Đối với một con người, hệ tư tưởng quyết định tất cả. Với tôi, khát khao "làm lợi cho người, đẹp cho đời và giàu cho quê hương".
William Shakespeare - Nhà văn vĩ đại nhất của nước Anh và là nhà viết kịch đi trước thời đại từng nói: "Ước mơ mà không kèm theo hành động thì dù hy vọng có cánh cũng không bao giờ bay tới đích".
Câu nói này có phần đúng với bông hồng "thép" Nguyễn Thị Bích Huệ - CEO Công ty TNHH Vĩnh Tiến. Bà đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy rằng hành động, kiên định đeo đuổi mục tiêu và khát vọng mình đã đặt ra, kể cả tầm nhìn và sứ mệnh thì sẽ đi đến thành công.
Hành trình khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng với sản phẩm trà Atiso, lập nên thương hiệu Vĩnh Tiến vang dội trong ngành trà Việt và thế giới của bà là nguồn cảm hứng cho các nữ doanh nhân trên con đường tìm kiếm sự thành công cho chính mình. Bằng tất cả tình yêu đam mê và tâm huyết cho công việc bà đã giúp Công ty TNHH Vĩnh Tiến ngày càng khẳng định được vị thế của mình.
Bà Nguyễn Thị Bích Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến (thứ 6 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Thủ tướng và Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam
Khi nhận lời phỏng vấn của Thương gia, bà đã kể rất chi tiết về câu chuyện cuộc đời, những thăng trầm mà bà đã kiến tạo doanh nghiệp để đi đến thành công như ngày hôm nay. Năm 1979, bà chỉ có một chiếc vali nhỏ đựng ít áo quần và những cuốn sách vật lý cũ, khăn gói theo chồng vào Đà Lạt để xây dựng gia đình và lập nghiệp mà không hề biết những gì đang chờ mình ở phía trước.
Ấy thế mà trước đó, khi vào đại học, bà nuôi ước mơ trở thành kỹ sư vật lý hạt nhân. Nhưng, thời bao cấp khó khăn đã đẩy đưa những người phụ nữ nhanh nhạy, tháo vát như bà đến với con đường kinh doanh.
Chọn trà là sản phẩm khởi nghiệp vì "sự tuyệt vời" của cây trà Việt Nam
Cơ duyên nào khiến bà từ một người nuôi ước mơ trở thành kỹ sư vật lý hạt nhân giỏi chuyển sang hướng kinh doanh và chọn trà để làm sản phẩm khởi nghiệp?
CEO Nguyễn Thị Bích Huệ: Đúng vậy, tôi học chuyên ngành vật lý hạt nhân. Năm 1986, tôi ra trường, đi làm.
Khi ấy, tổ chức chính quyền phân công tôi làm việc tại một doanh nghiệp Nhà nước về phát hành sách nên không đúng chuyên ngành mà tôi am tường - đó là Công ty phát hành sách Lâm Đồng. Tuy nhiên, do điều kiện thời bao cấp không thể làm công việc phù hợp với khả năng và trình độ mà mình mong muốn, tôi đành chấp nhận làm ở công ty phát hành sách.
Sau gần chục năm gắn bó, tôi nhận thấy thật sự mình không phù hợp, nếu cố theo đuổi điều không phải đam mê thì không hiệu quả. Thời điểm ấy, trùng hợp thay thành phố du lịch - Đà Lạt đang dần hình thành và phát triển.
Tôi nhận thấy ở đây rất tuyệt. Nơi đây có lượng du khách rất đông, có nhiều đặc sản, đặc biệt là cây atiso do người Pháp đem về Đà Lạt. Sau đó, nó trở thành một loại cây rất hữu dụng, sử dụng chế biến được từ trái, thân, rễ giúp an thần, dễ ngủ, mát gan... Atiso được đánh giá là một loại cây cao cấp của Đà Lạt thời đó.
Ý tưởng và mong muốn khám phá thúc giục tôi thay đổi và hành động: “Mình hãy thử ra thương trường và sản xuất loại trà đặc sản này bán cho du khách xem sao. Tôi bàn với chồng và quyết định nghỉ làm nhà nước, khởi nghiệp làm những sản phẩm có sẵn, có lợi cho sức khỏe từ lợi thế vốn có của mảnh đất Đà Lạt.
Năm 1996, tôi chính thức nghỉ việc ở Công ty phát hành sách Lâm Đồng. Khởi nghiệp kinh doanh cơ sở sản xuất trà Vĩnh Tiến, sản phẩm chủ chốt là trà Atiso. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của công ty đầu tư phát triển.
