Lũy kế đến hết tháng 9/2015, Malaysia đã có 505 lượt dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới hơn 13,3 tỷ USD.
Xét về cơ cấu ngành, trong 10 tháng đầu năm 2015, các nhà đầu tư Malaysia đã đầu tư vào 6/21 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam.
Trong đó, một lượng vốn khá lớn của Malaysia tập trung vào lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí với 1 dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2, tổng số vốn đăng ký là 2,4 tỷ USD.
Dự án theo hình thức hợp đồng BOT tại tỉnh Trà Vinh (dự án chiếm 94% tổng vốn đầu tư đăng ký). Tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký 73 triệu USD (chiếm 3% tổng vốn đầu tư đăng ký). Còn lại là một số lĩnh vực khác.
Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư Malaysia có mặt tại 14/63 địa phương trong cả nước, đứng đầu là tỉnh Trà Vinh với 01 dự án 2,4 tỷ USD (dự án chiếm 94% tổng vốn đầu tư đăng ký). Tỉnh Quảng Ninh đứng thứ hai, có 5 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 54,5 triệu USD. Còn lại là một số địa phương khác.
Thống kê cũng cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2015, Việt Nam cũng đã có 2 dự án đầu tư sang Malaysia với tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là 270.000 USD.
Mặt khác, cũng theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, hiện nay, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Malaysia đã mở cửa trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư cho cả hai nước và dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai.
Cục Đầu tư nước ngoài khuyến cáo, để tiếp tục thúc đẩy hợp tác đầu tư hơn nữa giữa Việt Nam với Malaysia, cần tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp các nước cơ hội trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và đầu tư.
Đặc biệt, sự thành lập của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 sẽ là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp các nước trong khu vực nói chung, Việt Nam - Malaysia nói riêng đẩy mạnh giao thương, tăng cường hợp tác đầu tư.
Theo Nhịp sống kinh doanh