Doanh nhân Việt đang tư duy gì trong hội nhập?

Tư duy cho một thị trường 90 triệu dân, hay có chiến lược cho một thị trường toàn cầu với hàng tỷ khách hàng? Dù bước ra biển lớn hay “bơi” trong ao làng, thì điều quan trọng nhất với Doanh nhân vẫn là chữ “Tài” và “Tâm”.
Doanh nhân Việt đang tư duy gì trong hội nhập?

Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng chưa từng có, khi tham gia các hiệp định thương mại với nhiều nước, nền kinh tế có quy mô lớn trên toàn cầu. Điều này cũng mở ra nhiều cơ hội cho các DN, doanh nhân Việt Nam vươn ra thế giới, tiếp cận thị trường hàng tỷ khách hàng có thu nhập cao.

Từ những trăn trở về chính sách…

Thế nhưng, thách thức khi vươn ra biển lớn đặt ra cho các DN cũng không phải là ít. Khi mà phần lớn các DN Việt Nam đều là những DN nhỏ và vừa (SME), đi lên từ cuộc chiến giành độc lập của dân tộc, chưa có nhiều kinh nghiệm thương trường.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC), trải qua 30 năm nền kinh tế chuyển đổi, mặc dù tư duy cho và nhận của thời bao cấp đã qua đi, song vẫn còn ảnh hưởng đến ngày hôm nay.

“Ta có 5 thành phần kinh tế, mười mấy năm sau mới có Luật Công ty và sự đóng góp của nền kinh tế tư nhân. Do đó, với tư duy nhận và cho cũ còn để lại, DN Việt Nam đi ra ngoài, cái nào có Nhà nước thì còn hạn chế. Nhiều DN vẫn đang có một cái nhìn ỷ lại”, ông Trai nói.

Mặc dù đóng góp hơn 40% GDP, 60% lao động, song cộng đồng DN Việt Nam có tới 98% là DN nhỏ và vừa, nên ông Trai cho biết có những DN “lo” còn không nổi trong phạm vi của DN, chứ chưa nói đến cạnh tranh ra biển lớn.

DN có thức tỉnh được vấn đề hội nhập, áp lực cạnh tranh hay không đã được bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) - giải đáp bằng một câu chuyện đáng nhớ khi tham dự hội thảo tại Đồng bằng sông Cửu Long – vốn là vùng trọng điểm của kinh tế.

“Qua khảo sát và tìm hiểu, điều đáng buồn là DN nói mới chỉ biết đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN gần đây thôi. Rõ ràng trong việc tuyên truyền ý thức cho DN, nhất là DNNVV hiểu được vai trò của mình, nguy cơ trong cộng đồng lớn còn bỏ ngỏ. Hiệp hội nhiều nhưng cũng chưa làm đúng vai trò của mình, chưa chuyên nghiệp”, bà Dung chia sẻ.

Trong khi đó, những chính sách hiện nay vẫn chưa “tới” được với DN, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân theo quan điểm của ông Trai. Đại diện DN này cho rằng chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung nhiều hơn cho kinh tế tư nhân.

Hiện kinh tế tư nhân đang đóng góp 30% vốn tín dụng, đóng góp hơn 40% GDP, song những chính sách cải cách và cấu trúc hiện nay, lại tập trung vào các hoạt động công, cho DNNN, hoặc dành những ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài tốt hơn.

… Đến câu hỏi: “Doanh nhân - Tôi là ai?

“ Chính sách nào cụ thể cho tư nhân, ta có mạnh dạn đưa ra? Chính sách nào giúp cho tư nhân dẫn đầu? Tôi không thấy có chính sách rõ ràng cho tư nhân, cho các SME. Ta nói rằng sẽ cải cách, giúp cho người dân và DN vượt qua khó khăn, thì cần có chính sách cụ thể hơn”, ông Trai nói.

