Phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng
Nằm ở rìa Biển Đông, vùng biển nước ta có vị trí địa kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng trong Chiến lược phát triển đất nước. Tài nguyên từ biển có khả năng khai thác rất lớn, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước hết phải kể đến dầu khí, với vùng biển rộng hơn l triệu km2, có tới 500.000 km2nằm trong vùng triển vọng có dầu khí.
Theo các nhà khoa học, trữ lượng dầu khí ngoài khơi miền Nam Việt Nam có thể chiếm 25% trữ lượng dầu dưới đáy Biển Đông, trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa khoảng 10 tỷ tấn quy dầu, khí đốt với trữ lượng khoảng 3 nghìn tỷ m3/năm.
Ngoài ra, dưới đáy biển còn có nhiều khoáng sản quý như thiếc, ti-tan, đi-ri-con, thạch anh, nhôm, sắt, măng-gan, đồng và các loại đất hiếm. Nguồn lợi hải sản cũng được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực, ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển…
Bờ biển dài hơn 3.260km, dọc bờ biển có hơn 100 địa điểm có thể xây dựng hải cảng, trong đó một số nơi có thể xây dựng cảng nước sâu, quy mô tương đối lớn. Dọc bờ biển có hàng trăm bãi tắm đủ điều kiện thuận lợi khai thác phát triển du lịch biển, trong đó có những bãi tắm dài lên đến 15-18km. Nhiều địa danh du lịch biển đã được thế giới biết đến như Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang...
Hệ thống đảo và quần đảo phong phú, trải dài từ vùng biển Quảng Ninh đến Kiên Giang. Theo thống kê, ven bờ biển nước ta có đến 2.773 đảo lớn, nhỏ khác nhau với tổng diện tích khoảng 1.700km2. Các tỉnh ven biển còn có nhiều thế mạnh khác trong đất liền như các di tích, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống và các lễ hội... đây là điều kiện thuận lợi để du lịch biển phát triển.
Với tiềm năng trên, thời gian qua nước ta đã phát triển kinh tế biển khá thành công: Dầu khí khai thác tăng từng năm, sản lượng dầu mỏ khai thác và xuất khẩu liên tục gia tăng với tốc độ bình quân đạt khoảng 15%/năm, trong đó xuất khẩu dầu đã giúp cho nước ta có nguồn thu ngoại tệ đáng kể, giảm tỷ lệ nhập siêu của nền kinh tế;Đánh bắt hải sản ven bờ và xa bờ, nuôi trồng thuỷ sản với sản lượng khai thác tăng bình quân 5%/năm, nuôi trồng hải sản tăng nhanh cả diện tích nuôi trồng lẫn sản lượng, đã góp phần đáng kể vào chuyển đổi mạnh trong cơ cấu kinh tế nông thôn ven biển, tạo việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân ven biển.
Công nghiệp chế biến thủy hải sản tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng; Du lịch biển, hằng năm vùng biển thu hút 73% số lượt khách du lịch quốc tế, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 12,6%/ năm, thu hút hơn 50% số lượt khách du lịch nội địa...; Vận tải biển, không chỉ tăng năng lực vận tải mà còn có sự thay đổi cơ bản về cơ cấu, chất lượng đội tàu, các cảng ven biển. Đội tàu biển quốc gia đã có những bước phát triển đáng khích lệ, bình quân tăng gần 10%/năm về số lượng tàu và trên 10%/năm về trọng tải. Hệ thống cảng biển bao gồm trên 100 cảng biển lớn nhỏ, trong đó có một số cảng đã và đang được nâng cấp và mở rộng. Khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển tăng nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt vào khoảng 17%/năm.
Song những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế biển của chúng ta vẫn chưa tương xứng với khả năng và nguồn lực đã đầu tư, chưa hiệu quả, chưa bền vững.
