Phát triển bền vững đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó DN đóng vai trò tích cực trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Quốc gia. Đối với Việt Nam, nhằm đóng góp vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, trong thời gian qua việc cần gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của DN đang được đặc biệt quan tâm và chú trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hiện tại, ở Việt Nam đã có một số DN Việt Nam ngày càng quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững. Họ không chỉ quan tâm đến mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của DN mà còn kết hợp với thực hiện các mục tiêu xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, mới chỉ có rất ít DN có tầm nhìn và đưa phát triển bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh của mình.
Tham gia buổi Toạ đàm có sự tham gia của các diễn giả:
– Ông Nguyễn Quang Vinh – Ủy viên Ban thường trực, Phó Tổng Thư ký, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Tổng Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam
– Ông Phạm Hoàng Hải – Trưởng Ban thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững
– Bà Trần Thùy Trang – Giám đốc nhân sự, Deloitte Việt Nam
– Ông Nguyễn Tất Hải – chuyên gia tài chính cấp cao Kangaroo
– Ông Hoàng Hà Phương – Tổng giám đốc CTCP Tasco
Từ trái qua: Ông Phạm Hoàng Hải – Trưởng Ban thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững; Ông Nguyễn Quang Vinh -Ủy viên Ban thường trực, Phó Tổng Thư ký, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Tổng Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam; Ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
– Ngày 8/11, VCCI đã tổ chức một chương trình tôn vinh các DN phát triển bền vững. Ở góc độ là Ủy viên Ban thường trực, Phó Tổng Thư ký, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Tổng Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam của VCCI, theo ông Nguyễn Quang Vinh, một doanh nghiệp phát triển bền vững phải đảm bảo được 3 phương diện chính: Tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp đóng góp vào tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; Đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội; Chung tay bảo vệ môi trường. Theo ông, các DN Việt Nam hiện nay đang giải quyết vấn đề phát triển bền vững như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Vinh – Ủy viên Ban thường trực, Phó Tổng Thư ký, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Tổng Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam: DN phát triển bền vững là một DN bền vững trên cả 3 bình diện: Kinh tế, xã hội và môi trường.
Một DN muốn phát triển bền vững trước tiên phải làm ăn có lãi, nếu làm ăn không có lãi thì không thể nói là phát triển bền vững được. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận phải gắn liền với xã hội, môi trường.
Ông Nguyễn Quang Vinh – Ủy viên Ban thường trực, Phó Tổng Thư ký, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Tổng Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam
Như vậy, một DN bền vững phải là một DN có lãi gắn liền với bảo vệ môi trường, ổn định xã hội, quan hệ lao động.
Trong bộ chỉ số phát triển bền vững mà Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững xây dựng, chúng tôi đã định lượng ra những vấn đề tưởng chừng không thể định lượng được, từ đó quyết định đâu là một DN bền vững, hoặc bền vững ở mức độ nào.
Để xây dựng được bộ chỉ số này, cần sự chung tay góp sức của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, môi trường. Các chuyên gia cũng đã nghiên cứu nhiều bộ chỉ số trên thế giới cũng như bộ chỉ số báo cáo toàn cầu để chọn ra bộ chỉ số đo lường phát triển bền vững của DN Việt Nam. Từ đó, phân biệt được DN nào đang bền vững, bền vững ở mức độ nào.
Các DNNVV, DNNN, DNTN có thể soi mình vào bộ chỉ số này để tự đánh giá mình đang bền vững ở mức độ nào, từ đó có thể đến các công ty tư vấn, hoặc đến Hội đồng DN phát triển bền vững của VCCI để được hỗ trợ.
Trong thời gian tới, đi cùng với sự đánh giá, xếp hạng, 100 DN bền vững được đánh giá hàng năm sẽ lan tỏa ra tới các đối tác, bạn hàng trong chuỗi giá trị để ngày càng có nhiều DN Việt Nam phát triển bền vững. Cùng với đó, chúng tôi cũng tổ chức hàng loạt các khóa huấn luyện tại các hiệp hội để các DN có thể nắm được 151 bộ chỉ số này, qua đó có thể tự xây dựng cho mình báo cáo bền vững giữa DN và các cổ đông bên trong và bên ngoài DN.
– Việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo rất nhiều cơ hội cho DN trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực, các nhà đầu tư. Thông qua các hoạt động phát triển bền vững, DN còn cải thiện được năng suất và giảm chi phí thông qua việc bố trí tận dụng các nguồn lực và bảo tồn tài nguyên, giúp nâng cao năng suất của nhân viên và giảm thiểu chi phí, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Chúc mừng Deloitte lọt top 10 DN dịch vụ bền vững nhất Việt Nam. Có thể nói, bộ chỉ số DN Bền vững – CSI mà Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam phổ biến tới DN là bộ chỉ số đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho mục tiêu đo lường và quản lý các thay đổi trong hoạt động của DN nhằm hướng tới phát triển bền vững. Bà Trang có thể cho biết việc áp dụng các tiêu chí này có phù hợp với bối cảnh, tiềm lực của các DN Việt Nam, nhất là DNNVV không? Deloitte ứng dụng bộ chỉ số CSI thế nào trong chiến lược phát triển?
Bà Trần Thuỳ Trang – Giám đốc nhân sự Deloitte Việt Nam
Bà Trần Thuỳ Trang – Giám đốc nhân sự Deloitte Việt Nam: Phát triển bền vững hiện đang là xu hướng và là mục tiêu của các DN trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh bộ tiêu chí phát triển bền vững (GRI), việc Việt Nam xây dựng bộ tiêu chí CSI phù hợp với bối cảnh chính trị, xã hội cũng như các thông lệ quốc tế là một sáng kiến kịp thời và tạo cơ sở thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo tôi, mỗi doanh nghiệp có lợi thế phát triển bền vững khác nhau phụ thuộc vào đặc thù hoạt động của từng doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên ngành như Deloitte Việt Nam, lợi thế phát triển bền vững chính là nguồn nhân lực.
Đặc điểm riêng của Deloitte Việt Nam là có đội ngũ nhân sự trẻ với độ tuổi trung bình 23-28 tuổi, có kĩ năng và trình độ chuyên môn cao. Với bộ chỉ số CSI, chúng tôi có được sự linh hoạt để soi xét kỹ lợi thế của mình (nguồn nhân lực) trong bức tranh rộng lớn trên thị trường; đồng thời, để xác định rõ những mục tiêu phát triển cũng như lập kế hoạch và theo đuổi kế hoạch phát triển bền vững của Deloitte Việt Nam.
– Còn ở góc độ DN trong lĩnh vực bất động sản, hạ tầng… quan điểm của ông về Chỉ số DN bền vững này, thưa ông Phương?
Ông Hoàng Hà Phương – Tổng giám đốc Tasco
Ông Hoàng Hà Phương – Tổng giám đốc Tasco: Chúng tôi rất tự hào là 1 trong 100 DN nghiệp được bình chọn DN phát triển bền vững năm 2016. Theo tôi, DN để tồn tại thì phải phát triển bền vững. Bộ chỉ số CSI này rất công phu và đánh giá, định lượng được những tiêu chí khó đánh giá, là thước đo để chúng tôi biết nên đi theo hướng nào để phát triển bền vững, qua đó cũng nắm được những tiêu chí cần cải thiện để phát triển tốt hơn nữa.
Về phía DN, chúng tôi rất mong muốn VCCI có những hướng dẫn cụ thể hơn nữa về bộ chỉ số này để doanh nghiệp có thể có phương pháp tiếp cận tốt hơn. Đồng thời cần truyền thông để bộ chỉ số này được nhiều doanh nghiệp biết đến hơn nữa.
– Thời gian qua, Kangaroo đã đạt được nhiều giải thưởng như Sao Vàng, Sao Đỏ, Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp… cùng với chiến lược phát triển bền vững. Vậy ông có thể chia sẻ các chiến lược, giải pháp để hướng tới phát triển bền vững?
