổn định, có thị trường hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong 9 tháng đầu năm 2015 đã có 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản đứng vị trí thứ bảy với 229 dự án cấp mới và 89 dự án tăng vốn với tổng số vốn đầu tư là 0,86 tỷ USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư (Bảng).
Bảng: Thu hút FDI 9 tháng năm 2015 theo đối tác
Tại diễn đàn “Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Nhật Bản 2015”
diễn ra vào cuối tháng 7/2015 tại TP. Hồ Chí Minh, hơn 60% doanh nghiệp
Nhật Bản được khảo sát cho biết sẽ chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước
trong khu vực châu Á sang Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp
theo. Các nhà đầu tư Nhật Bản chú trọng vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ
trợ, dệt may, giao nhận - vận tải, xây dựng - môi trường - bất động sản,
tài chính - ngân hàng - nhân sự - bảo hiểm, nông nghiệp công nghệ cao,
thương mại - bán lẻ… Đặc biệt công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh
vực tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa của hai nước nhằm
đưa Việt Nam hướng tới sản xuất linh kiện trong nước, lắp ráp và thậm
chí là tham gia vào chuỗi cung cấp toàn cầu.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài từ một quốc gia phát triển như Nhật Bản cũng đem lại cơ hội chuyển giao phương thức quản trị hiện đại để giúp doanh nghiệp Việt Nam có được tầm nhìn dài hạn, tập trung vào lợi ích và xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài thay vì cách kinh doanh ngắn hạn như trước.
Nhật Bản cũng là nhà đầu tư chiến lược trong tiến trình cải cách, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế. Hiện nay, ANA Holdings - công ty điều hành All Nippon Airways (ANA) đang thảo luận khả năng mua cổ phần chiến lược tại Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).