Cụ thể: Môi trường sinh thái bị đe dọa, do tập trung khai thác ở vùng nước nông, ven bờ, nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, làm cho môi trường ven biển ô nhiễm ngày càng tăng đã gây ảnh hưởng lớn đến tính đa dạng sinh học ở vùng bờ và ven bờ, số lượng loài có nguy cơ tuyệt chủng, cạn kiệt gia tăng. Hoạt động bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn tài nguyên và những tác động của biến đổi khí hậu liên quan đến sự phát triển bền vững của kinh tế biển, đảo chưa được quan tâm đúng mức;Đánh bắt xa bờ chưa phát triển đúng tầm, các phương tiện đánh bắt cá xa bờ công suất thấp, trình độ ngư dân thấp; Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún chưa đáp ứng được vận chuyển hàng hải. Bến cá, chợ cá quy mô nhỏ chưa đáp ứng được công tác hậu cần đánh bắt cá quy mô lớn; Kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp; Ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, công trình biển mới ở mức bắt đầu xây dựng; Năng lượng thủy triều, sóng, gió và nhiệt là những tiềm năng tương đối lớn nhưng chưa được đầu tư khai thác đúng mức; Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,... ở ven biển còn nhỏ bé, trang bị thô sơ.
Nhìn chung, quy mô kinh tế biển còn nhỏ, tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, chú trọng nhiều đến sản lượng, số lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên.
Kinh tế biển nước ta đang còn yếu kém, chưa được định hình một cách đầy đủ trong một chiến lược phát triển lâu dài, chưa có được nguồn nhân lực mạnh và hạ tầng kỹ thuật cần thiết, nhất là các thiết bị, công nghệ hiện đại khảo sát nghiên cứu để phục vụ cho sự phát triển kinh tế biển.
Cần có sự đổi mới tư duy về kinh tế biển
Những bất cập trong phát triển kinh tế biển còn nhiều, cụ thể như mô hình kinh tế biển chưa được định hình rõ nét, chưa phát triển các ngành kinh tế biển ưu tiên và chưa khai thác lợi thế về công nghệ, chưa khai thác tốt đầu tư để tạo tính lan tỏa, thúc đẩy kinh tế biển phát triển tương xứng… Điều đó có thể do tư duy của chúng ta về phát triển kinh tế biển chưa được đầy đủ. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần chú trọng phát triển kinh tế biển qua phát huy lợi thế tiềm năng tài nguyên biển đa dạng và phong phú.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, lợi thế tiềm năng lớn, song không ít thách thức, nhất là thách thức biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của các nhà khoa học, chúng ta là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là vùng ven biển và các đảo nhỏ.
Cần phải thấy biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái các hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường biển là những vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết trong quá trình tiến ra biển và lớn mạnh từ biển. Tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao gia tăng mạnh đang là áp lực lên nguồn tài nguyên biển, làm suy kiệt các hệ sinh thái và môi trường biển và ven biển; ảnh hưởng đến các ngành kinh tế biển chính yếu như khai thác hải sản, phát triển đô thị ven biển, du lịch biển đảo và giao lưu thương mại.
Nhiều vùng biển bị ô nhiễm nặng, cùng với dầu tràn, ô nhiễm từ các hoạt động vận tải trên biển, các nguồn thải từ đất liền đang đe dọa nhiều vùng biển làm cho chất lượng nước biển đang có xu hướng suy giảm. Hiện tượng xâm thực bờ biển và mặn hóa đất liền hiện đang là mối lo đối với chất lượng nước ngầm, đặc biệt tại vùng duyên hải Bắc Bộ. Bão, lũ, áp thấp nhiệt đới gia tăng, tác động trực tiếp đến khai thác hải sản, gây ách tắc đường vận chuyển ven biển.
Việc đẩy mạnh khai thác dầu khí, phát triển kinh tế hàng hải, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch biển, xây dựng hệ thống các cảng ven biển, phát triển nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị ven biển không được hoạch định cụ thể… làm suy kiệt các hệ sinh thái và môi trường biển và ven biển, nguồn lợi hải sản giảm nhanh, nhiều vùng biển ven bờ bị suy kiệt.
Đồng thời là những thách thức do tính phức tạp của vấn đề Biển Đông. Khi các quốc gia đều tiến ra khai thác biển thì sẽ có cạnh tranh quyết liệt trên biển giữa các quốc gia nằm trong Biển Đông và cả những quốc gia bên ngoài, điều đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế biển. Trong thời đại hiện nay, khi vùng biển có diễn biến phức tạp, chúng ta cần nhận thức rõ và sâu về vai trò của an ninh quốc phòng.
Rõ ràng, cần có sự đổi mới tư duy về phát triển kinh tế biển. Muốn phát triển kinh tế biển hiệu quả, tương xứng với lợi thế tiềm năng và cơ hội cần phải có đột phá về tư duy vượt qua thách thức, phát huy nguồn lực, nếu không có tư duy đúng để đưa ra các chính sách hợp lý thì không thể nói đến việc phát triển kinh tế biển thành công. Trong bối cảnh như vậy, mục tiêu đặt ra cho nền kinh tế nên phát triển kinh tế biển là mũi nhọn nhưng phải bảo đảm an ninh,quốc phòng.