Tuy nhiên, trước khi các chính sách hỗ trợ đến được với DN, việc chuẩn bị cho mình một tâm thế trong hội nhập là cần thiết. Vấn đề đặt ra, DN sẽ phòng thủ hay tấn công? Sẽ chủ động trong cuộc chơi hay giữ sức để có thêm năng lực cạnh tranh nhiều hơn?

DN đang sống trong bối cảnh mới với cơ hội và sức ép cạnh tranh nhiều hơn, nên ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I - cho rằng việc phòng thủ hay tấn công tùy thuộc vào nội lực của từng DN, từng ngành nghề và cá tính của từng lãnh đạo DN.

“Chúng ta muốn phòng thủ nhưng không có đủ lực thì cũng không thể phòng thủ được. Còn ta muốn tấn công nhưng nếu không có con người thì không thể tấn công được. Rất khó để có giải pháp chung cho bài toán này, nhưng rõ ràng ta đang sống trong thời đại có nhiều thách thức. Nên nếu vẫn giữ tư duy ta có thể làm dễ dàng như đã từng làm, thì sẽ rất khó để tồn tại”, ông Tín nói.

Vị lãnh đạo của U&I đồng thời là đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cũng nhấn mạnh thêm: “Từng CEO nếu không xác định ta có gì trong tay, mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào, đối tượng của ta là ai và ta muốn làm gì trong tương lai, thì tấn công hay phòng thủ cũng vậy? Mỗi người nên tự hỏi mình rằng ta có biết chính chúng ta là ai hay không? Khi ta xác định ta là ai thì ta mới có thể trả lời ta có thể làm gì”.

… và một sự nhập cuộc!

Những nền tảng chính sách là điều kiện cần, là môi trường để DN hoạt động và phát triển. Bởi khi có một nền tảng chính sách tốt, cạnh tranh, bình đẳng và minh bạch, tạo thuận lợi để DN hội đủ những yếu tố thuận lợi, năng lực cạnh tranh, nguồn lực, thì dù ở sân nhà hay vươn ra biển lớn, DN cũng sẽ đủ sức vươn ra thị trường.

Theo ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) – ngành ngân hàng Việt Nam đang có những chuyển mình mạnh mẽ và việc mở cửa thị trường là cơ hội cho các DN ngân hàng. Bởi vậy, việc lựa chọn một chiến lược phòng thủ - tấn công phù hợp với từng thị trường, từng phân khúc khách hàng hay sản phẩm là rất quan trọng.

“Ta cần phải biết được sức mạnh của chính DN mình. Ta xác định đối phương, những đối thủ cạnh tranh của ta là những ai, thì ta sẽ có chiến lược phòng thủ ở những điểm nào, và tấn công ở những điểm nào để vươn lên trên thị trường”, ông Huy nói.

Còn theo ông Hans-Paul Burkner - Chủ tịch Boston Consulting Group (BCS), tư duy với một thị trường sân nhà, hay vươn ra biển lớn đều phụ thuộc vào năng lực của mỗi DN và cách nhìn của nhà lãnh đạo. Song điều quan trọng nhất theo ông Hans, chính là DN và người lãnh đạo sẽ nhìn thấy đâu là điều ý nghĩa nhất với chính mình để làm việc thông minh hơn và phát huy lợi thế.

“Để đón đầu cơ hội từ hội nhập, một số công ty Thái Lan đã định vị mạnh mẽ ở Việt Nam. Nhưng làm thế nào để Việt Nam có công ty tập đoàn mạnh, làm thế nào tìm ra được thị trường phù hợp chính mình và định vì mình tốt nhất ở thị trường đó”, ông Hans đặt câu hỏi.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thì cho rằng, DN hãy tư duy đến một sân chơi lớn, một thị trường lớn hơn với những thách thức lớn hơn để nhập cuộc tốt nhất với sự năng động của chính mình.



Theo Trí thức Trẻ

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/