Ông Nguyễn Tất Hải – chuyên gia tài chính cấp cao Kangaroo
Ông Nguyễn Tất Hải – chuyên gia tài chính cấp cao Kangaroo: Kangaroo lấy mục tiêu phát triển bền vững là phương thức để phát triển. Ở Kangaroo, lãnh đạo nói xây dựng DN cũng giống như xây ngôi nhà cần nền móng vững chắc. Và khi nói đến doanh nghiệp thì mọi người thường nói đến lợi nhuận nhưng với Kangaroo đây chỉ là bề nổi, giá trị mà Kangaroo hướng tới bền vững là mối quan hệ với các cổ đông, nhà cung cấp, khách hàng, các tổ chức chính trị xã hội và môi trường.
– Hiện nay, hoạt động khởi nghiệp đang được Chính phủ triển khai một cách quyết liệt. Vậy theo ông Vinh, khi khởi nghiệp các DN có nên đặt việc phát triển bền vững như một chiến lược ngay từ những bước ban đầu?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trên thế giới, phát triển bền vững là một chặng đường dài. Trên chặng đường đó, DN phải đặt ra và đạt được giá trị về tài chính, xã hội và môi trường.
Phát triển bền vững là những giá trị gắn liền với DN. Mục tiêu phát triển bền vững phải được đặt ra và thẩm thấu vào từng hoạt động kinh doanh của DN. Kể cả khi DN thành công rồi, họ lại tiếp tục sáng tạo, suy nghĩ, trăn trở để làm thế nào đưa tiếp phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh để tạo ra lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất, và tạo ra những lợi thế DN mà các đối thủ cạnh tranh chưa có. Quan trọng hơn, không chỉ tạo ra lợi thế khác biệt, lợi thế cạnh tranh mà còn duy trì được các lợi thế đó trong công cuộc phát triển DN của mình.
– Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam lần thứ III mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, cần có sự sáng tạo để phát triển bền vững. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn phát triển kinh tế bền vững, liên kết mạnh mẽ để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, lấy tri thức khoa học công nghệ là nền tảng. Bên cạnh đó, cần có xu hướng cởi mở trong phát triển. Vậy sáng tạo của các ông, bà là gì?
Ông Hoàng Hà Phương: Về phía Tasco, chúng tôi luôn hướng tới việc tạo ra không gian để con người đam mê sáng tạo. Là một DN kinh doanh về lĩnh vực bất động sản, chúng tôi không chỉ tạo ra những sản phẩm sáng tạo cung ứng cho khách hàng mà ngay trong nội hàm DN, chúng tôi cũng luôn tạo không gian để nhân viên luôn đam mê để sáng tạo.
DN chúng tôi có khẩu hiệu “khác biệt hay là chết”. Qua đó, chúng tôi luôn chú trọng phát triển sản phẩm, luôn tìm cái mới cải tiến sản phẩm, dịch vụ, quy trình công nghệ đáp ứng mong muốn khách hàng thông qua khảo sát khách hàng.
Ở Tasco, chúng tôi luôn khuyến khích và có nhiều cơ chế thưởng xứng đáng để kích thích mọi người phát huy sự sáng tạo và có thành tích tốt. Ví dụ, trong sản phẩm bất động sản trong các thiết kế chúng tôi luôn chú trọng đến công năng và tham khảo ý kiến khách hàng để điều chỉnh từ khi bắt đầu đến khi hoàn thiện.
– Vậy yếu tố đổi mới, sáng tạo của Kangaroo được chú trọng như thế nào?
Ông Nguyễn Tất Hải – Chuyên gia tài chính cấp cao Kangaroo
Ông Nguyễn Tất Hải: Ở Kangaroo, sáng tạo không phải là cái gì diễn ra hàng ngày, nó áp dụng không chỉ trong sản phẩm mà ở cách thức giao tiếp, đối xử với nhau hàng ngày. Sản phẩm của chúng tôi có thể không mới nhưng nó bao gồm rất nhiều sáng tạo về cách thức giao hàng, phương thức sản xuất để tiết kiệm thời gian, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, môi trường…
Ban lãnh đạo Kangaroo không lấy tiêu chí tập trung chính vào sáng tạo sản phẩm mà là cơ chế tạo ra sáng tạo đó và sẽ được Ban lãnh đạo ghi nhận bằng nhiều hình thức.