Kiến nghị
Để phát triển kinh tế biển thành công, mô hình kinh tế biển cần định hình theo hướng phát triển có hiệu quả các ngành kinh tế biển ưu tiên kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh, bảo vệ các vùng biển và hải đảo.
Các ngành kinh tế biển ưu tiên cần gắn kết với ứng phó biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ an ninh quốc phòng, tác động đối với toàn ngành kinh tế biển như ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao; các ngành khai thác tài nguyên biển, năng lượng biển, đầu vào làm nền tảng cho các ngành khác phát triển.
Cụ thể, cần đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, công nghiệp dầu khí, phát triển công nghiệp đóng tàu phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ, vận chuyển hàng hải và công nghiệp quốc phòng, công nghiệp điện gió... Cần làm rõ tiêu chí phát triển kinh tế biển cần hướng tới, đó là: nhóm các tiêu chí về tăng trưởng kinh tế vĩ mô, nhóm các tiêu chí về mặt xã hội và nhóm các tiêu chí về môi trường. Theo chúng tôi, nên thực hiện một số giải pháp mang tính gợi ý sau:
Một là, tăng cường phát triển kinh tế biển. Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, đảo và có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đảo như: Nhà nước có cơ chế, chính sách tạo ra những lợi thế để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào ,lĩnh vực xây dựng, khai thác, sử dụng và phát triển kinh tế biển, đảo để biển, đảo mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất; Xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến trên biển, đảo cùng với các mô hình tổ, đội, hợp tác xã sản xuất vận tải trên biển; Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu hút các nguồn vốn ODA, FDI...; Tăng cường trao đổi, xuất khẩu; Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng các vùng ven biển; Hoàn chỉnh ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ khí điện lạnh, đóng sửa tàu thuyền, sản xuất vật liệu, bao bì.
Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cho ngành kinh tế biển. Việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế tài nguyên từ biển phải được xem là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm các nhu cầu về nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng, thực phẩm và không gian sinh tồn cho gần 90 triệu người dân Việt Nam. Đó là: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm bảo vệ môi trường biển, đảo; Áp dụng công nghệ mới hiện đại vào các lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu khí, đóng tàu và chế biến các sản phẩm của biển,…; Hỗ trợ nhà khoa học điều kiện nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế biển.
Ba là, công tác an ninh. Cần đưa ra một chủ trương hợp tác hữu hiệu với các quốc gia có biển trong khu vực và không có biển nhằm phục vụ cho việc khai thác các tiềm năng biển, phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước. Cần tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực, trên thế giới để cùng nhau xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Cần phải có thỏa thuận hợp tác giữa các nước có biển với nhau xây dựng lực lượng bảo vệ các hoạt động trên biển, chống cướp biển, bảo đảm sự an toàn của ngư dân, nhà dầu tư sản xuất trong lĩnh vực kinh tế biển.
Bốn là, thực hiện bảo vệ môi trường biển, phòng ngừa biến đổi khí hậu. Gắn phát triển kinh tế biển với tất cả các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng tuyến đảo, hệ thống cảng biển, đô thị ven biển, các ngành dầu khí, đóng tàu, giao thông, du lịch, khai thác nuôi trồng hải sản... nhưng cần có biện pháp ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên biển và hải đảo, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái. Cụ thể:
- Xây dựng kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai, thảm họa, chống xói lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu. Để ứng phó, thích ứng với việc nước biển dâng cần xây tường bảo vệ bờ biển, đê, kè sông, kè biển, xây dựng kênh mương, hệ thống bơm giảm ngập để kiểm soát lũ lụt, trồng rừng phòng hộ ven biển tạo hành lang bảo vệ đê biển, ngăn ngừa nước biển dâng và nước mặn lấn sâu vào đồng ruộng, trồng rừng ngập mặn để phòng tránh, giảm thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra, khôi phục đất ngập nước cũng tạo ra một vùng đệm, lá chắn tự nhiên quan trọng trước tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
- Nhà nước cần đầu tư kinh phí để các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu kỹ lưỡng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với kinh tế biển.
Theo Tạp chí cộng sản