Ảnh minh họa
Bản báo cáo cho thấy, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã lấy lại được động lực vào cuối quý 1/2014. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trở lại. Tuy nhiên, việc làm đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 6/2013. Trong khi đó, tốc độ tăng chi phí đã chậm lại và các công ty đã giảm nhẹ giá bán hàng.
Chỉ số PMI toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất - đạt mức 51,3 điểm trong tháng 3 cho thấy một mức cải thiện vừa phải về các điều kiện kinh doanh. Kết quả chỉ số đã tăng nhẹ từ mức 51 điểm của tháng 2 và ghi nhận sự cải thiện về các điều kiện hoạt động trong bảy tháng liên tiếp.
Tháng 3 có mức tăng mạnh số lượng đơn đặt hàng mới với tốc độ gia tăng là mạnh nhất trong thời kỳ năm tháng. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết có sự cải thiện chung về nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng trong tháng 3 sau khi giảm nhẹ trong tháng trước.
Mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới đã giúp các công ty sản xuất tăng sản lượng trong suốt sáu tháng. Hơn nữa, tốc độ tăng là nhanh hơn tháng trước đó.
Sản lượng tăng đã giúp các công ty giải quyết lượng công việc tồn đọng. Lượng công việc tồn đọng đã giảm trong suốt năm tháng, mặc dù tốc độ giảm của tháng này là chậm nhất.
Yêu cầu sản lượng tăng lên đã làm cho các công ty phải gia tăng hoạt động mua hàng. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng 7 tháng liên tục và với một tốc độ nhanh và chỉ chậm hơn một chút so với mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng 1. Mặc dù vậy, tồn kho hàng mua tiếp tục giảm nhẹ khi hàng hóa đầu vào được tiêu thụ trong quá trình sản xuất. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm, mặc dù tốc độ giảm mạnh khi một số thành viên nhóm khảo sát cho biết hàng hóa thành phẩm đã được giữ trong kho chứ không chuyển giao cho khách hàng.
Việc làm tại các công ty sản xuất của Việt Nam trong tháng 3 đã giảm, từ đó kết thúc thời kỳ tạo thêm việc làm kéo dài bảy tháng. Tuy nhiên, tốc độ giảm việc làm cũng chỉ là nhỏ. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết nguyên nhân chính dẫn đến giảm số lượng nhân sự là nhân viên đã bỏ đi tìm việc nơi khác.
Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã chậm lại trong suốt ba tháng và là mức yếu hơn so với mức trung bình của lịch sử khảo sát. Mặc dù tình trạng thiếu nguyên vật liệu làm cho các nhà cung cấp phải tăng giá, mức giảm giá hàng hóa trên thị trường thế giới được cho là đã làm chậm lại đà tăng giá. Bất chấp việc chi phí đầu vào tiếp tục tăng, trong tháng 3 các nhà sản xuất đã giảm nhẹ giá đầu ra trước áp lưc cạnh tranh mạnh mẽ như một số báo cáo đã nêu.
Thời gian giao hàng của nhà cung cấp hầu như không thay đổi trong tháng 3, sau khi có sự ổn định trong tháng trước. Ở những nơi có sự cải thiện hiệu suất hoạt động của người bán hàng, nguyên nhân được cho là do các công ty yêu cầu phải giao hàng nhanh hơn. Mặt khác, tình trạng thiếu nguyên liệu đã dẫn đến một số trường hợp giao hàng chậm.
Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, bà Trinh Nguyễn - Chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC cho biết: “Mức tăng sản lượng của lĩnh vực sản xuất phản ánh thành tích xuất sắc của Việt Nam về xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu đi các đối tác trong khu vực nơi mà tình trạng đình trệ của Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu. Chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực sản xuất tiếp tục được hưởng lợi từ tăng đầu tư nước ngoài vào sản xuất, chi phí đầu vào giảm và nhu cầu ở các nước phương Tây được cải thiện. Tình trạng giảm việc làm và mức tăng chi phí đầu vào phản ánh những nút thắt của nền kinh tế: một sự mất cân xứng giữa nhu cầu và nguồn cung lao động có kỹ năng và tốc độ cải cách lĩnh vực tài chính còn chậm chạp, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm áp lực giá cả”.
Theo DDDN