Nhiều mặt hàng Việt vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Khó thoát phụ thuộc?
Những con số thống kê trong nửa đầu năm 2014 tiếp tục cho thấy, hàng Trung Quốc tiếp tục chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Báo cáo mới nhất của Vụ Thị trường Châu Á Thái Bình Dương (Bộ Công thương) cho biết, ước tính trong 6 tháng đầu năm 2014, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam với khu vực thị trường tiếng Trung Quốc đạt xấp xỉ 30,06 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2013, chiếm tỷ trọng 25,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Trong đó, xuất khẩu hàng hoá sang khu vực này ước đạt 10,62 tỷ USD, tăng 16,03% cao hơn 1,13% so với mức tăng bình quân và chiếm tỷ trọng 14,9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cũng theo báo cáo này, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ khu vực thị trường tiếng Trung Quốc đạt hơn 25,43 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 11% tổng nhập khẩu của cả nước.
Theo ước tính, tổng kim ngạch nhập khẩu từ khu vực này trong 6 tháng đầu năm nay chiếm tỷ trọng 36,5% tổng nhập khẩu của Việt Nam.
Do xuất khẩu có xu hướng chậm lại nhưng nhập khẩu tiếp tục tăng cao nên cán cân thương mại với khu vực thị trường tiếng Trung vẫn tiếp tục nhập siêu khá lớn.
Theo đó, nhập siêu của Việt Nam từ khu vực nói trên đạt gần 14,8 tỷ USD, tuy mức độ nhập siêu có giảm chút ít nhưng kim ngạch nhập siêu so với các khu vực khác trên thế giới vẫn tương đối cao.
Đặc biệt, Việt Nam nhập siêu nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc tới 12,4 tỷ USD, nhập siêu từ Đài Loan ước đạt trên 4 tỷ USD. Chỉ riêng đối với Hồng Kông, Việt Nam tiếp tục xuất siêu với mức tăng 6 tháng đầu năm lên tới 33,9%.
Từ những con số thống kê cụ thể như trên, rõ ràng trong ngắn hạn, việc tiếp tục bị “phụ thuộc” vào thị trường Trung Quốc là điều Việt Nam khó tránh khỏi.
Nếu trong ngắn hạn, Việt Nam tìm cách “thoát Trung”, diễn biến thị trường hàng hóa trong nước sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
Ảnh hưởng liệu có nhỏ?
Chưa có con số chính thức nào về hệ quả ảnh hưởng đối với nền kinh tế nếu các thành phần tham gia quyết tâm “thoát Trung” trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, những con số thống kê về hoạt động kinh doanh của TP.HCM trong 6 tháng qua vừa được công bố tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP.HCM khóa VIII rất đáng chú ý.
Theo đó, báo cáo của Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Lê Văn Khoa cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP.HCM vào Trung Quốc đạt 1,04 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 0,45% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của thành phố và khoảng 14,4% của cả nước vào thị trường này.
Các mặt hàng xuất khẩu vào Trung Quốc chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; gạo; rau quả…
Kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố từ Trung Quốc đạt 3,04 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 24,4% trong cơ cấu kim ngạch nhập khẩu của TP.HCM và khoảng 14,8% của cả nước từ thị trường này.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là vải các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép…
Theo thống kê của Sở Công thương TP.HCM, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của doanh nghiệp thành phố, tiếp theo là Singapore (chiếm 10%), Đài Loan (7,2%), Nhật Bản (6,5%), Thái Lan (6,5%), Hàn Quốc (6,4%) và Malaysia (5,4%).
Liên quan đến vấn đề tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, ông Khoa nhìn nhận, nếu “thoát Trung” trong ngắn hạn không thể tránh khỏi việc hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và tình hình xuất nhập khẩu của TP.HCM bị ảnh hưởng.
Theo phân tích của vị lãnh đạo sở này, đối với các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà không phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào như gạo, rau quả, cao su, thủy hải sản…, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chiếm tỷ trọng khoảng 2,5% kim ngạch xuất khẩu chung của TP.HCM (tức khoảng 750 triệu USD).
Tính toán cho thấy, để chuyển đổi thị trường xuất khẩu trong giai đoạn đầu sẽ làm tăng chi phí nên xuất khẩu trong ngắn hạn sẽ sụt giảm khoảng 15 - 20%, tức khoảng 150 triệu USD.
Đối với các mặt hàng xuất khẩu mà nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc như dệt may, da giày… hiện đang chiếm tỷ trọng 36% trong kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Trong trường hợp doanh nghiệp chuyển nhập khẩu nguyên liệu từ một thị trường khác, chi phí nguyên liệu đầu vào sẽ tăng khoảng 10%.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong trường hợp này, kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm khoảng 10% của từng mặt hàng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ chỉ tác động trực tiếp lên 30% sản phẩm xuất khẩu của những mặt hàng có nguyên liệu phụ thuộc, do 70% sản phẩm còn lại của thành phố đã chủ động được nguồn nguyên liệu.
Do đó, theo ông Khoa, 6 tháng cuối năm 2014 sẽ làm giảm 0,52% kim ngạch xuất khẩu chung của thành phố, tức khoảng 160 triệu USD.
Tính toán sơ bộ của Sở Công thương TP.HCM, trong trường hợp xấu nhất thì kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM năm 2014 sẽ bị sụt giảm khoảng hơn 300 triệu USD theo như dự kiến.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ sụt giảm khoảng 1,3 điểm phần trăm, tức là tăng 8,7% so với năm 2013.
Cơ hội chuyển đổi cơ cấu xuất - nhập
Mặc dù chấp nhận việc sẽ khó khăn trong ngắn hạn, tuy nhiên khá nhiều ý kiến bình luận đều cho rằng, trong trung và dài hạn, đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp và TP.HCM tái cấu trúc lại thị trường xuất nhập khẩu, nâng cao nội lực, tăng cường khả năng cạnh tranh.
Ông Khoa nhìn nhận, đối với các mặt hàng có tỷ trọng cao ở thị trường Trung Quốc, giai đoạn này cũng là cơ hội để doanh nghiệp chuyển đổi thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh trường hợp “bỏ trứng vào một rổ”.
Thông tin từ Sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã và đang xây dựng các phương án chủ động đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Trong thời gian qua, hoạt động đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng để sản xuất, đa phần các doanh nghiệp đều nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ do quy mô vốn ít; nhưng máy móc thiết bị giá rẻ của Trung Quốc thường có công nghệ thấp hoặc lạc hậu.
Hệ quả là nhiều năm qua, sản phẩm sản xuất từ các máy móc thiết bị này thường không mang lại hiệu quả kinh tế cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp.
Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, đây cũng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp chuyển đổi đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, công nghệ cao; đặc biệt nếu có chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước thì quá trình chuyển đổi này sẽ diễn ra nhanh chóng.
Tuy nhiên, trước thực trạng hoạt động sản xuất phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc như hiện nay, các ý kiến đều cho rằng, đây chính là thời điểm doanh nghiệp và Nhà nước cần có sự phối hợp chặt chẽ nhất để đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đặc biệt, Nhà nước và doanh nghiệp cần có chiến lược đón đầu cơ hội về thuế suất ưu đãi theo Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khi Trung Quốc chưa tham gia Hiệp định quan trọng này.
Theo BizLive