Bởi vậy, Việt Nam hiện đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng đề án cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX) hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại.
Tại Hội thảo "Tự chứng nhận xuất xứ" do Bộ Công thương phối hợp cùng Nhóm đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA tổ chức sáng ngày 17/6, đại diện tổng cục Hải quan Na Uy và Thụy Điển đã có những chia sẻ về kinh nghiệm tự cấp chứng nhận xuất xứ cho các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp Việt Nam.
Trước đây không lâu, ASEAN đã triển khai hai dự án thí điểm TCNXX: Dự án 1 gồm bốn nước: Brunei Malaysia, Singapore, Thái Lan; Dự án 2 gồm ba nước: Indonesia, Lào, Philipines. Dự kiến, đến năm 2015 sẽ áp dụng cơ chế TCNXX trong cả ASEAN.
Theo ông Arthur Muller, Tổng cục Hải quan Thụy Sỹ thì hệ thống tự chứng nhận xuất xứ đã được đưa vào áp dụng giữa EFTA với Singapore, Canada, Hàn Quốc và Hồng Kông, giữa EU và Hàn Quốc. Ngoài ra, cách thức tiếp cận của EFTA trong các đàm phán FTA cũng là áp dụng Hệ thống TCNXX.
Ông Arthur Muller, Tổng cục Hải quan Thụy Sỹ.
Thay vì mất nhiều thời gian vào việc làm các thủ tục hải quan tại cửa khẩu như hệ thống cấp chứng nhận xuất xứ truyền thống, cơ chế TCNXX của các nhà xuất khẩu sẽ giúp cho việc làm thủ tục tại cửa khẩu giảm xuống tối thiểu.
Hệ thống TCNXX là nhà xuất khẩu phát hành bằng chứng về xuất xứ hàng hóa của mình, tiến hành khai xuất xứ hàng hóa trong chứng từ thương mại. Không có sự tham gia của cơ quan quản lý trong việc phát hành bằng chứng, không phải xuất trình khi xuất khẩu mà chỉ xuất trình cho cơ quan hải quan nơi nhận hàng hóa.
Để trở thành nhà xuất khẩu được cấp phép tự chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp cần có đơn bằng văn bản gửi lên cơ quan cấp phép Hải quan (CCO), kèm theo bản khai thông tin yêu cầu, CCO sẽ kiểm tra dựa trên các thông tin trong bản khai, tiếp đó cân nhắc những rủi ro có thể xảy ra, thẩm tra tận nơi doanh nghiệp và cuối cùng quyết định cấp phép hoặc không cấp phép TCNXX cho nhà xuất khẩu.
Theo chia sẻ của Thụy Sỹ, bản khai thông tin gồm 10 yêu cầu cơ bản: đó là thông tin về loại hình công ty, những người chịu trách nhiệm, trình độ của những người này, các quy trình chuyên biệt (ví dụ như việc lưu thông trong quá trình chế biến), nhà cung cấp nguyên liệu cho công ty, giá trị gia tăng của sản phẩm này tại Thụy Sỹ, các quy trình đã được thực hiện trên đất nước này, cách thức để xác định nguồn gốc xuất xứ, số lượng hàng xuất khẩu, xuất khẩu đi nước nào và cách thức để duy trì nhận biết nguồn gốc xuất xứ.
Bản khai thông tin này sẽ được CCO xác minh lại và phải làm lại ít nhất 4 năm một lần để đảm bảo độ chính xác về thông tin trong trường hợp có thay đổi từ phía doanh nghiệp.
Hiện tại, Thụy Sỹ đang có 2.400 nhà xuất khẩu được cấp phép TCNXX. Còn đối với đất nước Iceland, hệ thống TCNXX đã được đưa vào hoạt động từ tháng 2/2007. Khoảng 70% đơn xin cấp phép tại nước này được cấp số mới ngay khi đăng ký.
Còn Na Uy, theo ông Svein Gronlie, Tổng cục Hải quan Na Uy, hiện đất nước này có khoảng 1.315 -1.320 nhà xuất khẩu được cấp phép TCNXX. Giấy phép chỉ có thời hạn 2 năm đối với nhà xuất khẩu xin cấp giấy phép lần đầu. Và sau 2 năm, nếu tuân thủ tốt, giấy phép sẽ được cấp với thời hạn 5 năm.
Trên cơ sở những lợi ích thiết thực cơ bản mà hệ thống này mang lại, từ việc có lịch sử tồn tại lâu dài tới hơn 40 năm và với việc áp dụng hệ thống này đã giúp cho hoạt động thương mại tăng đáng kể trong thời gian vừa qua, không chỉ vậy, chi phí thuế quan giảm và số lượng nhân viên hải quan cũng giảm đi, Việt Nam đang dần xây dựng các điều kiện và cơ chế để nhanh chóng đưa hệ thông TCNXX vào hoạt động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hưởng những ưu đãi về thương mại.
Nguồn: BizLive