– Ngành kiểm toán – tư vấn sẽ phải đổi mới, sáng tạo ra sao, thưa bà Trần Thùy Trang? Bà vui lòng chia sẻ quan điểm của riêng Deloitte về vấn này?
Bà Trần Thùy Trang: Cùng với sự phát triển của thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế, ngành kiểm toán và tư vấn nói chung và Deloitte nói riêng cũng đòi hỏi phải không ngừng sáng tạo và đổi mới để phát triển và hội nhập thành công.
Bà Trần Thùy Trang
Câu chuyện sáng tạo nằm ngay trong quá trình phát triển hơn 25 năm qua của Deloitte Việt Nam và là mục tiêu chúng tôi đang tiếp tục theo đuổi. “Đem lại những giá trị nổi bật tới khách hàng và thị trường” với các dịch vụ chuyên ngành đạt “chuẩn mực của sự hoàn hảo” là giá trị cốt lõi mà chúng tôi luôn hướng tới. Và để đạt được giá trị này trong các giai đoạn phát triển khác nhau, chúng tôi phải không ngừng đổi mới – đổi mới trên toàn hệ thống và đổi mới trong chính mỗi thành viên của Deloitte.
Ngày 21/9 hàng năm được lựa chọn là “Ngày Sáng kiến” (Innovation Day) của Deloitte Việt Nam, bên cạnh đó, chúng tôi triển khai nhiều chương trình và tạo ra các công cụ để hỗ trợ và khuyến khích nhân viên phát huy khả năng sáng tạo của bản thân, đóng góp những sáng kiến của mình một cách liên tục.
Có thể có ý kiến cho rằng, hoạt động trong lĩnh vực tài chính mà cụ thể là kiểm toán và tư vấn, chúng tôi có thể bị bó hẹp trong những quy tắc, những chuẩn mực. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Đội ngũ nhân viên của chúng tôi là những người có trình độ chuyên môn cao, tài năng và luôn luôn đòi hỏi phải cập nhật tri thức mới do yêu cầu của công việc, do vậy chúng tôi tin tưởng họ luôn tiềm ẩn nhiều khả năng sáng tạo và nếu như chúng ta đưa ra được cách thức phù hợp để thúc đẩy sự sáng tạo từ họ thì sẽ có nhiều ý tưởng tốt được đóng góp và giúp tạo nhiều giá trị mới cho chính DN mình.
Và không chỉ có ngày 21/9 mà ngày nào cũng có thể được coi là ngày sáng kiến..Chúng tôi nỗ lực xây dựng môi trường làm việc mà ở đó việc khơi nguồn sáng tạo liên tục như một dòng chảy mạnh mẽ, tạo nên sự khác biệt cho giá trị chiến lược phát triển của Deloitte Việt Nam.
– Tham chiếu theo hướng phát triển bền vững, đổi mới, sáng tạo thì quy chuẩn của Phát triển bền vững được hiểu như thế nào? Cụ thể trong hoạt động doanh nghiệp thì Đổi mới/ Sáng tạo có vai trò thúc đẩy DN phát triển như thế nào? Phát triển bền vững ra sao?
Ông Phạm Hoàng Hải – Trưởng Ban thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững
Ông Phạm Hoàng Hải: Một trong những yếu tố mà chúng tôi nói đến phát triển bền vững đó là phát triển môi trường. Khi nói đến những sản phẩm, công nghệ thân thiện môi trường, chúng ta không thể nói là không đầu tư mà lại có những sáng tạo, đổi mới cũng như quy trình quản lý để có sản phẩm thân thiện.
