Nếu như trước đây tại các siêu thị và chợ truyền thống, đồ lót bày bán chủ yếu là đồ ngoại nhập thì nay đã xuất hiện khá nhiều hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh.
Tại hệ thống siêu thị Big C, bên cạnh đồ lót do doanh nghiệp sản xuất khá đa dạng, siêu thị này còn có hẳn nhãn hàng riêng với giá bán rất cạnh tranh. Quần lót nam tại đây có giá 50.000-300.000 đồng, còn áo ngực nữ chỉ 125.000-300.000 đồng, bằng một nửa so với các thương hiệu của nước ngoài được bán tại đây.
Nhân viên siêu thị Big C quận 10 cho biết, trước đây sản phẩm áo ngực tại siêu thị rất khó bán vì đa phần là hàng ngoại giá luôn trên 300.000 đồng một chiếc, có cái lên tới cả triệu đồng. Tuy nhiên, gần đây nhờ sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam mẫu mã bắt mắt, cộng với nhãn hàng riêng của siêu thị phù hợp tầng lớn bình dân nên khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, doanh số bán cũng tăng tốt.
Thị trường đồ lót Việt Nam được ước tính có giá trị thị trường khoảng 36.000 tỷ đồng - DNSG |
Tại Co.op mart Đinh Tiên Hoàng, trước kia chỉ có một kệ trưng bày sản phẩm đồ lót thì nay có tới 2-3 kệ, trong đó sản phẩm Việt Nam chiếm khoảng 30%.
Tại các chợ TP HCM một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ cũng đang tăng tốc xâm nhập.
Chị Hoa, tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) cho biết, cách đây 4 năm, hàng tại sạp của chị đa phần là hàng Trung Quốc, rất hiếm hàng Việt. Nhưng 2 năm gần đây khá nhiều doanh nghiệp trong nước tìm đến chào hàng và giá cả cũng phải chăng, chỉ 25.000-40.000 đồng một sản phẩm nên chị cũng nhận bán thử.
“Ban đầu khách hàng chỉ mua về dùng thử và khá hài lòng nên sau đó số lượng mua tăng lên nhiều. Bây giờ tại sạp của tôi có đến 20% là sản phẩm Việt, số còn lại là hàng ngoại, trong đó hàng Trung Quốc vẫn chiếm đa số”, chị Hoa nói.
Cùng với sự xuất hiện của nhiều nhãn hàng đồ lót Việt Nam có quy mô nhỏ hoặc trung bình, nhiều đơn vị may mặc lớn cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Công ty May Thêu Giày An Phước có thế mạnh chuyên về thời trang công sở. Cách đây 2 năm đơn vị này đã mua lại một nhà máy sản xuất đồ nội y của SPATZ (Pháp) tại Nha Trang để phát triển thị trường nội địa. Tổng giám đốc Nguyễn Thị Điền cho biết, nhà máy mà bà mua lại chuyên sản xuất đồ lót thời trang cao cấp nhãn hiệu Anama và Bonjour. “Chúng tôi cũng suy nghĩ rất nhiều khi mua lại nhà máy này. Dẫu biết trước đó họ kinh doanh thua lỗ nhưng đây là cơ hội để công ty có chỗ đứng ở thị trường nội địa”, bà Điền nói.
Với lợi thế có sẵn lượng công nhân tay nghề cao và năng lực sản xuất tốt, An Phước đã nhanh chóng đẩy mạnh xây dựng hệ thống phân phối cho hai thương hiệu mới này. Cùng với 83 cửa hàng An Phước - Pierre Cardin và 9 cửa hàng Bonjour sẵn có, Công ty đã mở thêm được gần chục cửa hàng tại các thành phố lớn Việt Nam.
Đặt chân vào thị trường nội địa từ rất sớm ở phân khúc đồ lót nam, ông Hà Xuân Anh, Tổng giám đốc Công ty may Sơn Việt, đơn vị sở hữu sản phẩm Relax cho hay, sản phẩm đồ lót thương hiệu Việt trong khoảng 4-5 năm gần đây đã có sự khởi sắc, tuy nhiên đa phần ở phân khúc cấp trung. Còn phân phúc giá rẻ, hàng Trung Quốc vẫn đang chiếm lĩnh.
Riêng đối với đồ lót nam, hiện có khoảng 3-4 nhãn hiệu Việt đang được người tiêu dùng ưa chuộng. “Sản phẩm của công ty chúng tôi đã chiếm 30% thị phần nội địa, đồng thời, xuất đi cả thị trường Thái Lan, Myanmar, Singapore…”, ông Anh nói và cho biết thêm, mỗi tháng Sơn Việt cung ứng ra thị trường 400.000 sản phẩm.
Năm nay, công ty nhận thấy thị trường trong và ngoài nước khá thuận lợi nên đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu khoảng 50% so với năm ngoái. Ngoài ra, Sơn Việt còn đẩy mạnh thiết kế và sản xuất sản phẩm đồ lót trẻ em, bà bầu… để góp phần làm phong phú thị trường.
Theo tính toán của lãnh đạo một công ty đồ lót TP HCM, hiện nay quy mô thị trường nội y tại Việt Nam khá tiềm năng, với dân số 90 triệu dân, trong đó, khoảng 60 triệu người sử dụng đồ lót. Nếu trung bình một người sử dụng 6 bộ một năm với giá mỗi sản phẩm là 100.000 đồng thì tổng doanh thu thị trường lên tới 36.000 tỷ đồng. Hiện nay, 60% là phân khúc thấp, 35% cấp trung và 15% còn là cao cấp. Điều đáng nói ở đây là hiện doanh nghiệp Việt mới chỉ chiếm lĩnh được phân khúc cấp trung. Còn cao cấp và cấp thấp lại thuộc về doanh nghiệp ngoại, và sản phẩm trôi nổi từ Trung Quốc, Thái Lan…
Nhận định thị trường còn nhiều tiềm năng, tuy nhiên, ông Hà Xuân Anh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn khi ngành đồ lót vẫn khá manh mún, doanh nghiệp không được quảng cáo sản phẩm rộng rãi, dẫn đến việc phát triển và thu hút đội ngũ thiết kế còn rất thấp. Bên cạnh đó, nguyên liệu sản xuất trong nước hạn chế, đa phần doanh nghiệp phải nhập từ nước ngoài, nên chi phí sản xuất cao.
Ngoài ra, ông Anh còn cho hay, sắp tới, khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì việc cạnh tranh sẽ vô cùng khắc nghiệt. Các sản phẩm của Nhật Bản, Thái Lan sẽ rộng đường hơn khi vào Việt Nam. Theo đó, với thuế xuất nhập khẩu giảm, giá cả sản phẩm sẽ rẻ hơn, đây sẽ là thách thức với doanh nghiệp Việt. Vì vậy, theo ông, ngoài việc lên kế hoạch phát triển thị trường, chọn hướng đi đúng đắn thì doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, từ nguồn vốn cho tới chính sách đầu tư.
Theo VNexpress