Các doanh nghiêp Nhật tại hội nghị - Ảnh: N.Binh.
Sáu câu hỏi liên quan đến hoàn thuế, phí cấp thị thực, tình trạng ô nhiễm không khí của thành phố, tệ nạn xã hội ở các công viên, đề nghị lắp đèn giao thông cho người đi bộ khu vực đông người nước ngoài sinh sống… đã được đại diện các sở, ban ngành TP.HCM lắng nghe và giải quyết tại hội nghị.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại & đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết trước hội nghị này, ITPC cũng đã tổ chức ba phiên họp giữa sở ngành TP với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBAH) để lắng nghe, trao đổi, giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản.
Từ 172 câu hỏi, qua sàng lọc, đến tháng 8/2015, ITPC đã nhận xử lý 54 câu hỏi, trong đó có 29 câu hỏi mới trong năm 2015 và 25 câu phản hồi kết quả năm 2014. Gần 90% các vướng mắc của các doanh nghiệp Nhật đã được giải quyết.
Các câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực thuế và hải quan, pháp luật và lao động, lĩnh vực thứ ba là môi trường và đời sống.
Theo đại diện Ban môi trường thuộc JBAH, trong 25 câu hỏi năm ngoái thì có đến 17 nội dung đã được giải quyết hoặc cải tiến đáng kể, 7 nội dung cải tiến nhưng vẫn còn tồn tại, chỉ có một nội dung chưa cải tiến.
Tuy nhiên, đại diện JBAH cũng cho rằng việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ là nỗ lực đến từ VN, các doanh nghiệp Nhật cũng cần cập nhật những quy định mới, hiểu rõ pháp luật VN, tránh hiểu nhầm rồi tự làm khó. Để làm được điều này, JBAH rất cần sự hợp tác từ sở, ban ngành TP trong việc cập nhật các văn bản pháp luật mới.
Ông Tsutomu Sakagami, chủ tịch JBAH tại TP.HCM, cho biết số dự án đầu tư từ Nhật Bản vào VN đã tăng nhanh chóng từ 124 dự án năm 2009 đến năm 2014 đã có 312 dự án.
Điều thú vị là các dự án ở phía Nam liên tục tăng cao hơn miền Bắc, hiện nay tại khu vực phía Nam có gần 800 doanh nghiệp thành viên. Những điều này là nhờ TP.HCM luôn cố gắng lắng nghe và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nhiều vướng mắc được chính quyền tìm cách giải quyết nhanh chóng.
Theo Báo Tuổi Trẻ