Doanh nghiệp muốn được vay ODA: Không phải “thuốc tiên”

ODA là nguồn vốn lớn, có ưu đãi về lãi suất và thời gian vay nhưng doanh nghiệp phải biết rằng đó không phải là vốn cho không.
Doanh nghiệp muốn được vay ODA: Không phải “thuốc tiên”

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Đất Việt về đề xuất cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ vay vốn ODA.

Lợi thì có lợi...

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cách đây vài năm ông và một số chuyên gia đã đề xuất cho doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn ODA.

Lý giải cho đề xuất này, ông cho biết, vốn ODA là vốn của nước ngoài cho chính phủ Việt Nam vay với giá rẻ để đầu tư (toàn bộ hay phần lớn) cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, văn hóa... và các lĩnh vực công với ý nghĩa nó là công trình lớn, có tác động lâu dài với đất nước.

Trong vốn ODA có một bộ phận lớn được các nhà tài trợ và chính phủ các nước tiếp nhận đồng ý cho vay lại với lãi suất hợp lý và giá rẻ để phát triển các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khó khăn hoặc cần phải có đóng góp cho nền kinh tế xứng đáng.

Với lãi suất thấp, đặc biệt ODA do Nhật Bản tài trợ nhiều khi lãi suất bằng 0, chỉ có chi phí quản lý 0,7-0,75%/năm nên nó được coi như nguồn vốn giá rẻ, tương đối dài hạn đối với các doanh nghiệp để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ, sản xuất kinh doanh...

"Từ trước tới nay, Nhà nước chỉ lựa chọn một số ngành nghề, lĩnh vực hoặc dự án liên quan đến xóa đói giảm nghèo, trồng các loại cây công nghiệp ở miền núi phía Bắc, chăn nuôi gia súc, chuyển đổi giống, cây, con... và bỏ tiền ra.

Tuy nhiên, có nhiều chương trình, dự án không đạt hiệu quả như mong muốn và việc cho vay lại vốn ODA là một trong những vấn đề khiến người ta cẩn trọng, ngại ngùng. Gần đây, có nhiều chủ thể khác ngoài Ngân hàng Phát triển Việt Nam được cho vay lại vốn ODA, trong đó có cả Ngân hàng Đầu tư, Ngân hàng NN&PTNT... được Nhà nước ủy nhiệm để cho vay vốn ODA.

Nhưng trong lĩnh vực công nghiệp, ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này. Cho nên nếu Việt Nam xác định công nghiệp hỗ trợ là ngành yếu, cần tập trung lực lượng để phát triển, đáp ứng các yêu cầu khác thì cần có tác động để các doanh nghiệp được vay vốn ODA.

Theo cách phân loại của Chính phủ Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp có thể vay bằng đồng tiền chính phủ đi vay của nước ngoài hoặc vay bằng đồng tiền khác hoặc đồng Việt Nam nhưng có tính chuyển đổi về mặt lãi suất và các yếu tố khác.

Vay vốn ODA giá rẻ là nguyện vọng của rất nhiều doanh nghiệp nhưng cần nói rằng, doanh nghiệp vay bằng đồng tiền nào, lãi suất phải chịu ra sao và vấn đề trả nợ tương lai thế nào... là những vấn đề được cân nhắc, tính toán giữa người đi vay với các chủ thể cho vay lại và Nhà nước để đảm bảo đó thực sự là một ưu đãi của Nhà nước cho doanh nghiệp, đồng thời lãi suất tương đối thấp, thời gian tương đối dài, nhưng rủi ro về tỷ giá hối đoái và rủi ro khác thấp.

Ví dụ, nếu vay đồng yên Nhật mà không tính toán, đồng yên lên giá nhiều quá so với các đồng tiền khác trong khoảng thời gian vay vốn vài chục năm thì dù vay vốn với lãi suất bằng 0, phí quản lý 0,7-0,75%/năm thì lãi suất vẫn rất cao.

Do đó cần cẩn trọng chứ không thể cứ nghe các doanh nghiệp nói cần tiền mà tung tiền ra cho vay ồ ạt thì sau này khoản vay nợ đó Nhà nước sẽ phải đứng ra gánh chịu thay cho doanh nghiệp.

Thực tế nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp hoặc dự án vay lại không trả được nợ và Nhà nước phải chuyển đổi thành việc Nhà nước cấp phát vốn cho các dự án đó và phải tự mình đứng ra trả nợ thay cho các dự án đó làm cho gánh nặng nợ công lớn lên.