Khi chọn phát triển và tâm huyết với trà Atiso, bà đã đầu tư và phát triển dòng sản phẩm này ra sao?
CEO Nguyễn Thị Bích Huệ: Mục đích ban đầu của tôi chỉ để bán cho du khách ở Đà Lạt. Nhưng sau một năm kinh doanh, được thị trường đón nhận tích cực, phát triển nhanh vượt bậc, tôi làm bao nhiêu cũng không đủ bán.
Năm 1997, tôi bắt đầu đầu tư dây chuyền đóng gói tự động, dùng khoa học kỹ thuật, máy móc áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, tôi còn đầu tư thêm máy đóng trà có tem, có chỉ luôn, hệ thống bo màng co tự động, máy xay,.. thay vì làm thủ công như trước đây.
Khởi nghiệp kinh doanh cơ sở sản xuất trà Vĩnh Tiến, sản phẩm chủ chốt là trà Atiso. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của công ty đầu tư phát triển.
Cũng trong thời gian này, nhận thấy trong dân gian có rất nhiều loại thảo dược quý, có nguồn gốc từ thiên nhiên, dùng nhiều rất có lợi cho sức khỏe, hỗ trợ cho những bệnh thông thường mọi người hay mắc phải.
Nên tôi đã áp dụng khoa học kỹ thuật để cho mỗi loại trà sẽ có một hương vị riêng. Ví như dùng hương hoa tự nhiên để phối vào trà, nó sẽ giúp trà dậy mùi, đúng với hương thiên nhiên, truyền thống.
Chưa kể, dược liệu đó sẽ làm được ra nhiều loại trà tiện lợi, dễ sử dụng, phù hợp với lối sống công nghiệp, nên tôi quyết định mở rộng sản phẩm, quy mô của mình sang các loại trà thảo dược khác như thủ ô, khổ qua, trái nhàu, tâm sen,… Đây là các sản phẩm có mùi thơm tự nhiên của cỏ cây rất dễ chịu, sang trọng, tiện lợi và dễ sử dụng. Tất cả những loại thảo dược quý tôi đều chế biến thành trà túi lọc.
Bạn biết đó, từ cổ chí kim, ông cha ta đã có truyền thống sử dụng các loại thảo dược như thức uống hàng ngày để nâng cao sức khoẻ. Và mỗi loại trà lại có giá trị thiết thực khác nhau – Trà giúp cho vóc dáng trở nên thon thả, trà giúp cho bạn ngủ ngon một cách nhẹ nhàng, trà thích hợp cho người cao huyết áp, tiểu đường – tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, mát gan, thông mật, giảm căng thẳng, mệt mỏi v.v...
Và để tiếp nối giá trị đó đến hiện tại và tương lai, Vĩnh Tiến đã chế biến những loại thảo dược quý thành trà túi lọc, phù hợp với lối sống công nghiệp hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên được những giá trị tác dụng tốt tới sức khỏe của người dùng.
Những năm 2002-2003, khách hàng Châu Âu tự tìm đến tôi, họ thấy trong các siêu thị có các sản phẩm trà Vĩnh Tiến. Những năm đó, việc xuất khẩu sản phẩm sang Châu Âu vô cùng khắt khe và nghiêm ngặt.
Nước đầu tiên Vĩnh Tiến xuất khẩu sản phẩm là Đức, sau đó mở rộng thị trường sang Hà Lan, Pháp,... Đây là dấu mốc mà tôi rất tự hào vì đã đưa được sản phẩm của Việt Nam (Atiso Đà Lạt) vươn tầm thế giới.
Giữa hàng nghìn doanh nghiệp và sản phẩm về trà, nho,... bằng cách nào mà bà đã khiến thị trường chấp nhận sản phẩm của mình, nhất là với những thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ,.. Cụ thể, các sản phẩm của Vĩnh Tiến đều mang những yếu tố bản địa đặc sắc, thưa bà?
CEO Nguyễn Thị Bích Huệ: Trước đây, khái niệm sản phẩm “sạch” chưa được dùng nhiều. Nhưng cơ duyên là đầu những năm 2002, người Đức sang Việt Nam và thấy sản phẩm của Vĩnh Tiến tại các siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh, họ thấy ấn tượng nên đã đem về Đức kiểm tra sơ bộ. Sau khi thấy ổn thì họ chủ động liên hệ với mình.
