Ngay trong tháng 7/2015, Dự án Đầu tư mở rộng Nhà máy Sợi Trảng Bàng 3 của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ sẽ được đưa vào hoạt động, chỉ sau hơn 1 năm xây dựng.
Tại thời điểm này, Nhà máy Sợi Trảng Bàng 3 đã hoàn thiện phần thô và đang trong quá trình lắp ráp máy móc, trang thiết bị. “Công ty đã ký kết 100% hợp đồng mua máy móc, thiết bị và giải ngân hết toàn bộ ngân sách đầu tư cho dự án này để đưa vào sản xuất thương mại 50% công suất (tương đương 7.500 tấn sợi) vào tháng 7 tới và chạy 100% công suất vào quý I/2016”, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ xác nhận.
Với tổng vốn đầu tư 729 tỷ đồng, quy mô 15.000 tấn sợi/năm, khi đi vào vận hành, Dự án sẽ nâng tổng sản lượng sợi của Sợi Thế Kỷ lên 52.000 tấn. Ngay tại thời điểm này, lãnh đạo Công ty cho biết, toàn bộ sản phẩm của nhà máy mới đã được khách hàng cam kết bao tiêu hết.
Trong khi đó, Dự án Đầu tư nhà máy 14.000 cọc sợi, công suất 3.600 tấn sợi/năm do Công ty cổ phần Sợi Phú Anh đầu tư tại Khu công nghiệp Phú Bài (Thừa Thiên Huế) đã chính thức được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tài trợ vốn.
Với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng, trong đó 140 tỷ đồng do VietinBank Chi nhánh Thừa Thiên Huế tài trợ, Dự án có đủ điều kiện để triển khai nhanh.
Trước đó, vàoTrung tuần tháng 4/2015, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fotex) đã khởi công xây dựng Dự án Nhà máy Sợi Fortex 6 tại Khu công nghiệp Khí mỏ Tiền Hải (Thái Bình).
Dự án có tổng mức đầu tư 40 triệu USD, quy mô 50.400 cọc sợi với công suất 8,700 tấn/năm, khi đi vào hoạt động sẽ nâng tổng số cọc sợi của Fortex lên con số 160.000, tổng công suất đạt 23.000 tấn/năm. Khi hoàn thành và đi vào hoạt động, Dự án Sợi Fortex 6 không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh Thái Bình, mà còn cho nhiều doanh nghiệp trong cả nước.
Ông Trịnh Tấn Hoàng, Tổng giám đốc Fortex cho biết, Dự án Sợi Fortex 6 được đầu tư xây dựng tại thời điểm này nhằm đón đầu cơ hội xuất khẩu đang mở ra đối với ngành dệt may trong nước từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Đặc biệt là lợi thế xuất khẩu của các doanh nghiệp sẵn có khách hàng quốc tế sẽ rõ ràng hơn, nếu năng lực cung cấp được nâng cao cả về sản lượng lẫn chất lượng theo yêu cầu của khách hàng.
Fortex hiện đang sở hữu và khai thác 3 nhà máy sợi trên địa bàn tỉnh Thái Bình, với 110.000 cọc sợi và năng lực sản xuất 16.300 tấn sợi/năm.
Cần phải nói thêm rằng, trong cơ cấu sản phẩm tiêu thụ của các nhà máy thuộc Fortex trong năm nay, chỉ có 10% tổng sản lượng sợi được tiêu thụ nội địa, còn lại đều được các đối tác nhập khẩu đặt hàng. Chính vì vậy, việc đầu tư nâng công suất tại Dự án Sợi Fortex 6 là một trong những sự kiện quan trọng và sẽ được Công ty triển khai rất gấp rút.
Theo kế hoạch, Dự án Sợi Fortex 6 sẽ được rút ngắn thời gian xây dựng chỉ còn 9 tháng. Dự kiến, vào tháng 1/2016, nhà máy sẽ được đưa vào vận hành, bổ sung sản lượng sợi cung cấp cho thị trường xuất khẩu.
“Với danh sách khách hàng có sẵn, đặc biệt đã ký kết hợp đồng xuất khẩu đến quý III/2015, Công ty nhận thấy rất rõ thời cơ xuất khẩu của mình”, ông Hoàng nói.
Được biết, xuất khẩu đang là kênh tiêu thụ chủ yếu và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu qua các năm của Fortex, với các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc…
Cuộc chạy đua hối hả của nhiều dự án đầu tư sợi nhằm đóng đầu cơ hội thị trường từ các FTA, TPP là rất rõ ràng.
Theo bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), các doanh nghiệp dệt may đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực nguyên phụ liệu để ngành có dư lượng sợi xuất khẩu ngày càng tăng.
“Năm 2014, giá trị xơ sợi xuất khẩu đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2013. Cách đây 4-5 năm, xơ sợi xuất khẩu chỉ mới đạt 1 tỷ USD, thì con số 2,6 tỷ USD năm 2014 là một tiến bộ lớn, đáng ghi nhận”, bà Hạnh nhận xét.