Đó cũng là nguyên do làm cho quản lý vốn vay ODA của Việt Nam dù được các nhà tài trợ đánh giá tương đối tốt trong thời gian qua nhưng vẫn có hạn chế ở chỗ Việt Nam không đạt được mục tiêu quản lý, quản lý vẫn bị thất thoát", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Cũng theo ông Thịnh, các doanh nghiệp rất mong muốn được vay vốn ODA vì thời gian tương đối dài, giá vay rất rẻ và họ hy vọng được vay những khoản vốn lớn như thế để phát triển. Nhưng doanh nghiệp lại quên mất một điều, đứng về phía nhà quản lý họ phải xem xét, tính toán để thu hồi được vốn vay. Có một số trường hợp hiện nay trong quy chế về quản lý vốn ODA vay lại đã đề ra, đó là:

Thứ nhất, đối với vốn ODA mà người cho vay lại không phải chịu trách nhiệm, tức là Nhà nước xác định đó là lĩnh vực bắt buộc phải đầu tư nên người cấp vốn chỉ là người đứng ra cấp thay cho Nhà nước. Ví dụ như Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các ngân hàng thương mại khác được ủy quyền đứng ra cấp phát vốn thay Nhà nước. Nhà nước coi đó là trách nhiệm mình phải chịu và phải tự quản lý, còn các cơ quan cấp vốn đó không có trách nhiệm gì về mặt giám sát.
Thứ hai, Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các ngân hàng thương mại được quyền cho vay lại phải chịu trách nhiệm về vốn. Trong trường hợp này, các ngân hàng này buộc phải tính toán đến việc xem các chủ thể vay vốn có trả được nợ không, thậm chí phải có những tài sản đảm bảo cho khoản vay và họ quản lý như các khoản vay thương mại.
Vì thế, các doanh nghiệp muốn vay vốn đừng hy vọng vay vốn ODA mà không cần bảo lãnh hay thế chấp... Trong trường hợp được Nhà nước đồng ý cho sử dụng vốn ODA thì doanh nghiệp vẫn phải hoàn trả vốn vay và chịu lãi suất nhất định, lãi suất đó cao hơn lãi suất đi vay ODA của nước ngoài và thấp hơn lãi suất vay thị trường nhưng nó phải có vật tư đảm bảo, tài sản thế chấp cũng như các bảo lãnh của chủ thể có liên quan.
Rủi ro
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra một thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn nghĩ vốn ODA là của cho không, có thể đàm phán giãn, hoãn nợ, giảm nợ, thậm chí xin xóa nợ được và đó là tư tưởng cực kỳ nguy hiểm. Nó khiến doanh nghiệp không toàn tâm toàn ý quản lý để nâng cao hiệu quả nguồn vốn từ đó làm cho vốn vay kém hiệu quả, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, thậm chí mất vốn.
Mặt khác, doanh nghiệp cho rằng sẽ có được khoản vay lãi suất thấp mà không phải thế chấp, bảo lãnh và điều này sẽ giảm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Nhưng họ quên mất rằng nếu được vay lại ODA thì vẫn phải có trách nhiệm thực thi các quy định vay lại ODA mà Nhà nước Việt Nam đang áp dụng.
Nó không như những dự án trước đây Nhà nước bỏ vốn ra đầu tư và coi đó là vốn của mình. Ngay việc đầu tư vào đường sá, cầu cống... hiện nay Nhà nước cũng dần cho từng dự án vay nợ để từ đó thu hồi lại. Tất cả dự án vay ODA đang dần chuyển hóa để có hiệu quả bằng cách phải hoàn được vốn. Nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng chi phí sẽ giảm thấp nhưng các điều kiện, thủ tục không hề dễ dàng.
Vốn ODA có thể tạm hoãn nhưng với việc cho doanh nghiệp vay lại ODA, người ta đã xem xét khả năng trả nợ của doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp phải thực thi theo sự giám sát, quản lý và phải đem lại hiệu quả.
"Doanh nghiệp đừng hy vọng vay ODA là được vay vốn giá rẻ, không ai giám sát, thích sử dụng thế nào thì sử dụng, đó là sai lầm nghiêm trọng! Cần lưu ý rằng việc được phép đưa vào danh mục sử dụng vốn ODA của Nhà nước không đơn giản, kể cả doanh nghiệp không được vay hay sắp được vay ODA vào phát triển sản xuất kinh doanh phải nhớ rằng rủi ro về tỷ giá hối đoái, rủi ro về vay nợ quốc  tế, về quản trị, sử dụng vốn rất lớn, nếu doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả thì nó chính là con dao hai lưỡi khiến doanh nghiệp trở nên trắng tay", ông Thịnh nhấn mạnh.
Quay trở lại đề xuất cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ vay vốn ODA, vị chuyên gia cũng khẳng định, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chậm phát triển so với yêu cầu của phát triển kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam không tham gia được vào quá trình sản xuất quốc tế.
Việc không phát triển được công nghiệp hỗ trợ có nhiều lý do, cả lý do vốn liếng, lý do công nghệ sản xuất, trình độ lao động, quản lý đào tạo và cả lý do vĩ mô - quy hoạch của Nhà nước để phát triển công nghiệp hỗ trợ và việc liên doanh liên kết giữa các ngành nghề kinh tế với nhau để nó trở thành một guồng máy sản xuất kinh danh trôi chảy và hỗ trợ nhau.
"Nếu doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ được vay vốn ODA, nó chỉ tạo ra cho công nghiệp hỗ trợ có được nguồn vốn đủ lớn để nhập máy móc thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu sản xuất và nhu cầu của nền sản xuất công nghệ cao. Nhưng nó chỉ là một phần trong một tổng thể rất lớn để phát triển công nghiệp hỗ trợ chứ không phải là thuốc tiên để giải quyết mọi bài toán của công nghiệp hỗ trợ"- PGS.TS Định Trọng Thịnh cho biết.



Theo Báo Đất Việt

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/