Có lẽ lúc đó, Vĩnh Tiến đã xây dựng doanh nghiệp với phương châm phát triển bền vững, nhân công canh tác theo đúng quy trình chuẩn và đạt yêu cầu đề ra. Trong quá trình sản xuất, Vĩnh Tiến có đội ngũ kỹ thuật có chuyên môn cao, sản phẩm đa dạng mẫu mã, chất lượng tốt. Vì thế, dòng sản phẩm của Vĩnh Tiến đã lọt vào mắt xanh của đối tác nước Đức.
Mới đầu, dù chưa có doanh thu, lợi nhuận như mong muốn nhưng với tôi, đã làm phải đi dài, đi lâu và phát triển bền vững. Để trụ vững trên thị trường, sản phẩm đạt chất lượng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.
Đến nay, các sản phẩm của Vĩnh Tiến đã có mặt ở khắp trong và ngoài nước. Nhiều năm đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, Sao Vàng đất Việt và nhiều giải thưởng cao quý khác.
Đặc biệt, tìm cách phù hợp dòng sản phẩm với nước ngoài là một bài toán khó. Ví dụ, với các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam bao bì có thể màu sắc rực rỡ, nhiều loại, nhưng đối với Châu Âu thì phải đóng bao bì có màu sắc nhã nhặn, tối giản tất cả trên thiết kế. Doanh nghiệp phải nắm bắt được và phải theo kịp xu thế. Nhưng cốt lõi nhất của mọi vấn đề vẫn là chất lượng sản phẩm mình phải đặt lên hàng đầu.
Sản xuất ra sản phẩm thì dễ nhưng để đưa ra thị trường, được thị trường chấp nhận lại rất khó. Vậy bà có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm của mình với mọi người và nhất những bạn trẻ đang đầy nhiệt huyết khởi nghiệp hiện nay?
CEO Nguyễn Thị Bích Huệ: Để lập nghiệp, để thị trường chấp nhận và đưa được sản phẩm ra thị trường thế giới thì tôi nghĩ thời điểm này không khó đối với các bạn trẻ. Tất nhiên thời của tôi thì khó hơn. Bây giờ khoa học, công nghệ phát triển, các bạn còn được bố mẹ hỗ trợ. Còn khi xưa, hầu hết các doanh nhân đều lập nghiệp bằng con số 0 tròn trịa.
Đối với con người, hệ tư tưởng quyết định tất cả. Với tôi, khát vọng là làm ra những sản phẩm có lợi cho con người, làm giàu cho quê hương đất nước, làm đẹp cho đời. Khát vọng đó thôi thúc tôi phải có tầm nhìn xa, tầm nhìn chiến lược, mục tiêu ngắn hạn, dài hạn. Trong mọi hoàn cảnh phải kiên định, bản lĩnh để dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thị trường đâu phải lúc nào cũng yêu chiều chúng ta, rất nhiều biến động bất ngờ, những điều không thể lường trước, vậy nên bản lĩnh của một doanh nhân phải kiên định, đeo đuổi mục tiêu và khát vọng mình đã đặt ra, kể cả tầm nhìn và sứ mệnh.
Khi gặp chuyện cực kỳ khó khăn thì họ phải hết sức bình tĩnh, nhìn được tổng thể, thế giới quan và nhân sinh quan của bản thân mình để đưa ra những quyết định đúng lúc, kịp thời.
"Bản lĩnh của một doanh nhân phải kiên định, đeo đuổi mục tiêu và khát vọng mình đã đặt ra, kể cả tầm nhìn và sứ mệnh".
Bà Nguyễn Thị Bích Huệ - CEO Công ty TNHH Vĩnh Tiến
Có lẽ, khi nghe thế, nhiều người sẽ nói lý thuyết quá, nhưng không phải, vì khi vào chiến trường rồi thì bạn mới nhận ra sự kiên định của lãnh đạo doanh nghiệp nó quyết định mọi thành bại của doanh nghiệp đó.
Còn bạn biết đó, ai cũng sản xuất trà, ai cũng sản xuất rượu, nhưng để thành công thì tính quyết đoán, sự kiên định, bản lĩnh của chủ doanh nghiệp quan trọng nhất. Đó là điều kiện tiên quyết.
Tiếp đó, trong mọi hoàn cảnh chúng ta phải thích nghi với nó, linh hoạt để xử lý mọi việc. Nhưng điều cốt lõi của mọi điều vấn đề để thành đạt, phục sự thành công vẫn là chất lượng sản phẩm.
