Đón đầu hiệp định thương mại tự do: DN dệt may “đua” nước rút

Làn sóng đầu tư vào dệt may ngày càng trở nên sôi động hơn khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng đang đi đến những vòng đàm phán cuối cùng. Song nếu như các DN nội gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn cho dự án, thì nhiều DN nước ngoài lại khá gian nan đi tìm mặt bằng.

Nhà nước phải cấp bách có những chính sách phù hợp như hỗ trợ lãi suất các dự án đầu tư sợi, dệt và nhuộm...

Nếu không thay đổi ngay từ bây giờ, các sản phẩm dệt may của VN cũng không thể hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu vào các nước Mỹ, Canada như thỏa thuận.

DN nội: chú trọng đầu tư nguyên phụ liệu

Với năng lực tài chính có phần "vững" nhất trong ngành dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) được biết đến là doanh nghiệp (DN) nội địa đi đầu trong các hoạt động đầu tư của ngành. Cũng bởi vậy, với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 5 tỷ USD vào năm 2016, Vinatex đang gấp rút đẩy tiến độ các dự án khi đặt ra kế hoạch đầu tư vào 57 dự án trong năm 2014. Trong đó, sẽ có 2 dự án trang trại trồng bông, 15 dự án sợi, 8 dự án dệt và 24 dự án may mặc được triển khai... Đặc biệt, có nhiều dự án có số vốn đầu tư "khủng" đang được tập đoàn này gấp rút chuẩn bị các thủ tục đầu tư, làm việc với đối tác để sớm triển khai thực hiện.

Đơn cử như Dự án Khu liên hợp Sợi - dệt, Nhuộm - may với tổng số vốn đầu tư lên đến 2.200 tỷ đồng dự kiến sẽ được triển khai vào cuối quý I/2014; các nhà máy sản xuất vải với gần 60 triệu mét, sản xuất sợi với quy mô 200.000 cọc sợi; hơn 300 chuyền may… Khi các dự án này được hoàn thành, năng lực nguyên, phụ liệu của Vinatex sẽ tăng khoảng 7.000 tấn sợi, 4.000 tấn vải dệt kim, trên 20 triệu mét vải dệt thoi...

Phó TGĐ thường trực Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, đây là năm "quan trọng" để các DN hoàn tất việc triển khai các dự án nhằm tăng cường khả năng cung ứng nguyên phụ liệu, chuẩn bị đón đầu cơ hội từ cácFTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), với yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu. Do đó, nguồn vốn đầu tư các dự án mà Vinatex triển khai trong năm nay cũng tăng gấp 5 lần, với quy mô vốn tập trung chủ yếu cho các dự án nguyên phụ liệu (80% vốn, 20% cho dự án may).

Tuy vậy, ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Vitas, cho rằng ngoài vốn lớn, đầu tư vào nguyên liệu như dệt nhuộm có yêu cầu rất cao về công nghệ, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường khắt khe. Mà nếu không có nhuộm thì không có vải hoàn tất cho ngành may. Nghịch lý là có nhiều DN muốn đầu tư nhuộm nhưng đi đến đâu cũng bị từ chối khéo vì sợ bị ô nhiễm môi trường. “Nếu không thay đổi ngay từ bây giờ, các sản phẩm dệt may của VN cũng không thể hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu vào các nước Mỹ, Canada như thỏa thuận. Vì vậy, nhà nước phải cấp bách có những chính sách phù hợp như hỗ trợ lãi suất các dự án đầu tư sợi, dệt và nhuộm cho ngành may hay thuộc da cho ngành da giày. Đồng thời quy hoạch cụ thể về các cụm, KCN riêng cho các dự án dệt nhuộm”, ông  Hồng nói.

Quảng cáo

DN ngoại: đổ xô xây nhà máy tại VN

Khi TPP được ký kết, thuế nhập khẩu (NK) các sản phẩm dệt may vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là Mỹ (thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của VN) sẽ giảm từ 17 - 32% hiện nay xuống 0%. Rất nhanh, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đã đổ xô mở nhà máy tại VN để tận dụng mức thuế hấp dẫn này.

