Ở năm đầu CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu sang 6 nước CPTPP tăng 8,1%, đạt
34,3 tỷ USD. Con số này vẫn tiếp tục duy trì trong năm 2020 dù Covid-19 diễn
biến phức tạp và tác động không ít tới các thị trường xuất khẩu thuộc CPTPP.
Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường trong
khối ghi nhận tăng trưởng 26-36% tuỳ mặt hàng.
Trong bối cảnh thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, việc
Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng vào thị trường các nước thuộc khối CPTPP cho
thấy hiệp định này ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày (Lefaso),
ngành xuất khẩu tới 90%, CPTPP đã mở ra cơ hội thị trường mới, thu hút đầu tư,
cũng như phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày Việt. Số liệu của
Lefaso cho thấy, tỷ trọng xuất khẩu da giày sang các nước khối CPTPP tăng 13%
so với trước đây. Canada và Mexico là hai thị trường mới ngành này tiếp cận
được sau khi CPTPP có hiệu lực. "Thay vì phải xuất khẩu gián tiếp qua nước
thứ ba, giờ các sản phẩm da giày Việt đã xuất khẩu trực tiếp sang thị trường
Canada, Mexico nhờ những ưu đãi thuế quan từ CPTPP đem lại", bà Xuân thông
tin.
Công nhân làm việc trong một công ty may mặc ở KCN Tân Đô, Long An. Ảnh: Quỳnh Trần
Tương tự, thuỷ sản cũng là mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tăng đáng kể
sau hai năm CPTPP có hiệu lực. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu
Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), riêng tháng 1/2021 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
đạt hơn 606 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thuỷ sản
xuất sang các nước trong khối hiệp định CPTPP tăng 34%.
Song so sánh mặt bằng chung, bà Nguyễn Cẩm Trang - Cục phó Cục Xuất nhập
khẩu (Bộ Công Thương) nói, lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn. Tăng trưởng kim
ngạch xuất khẩu đi các thị trường CPTPP (7,2%) thấp hơn so với mức 8,4% tăng
trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới trong cùng thời kỳ.
Ngay việc tận dụng các ưu đãi thuế quan trong CPTPP, không phải doanh
nghiệp Việt nào cũng nắm bắt được. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tính chung
các thị trường trong khối CPTPP chỉ là 1,67%.
Lý do lớn nhất khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được các ưu đãi
thuế quan từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này là không biết về những
ưu đãi thuế quan theo CPTPP, bên cạnh một số nguyên nhân khác như đã hưởng ưu
đãi thuế theo FTA có lợi hơn, hay các vấn đề về giấy tờ vận chuyển, thủ tục
thông quan...
"Doanh nghiệp nghe nói nhiều, nhưng phần lớn lại chỉ biết sơ qua về
CPTPP. Cứ 4 doanh nghiệp tham gia khảo sát của VCCI về CPTPP, có một đơn vị cho
biết họ hiểu, nắm được lợi ích mà hiệp định này đem lại", bà Nguyễn Thị
Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Phòng Thương mại &
Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nêu.
Điều đáng tiếc hơn cả, theo bà Trang, nhóm doanh nghiệp biết rõ, kỹ về
hiệp định thương mại này lại là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
(FDI), chứ không phải doanh nghiệp trong nước.
Về điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó chủ tịch VCCI
cũng tỏ ý tiếc khi doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng những lợi thế sau đường
biên giới mà CPTPP đem lại để tăng được năng lực, nội lực sản xuất. Sự thay đổi
của hệ thống thể chế kinh tế đáp ứng yêu cầu CPTPP còn chậm, sức cạnh tranh của
doanh nghiệp còn hạn chế...
Hiệp định Đối tác
Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại
tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên Australia, Brunei, Canada,
Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Các nước CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn
10.000 tỷ USD.
Hiệp định này được ký ngày 8/3/2018 tại Chile, chính
thức có hiệu lực từ 30/12/2018 với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê
chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và
Australia. Với Việt Nam, hiệp định có hiệu lực từ 14/1/2019.
Theo VnExpress