Để thành công, ngoài sự hỗ trợ của các chính sách tầm vĩ mô, bản thân nội lực của doanh nghiệp đã phải có tổ chức chuẩn. Khi tổ chức chuẩn rồi thì phải tìm mọi nguồn tài chính để phát triển nó và nắm bắt xu thế của thị trường, khi đó đảm bảo sẽ thành công.
CEO Nguyễn Thị Bích Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến nhận danh hiệu
"Nữ Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông hồng vàng" năm 2021
Không nói đâu xa, đại dịch Covid-19 xảy ra, giãn cách xã hội và cách ly trong thời gian dài, nền kinh tế bị ảnh hưởng. Đây là cú sốc rất lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa như của Việt Nam. Cú sốc này khiến các doanh nghiệp lao đao nhưng với Vĩnh Tiến khi đó, tôi rất bình tĩnh, nhìn nhận tích cực.
Để vượt qua khó khăn đó, điều tôi ưu tiên tôi làm là trả lương tối thiểu 50% cho anh em để duy trì sản xuất, đóng bảo hiểm cho người lao động. Cố gắng duy trì sản xuất để trả những đơn hàng lớn đã ký và tập trung sản xuất những đơn hàng thực tế vùng không bị giãn cách có thể vận chuyển được.
"Điều cốt lõi của mọi vấn đề để thành đạt, phụng sự thành công vẫn là chất lượng sản phẩm".
Bà Nguyễn Thị Bích Huệ - CEO Công ty TNHH Vĩnh Tiến
Ngoài đầu tư phát triển trà, Vĩnh Tiến còn đầu tư vào du lịch. Mô hình du lịch của tôi là du lịch canh nông. Khu du lịch nằm ngay trong nhà máy sản xuất. Tôi đã đầu tư một thế giới của những người lùn, một làng cổ tích, hầm rượu vang…
Qua khu du lịch, tôi vừa quảng bá được những sản phẩm của Đà Lạt mà Vĩnh Tiến sản xuất, vừa chứng minh cho tất cả các du khách biết rằng, Đà Lạt không chỉ có mỗi cảnh quan, mà còn rất nhiều sản phẩm đặc trưng và làm đa dạng hóa mô hình du lịch Đà Lạt. Đó là điều cốt lõi!
Tôi thu hút lao động, nhất là phụ nữ và trẻ khiếm khuyết để tạo công ăn việc làm cho họ. Giúp họ vượt qua cuộc sống khó khăn. Nó mang tính nhân văn cao.
Khi đến đây, du khách có thể trực tiếp xem quy trình sản xuất sản phẩm, họ còn được trải nghiệm, mua bán, đối chiếu sản phẩm với bên ngoài thực tế,...
Qua tất cả những điều đó, sẽ đóng góp được ngân sách cho địa phương và quảng bá được cho du lịch Đà Lạt, tạo được rất nhiều công ăn việc làm, nhất là phụ nữ và trẻ em khiếm khuyết. Đó là những điều rất ý nghĩa tôi đã làm được.
Thời điểm Covid hoành hành, việc khu du lịch phải đóng cửa, tôi thấy cũng là một việc tốt. Đây sẽ là thời điểm để nâng cấp khu du lịch và làm mọi điều chưa hoàn thiện trước đây. Vì nhất định hết mưa trời lại nắng, sẽ có một ngày hết dịch, sau dịch sẽ đón đầu được lượng du khách hài lòng với Công ty mình hơn. Bản thân mình thấy đẹp, hấp dẫn thì mới đủ sức thu hút được du khách. Và bằng chứng là chúng tôi đã thành công.
Các loại cây như trà atiso, gốc nho Syrah, Merlot,... đều là những loại cây ôn đới, nhưng bà lại chọn trồng và sản xuất tại Việt Nam và bán ngược lại Châu Âu,... Đây là điều rất ít doanh nghiệp làm được, vậy bà đã làm cách nào để đạt được thành công đó?
CEO Nguyễn Thị Bích Huệ: Bạn biết không, khi vào thương trường bạn sẽ phải có khả năng quan sát xem nhu cầu thị trường cần gì? Tôi nhận thấy vang của Việt Nam không được đánh dấu trên bản đồ vang thế giới nên tôi muốn thực hiện.