Tập đoàn Texhong (Hồng Kông) đã khánh thành nhà máy dệt nhuộm tại Quảng Ninh có vốn đầu tư 300 triệu USD. Từ năm 2006, Texhong cũng đã xây dựng một nhà máy dệt tại KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai) với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD. Công ty Unisoll Vina, thuộc Hansoll Textile Ltd, Hàn Quốc cũng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hàng may mặc và các sản phẩm từ da, lông thú với công suất 90 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 50 triệu USD. Nhiều thông tin cho thấy TAL - tập đoàn chuyên về dệt may của Hồng Kông - cũng đang chuẩn bị mở rộng đầu tư tại VN bằng dự án sản xuất sợi, dệt, nhuộm và may mặc với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 200 triệu USD... Trong cuộc họp với các DN dệt may mới đây, ông Uông Tiến Thịnh, Giám đốc điều hànhVinatex, cho biết các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tăng tốc mở rộng hoạt động ra các tỉnh thành trên cả nước, không chỉ trong lĩnh vực may mặc mà cả sợi, dệt, nhuộm. Một số DN Trung Quốc cũng đang tìm hiểu và có sự chuyển dịch đầu tư sản xuất sang VN để tranh thủ cơ hội TPP. Còn theo Hiệp hội Dệt may thêu đan TP HCM, các tập đoàn như Toray International và Mitsui (Nhật Bản), Lenzing (Áo), Sunrise (Trung Quốc)... cũng đến VN để tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhằm tận dụng điều kiện xuất xứ khi TPP có hiệu lực.

Vẫn còn rào cản

Nếu không thay đổi, các sản phẩm dệt may của VN  không thể hưởng ưu đãi về thuế NK vào các nước Mỹ, Canada như thỏa thuận TPP.

Theo bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), các FTA mà Việt Nam đang đàm phán, ký kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là "cú hích" cho sự phát triển của ngành dệt may: "Đây là thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, nên từ năm 2013 và đặc biệt là đầu năm nay, đã có nhiều đoàn doanh nhân nước ngoài sang Việt Nam tìm hiểu về chính sách, điều kiện đầu tư, chi phí, lao động và tính ổn định của thị trường, trên cơ sở đó đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, khác với các dự án may có quy mô vốn nhỏ, dễ thu hồi vốn nhanh nên việc triển khai dự án nhanh hơn, còn đầu tư vào dệt, nhuộm, sợi thường yêu cầu vốn lớn, nên NĐT cũng thận trọng hơn".

Các NĐT nước ngoài dù có nguồn lực tài chính mạnh, song vẫn cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng, và chỉ quyết định rót vốn đầu tư khi có những điều kiện thuận lợi về chính sách, hạ tầng. Vitas cho biết, hiện có nhiều NĐT nước ngoài đã quyết định bỏ vốn, song do nhiều địa phương "ngại" vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải nên đã không "ưu ái" cho ngành dệt. Thực tế này khiến cho nhiều NĐT nước ngoài khá "vất vả" trong việc tìm các địa điểm đầu tư thuận lợi, có mặt bằng rộng và phù hợp để xây dựng dự án.

Trong khi đó, "ông lớn" nội địa Vinatex thì đang loay hoay với bài toán huy động vốn đầu tư. Đại diện của tập đoàn này cho biết, chỉ riêng năm 2014, nguồn vốn đầu tư cho các dự án cần đến 9.722 tỷ đồng, song mức giải ngân dự kiến chỉ đạt khoảng 4.915 tỷ đồng. Đáng lo ngại hơn, tổng nguồn vốn đầu tư đến năm 2015 lên đến khoảng 20.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng, nên đây sẽ là rào cản lớn nhất để Vinatex thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 60% vào năm 2015…

Thanh Xuân

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/