Năm 1997, 1998 thì có vang Đà Lạt, nhưng lúc đó tôi chỉ làm trà Atiso thôi! Tuy nhiên, tôi nhận thấy Đà Lạt có thế mạnh về có dâu tằm, chanh dây, trái nhàu,... nên quyết tâm sẽ khai thác tiềm năng giá trị này
Đầu tiên khi làm tôi là tôi làm vang lên men từ từ dâu tằm. Để làm được rượu vang cần có quy trình lên men nghiêm ngặt, ủ cả năm trời, số tiền lớn, công nghệ cao. Nhưng tôi xác định, nếu Vĩnh Tiến thâm nhập thị trường này thì sẽ đưa doanh nghiệp lên một level mới.
"Để xuất khẩu được hàng hoá thì điều đầu tiên là phải chọn được con đường đi cho mình, sản phẩm của mình là gì?".
Bà Nguyễn Thị Bích Huệ - CEO Công ty TNHH Vĩnh Tiến
Dự định đầu tiên của tôi là làm thử trăm ngàn lít, xem thị trường ra sao, nhưng không ngờ khi ra thị trường, sản phẩm vang lên men từ dâu tằm được đón nhận rất tích cực. Nó là thức uống khai vị rất tốt cho sức khỏe, nhưng để cạnh tranh được với những loại rượu vang khác trên thị trường Việt Nam và thế giới thì tôi cần phải đầu tư, nghiên cứu nhiều hơn.
Sau đó, tôi đã sang Ý và Pháp tìm giống nho và đem về Việt Nam. Sang Ý, tôi mua 3000 gốc các loại nho và về trồng thử tại Đà Lạt. Vì khí hậu mưa nhiều, thời tiết không ổn định, sau một thời gian trồng thử thấy không phù hợp tôi đã đem toàn bộ cho Trung tâm Giống cây trồng Ninh Thuận. Và hiện giờ tôi bao tiêu toàn bộ cho họ.
Rượu vang là loại sản phẩm từ trái cây lên men nên nếu dùng được thường xuyên rất tốt, là thức uống khai vị trong tất cả các bữa tiệc rất sang trọng. Xác định được đầu vào, vùng nguyên liệu nhập giống nho thì chúng tôi mới cải thiện được chất lượng vang của Việt Nam. Tới thời điểm này, sản phẩm vang của chúng tôi được thị trường đánh giá rất cao, phân phối từ Nam ra Bắc.
Tuy nhiên, do chất lượng vang thế giới rất tốt nên chúng ta không thể cạnh tranh xuất khẩu được vang đi Châu Âu mà chỉ có thể cạnh tranh ở thị trường Châu Á hoặc Đông Nam Á.
Để vươn mình đưa dòng sản phẩm Việt ra thế giới, theo bà các bạn trẻ muốn khởi nghiệp cần đầu tư gì?
CEO Nguyễn Thị Bích Huệ: Thực ra, để xâm nhập thị trường nước ngoài, có nhiều yếu tố. Để xuất khẩu được hàng hoá thì các bạn trẻ cái đầu tiên nhất là phải chọn được đường đi cho mình, sản phẩm của mình là gì?
Ví dụ, như tôi ở Đà Lạt, cái nôi của những sản phẩm trà, thảo dược, mứt, trái cây,... tôi sẽ có lựa chọn sản phẩm có khả năng xuất khẩu được và chú trọng thế mạnh của mình.
Thứ hai là cần xác định rõ người lãnh đạo cần có tầm nhìn, bản lĩnh doanh nhân và khát vọng để làm điều gì đó thực sự.
Ngoài ra, mình cần có mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để quyết tâm thực hiện được. Muốn làm được những điều đó thì cần phải có kiến thức, mà kiến thức thì cần phải tự trau dồi, nhìn nhận, quan sát và học hỏi kinh nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Bích Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến (thứ 3 từ phải sang) nhận Huân chương Lao động hạng ba cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng
Có một câu hỏi luôn gắn với các doanh nhân như bà, đó là "người dân vùng nguyên liệu được hưởng những lợi ích gì từ những thành công của doanh nghiệp?"...
CEO Nguyễn Thị Bích Huệ: Đơn cử như sản phẩm trà Atiso của chúng tôi đã xuất đi rất nhiều thị trường trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Châu Á và với sản lượng rất lớn. Điều đầu tiên đó chính là tạo đầu ra cho bà con nông dân. Hàng năm, Vĩnh Tiến tiêu thụ hàng trăm tấn Atiso khô và hàng ngàn tấn lá tươi. Khi số lượng ngày càng lớn, tôi cũng phải nghiên cứu để cho ra các sản phẩm mới, gia tăng giá trị cho nguyên liệu.
Tôi đã áp dụng khoa học công nghệ để làm dịch chiết Atiso, ép lá khô Atiso để làm sản phẩm cao cấp, gia tăng giá trị cho người tiêu dùng và cho chuỗi, trong đó có bà con nông dân. Bà con nông dân đầu tiên được thụ hưởng là tiêu thụ được sản lượng lớn. Đồng thời, do giống tốt nên hiện nay giống cây Atiso không bị chết, gãy, phát triển tốt, cho sản lượng cao, bông nhiều, thân rễ to. Điều đó càng giúp gia tăng thu nhập cho bà con.
"Đối với con người, hệ tư tưởng quyết định tất cả. Với tôi, khát vọng là làm ra những sản phẩm có lợi cho con người, làm giàu cho quê hương đất nước, làm đẹp cho đời".
Bà Nguyễn Thị Bích Huệ - CEO Công ty TNHH Vĩnh Tiến
Cuối cùng, đầu tư kỹ thuật Vietgap, áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản phẩm theo quy trình chuẩn từ làm đất, tưới nước, bón phân,... Điều này càng giúp cho việc ra cây Atiso hiệu quả cao, không sâu bệnh, chất lượng cao...
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sắp được Ban Kinh tế TW tổng kết. Vậy bà có ý kiến đóng góp như thế nào về Nghị quyết 09 này?
CEO Nguyễn Thị Bích Huệ: Với vai trò của là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, 4 lần vinh dự được nhận cúp Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, tôi hiểu Chính phủ đã đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ đội ngũ doanh nhân và coi đây là nòng cốt phát triển của đất nước.
Tất cả doanh nhân Việt Nam đều mong muốn Đảng, Chính phủ, cũng như Nhà nước có sự quan tâm đến đội ngũ này. Vì đội ngũ này là nòng cốt tạo ra những sản phẩm rất tốt cho xã hội, thu hút được rất nhiều lao động, tạo việc làm, tạo đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, họ còn làm được nhiều điều ý nghĩa khác như đóng góp ngân sách, phát triển kinh tế địa phương, thực hiện các công tác xã hội, từ thiện.
Vì vậy, người làm chính trị hiểu và đánh giá rất cao đội ngũ này, từ những doanh nghiệp nhỏ đến doanh nghiệp lớn, đều chung tay góp phần vào phát triển đất nước. Chính vì thế 13/10/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải mới thành lập ngày doanh nhân Việt Nam ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, đội ngũ doanh nhân mong muốn, các chính sách tầm vĩ mô như chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ sẽ có môi trường ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển.
CEO Nguyễn Thị Bích Huệ chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III - Nhiệm kỳ 2022 - 2027 của Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD
Thứ ba, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì bản thân tất cả những cơ quan công quyền cần liêm chính, minh bạch. Sân chơi giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân phải công bằng. Và không thể chỉ trải thảm cho doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài mà quên đi một lực lượng rất quan trọng, đó là các doanh nghiệp tư nhân. Tất cả các loại hình doanh nghiệp, muốn phát triển tốt và bền vững đều cần vốn, cơ chế, chính sách và một sân chơi công bằng.
Thời gian vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước được nhận các ưu đãi nhưng hiệu quả kinh doanh lại chưa tương xứng. Doanh nghiệp tư nhân có tài sản cũng chỉ vay được tối đa 70%, nhưng nhiều doanh nghiệp khác được vay gấp nhiều lần vốn điều lệ. Điều đó tôi thấy không công bằng.
Thứ tư, tất cả các doanh nghiệp đều muốn các thủ tục hành chính càng ngày càng được cải cách và số hoá, hiện đại.
Minh chứng là có những những chủ trương đã được đưa ra trong Hội đồng Nhân dân họp bàn, ban hành Nghị quyết, nhưng khi chỉ đạo xuống thì cấp dưới không biết triển khai như thế nào vì chưa có văn bản dưới luật hay hướng dẫn cụ thể. Điều đó khiến chủ trương, đường lối có nhưng lại loay hoay khi triển khai thực hiện, người này nhìn người kia.
Bởi thế, tôi mong các cơ quan công quyền sẽ thấu hiểu được những khó khăn, nhọc nhằn, vất vả của doanh nghiệp để cùng hỗ trợ và chia sẻ với đội ngũ doanh nghiệp chúng tôi.
Xin cảm ơn bà!
Thực hiện: Thiên Ân
Kỹ thuật: AICMS