Để có sản phẩm thân thiện nhất, doanh nghiệp phải có những công nghệ thân thiện và quy trình quản lý tinh gọn nhất. Trong 151 chỉ tiêu, những chỉ số về mặt môi trường, sáng tạo, áp dụng công nghệ chiếm 30% trong bộ chỉ số.
– Vậy các DN đã thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam có đủ tự tin với các DN khu vực và các DN trên thế giới chưa, thưa ông Vinh?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Sáng tạo mang tính chất sống còn đối với từng DN trong bối cảnh hội nhập. Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi chọn chủ đề Diễn đàn Sáng tạo để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Hội đồng Phát triển bền vững rất trăn trở với từ “sáng tạo”, bởi sự sáng tạo trong DN là điều đương nhiên.
Ngày 25/9 vừa qua, các nguyên thủ quốc gia của thế giới đã thông qua 169 các chỉ tiêu cụ thể về phát triển bền vững. Nếu nghiên cứu 169 chỉ tiêu này trong 17 mục tiêu phát triển bền vững thì chúng ta có thể thấy rằng 169 chỉ tiêu này đã phản ánh hết sức đầy đủ cho sự phát triển mang tính nhân văn. Nó hàm chứa cả về kinh tế và môi trường.
Với môi trường kinh doanh của mình, Kangaroo, Deloitte, Tasco đã sáng tạo như thế nào để có thể tồn tại, có tính cạnh tranh, để nâng cao năng suất và quan trọng nhất là sáng tạo như thế nào để người tiêu dùng chọn sản phẩm của mình thay vì chọn sản phẩm của các DN khác.
Các DN có thể tham chiếu 169 chỉ tiêu, từ đó đưa ra mô hình sáng tạo để tạo ra năng suất, thị phần. Đây là bài toán mà DN nào cũng phải trăn trở. Không phải chỉ riêng Việt Nam, các DN trên thế giới cũng đều phải trăn trở về vấn đề này. Phải làm thế nào để sản phẩm của DN, mô hình kinh doanh của DN ngày hôm nay phát triển hơn ngày hôm qua và phù hợp với mục đích và nhu cầu phát triển của xã hội.
Tôi với ông Phạm Hoàng Hải vừa đến Singapore để giới thiệu về Top 10 DN phát triển bền vững 2016 tham gia cuộc thi Châu Á. Bảo Việt là DN đạt được giải cao nhất trong cuộc bình chọn vừa qua. Báo cáo của Tập đoàn Bảo Việt được chọn là báo cáo bền vững của năm. Đây không chỉ là niềm vui của Bảo Việt mà là niềm vui chung của các DN Việt Nam. Tôi tin rằng trong những năm tới, chắc chắn số DN đạt được giải cao trên khu vực và thế giới sẽ nhiều thêm. Mục tiêu cuối cùng của xã hội là tạo lập được bao nhiêu DN tốt, bền vững để đưa ra xã hội, góp phần đóng góp vào sự phát triển bền vững hơn của nền kinh tế.
Chưa thể nói cứ Top 10 của Việt Nam đi thi là có kết quả. Bởi chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự sáng tạo được đặt lên hàng đầu. Những đối thủ của chúng ta trên thế giới luôn chuyển động không ngừng, sáng tạo không ngừng để đưa ra những sản phẩm tốt nhất. Sáng tạo là những nỗ lực không ngừng nghỉ và phần thưởng sẽ dành cho DN biết sáng tạo và sáng tạo hiệu quả nhất. Các DN vào top 10 thậm chí vào top 100 có thể đi thi các cuộc thi trên thế giới, tuy nhiên việc được giải hay không còn phụ thuộc vào các DN khác họ có sáng tạo hơn ta không.
– Đổi mới là thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển DN, vậy đối với Kangaroo, với 17 mục tiêu phát triển bền vững có mục tiêu là tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, vậy trách nhiệm ở đây của Kangaroo là gì?
Ông Nguyễn Tất Hải: Tiêu chí trong mọi hoạt động của Tập đoàn Kangaroo là “Luôn đi trước đón đầu”, chính vì vậy việc đổi mới và sáng tạo là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Mục tiêu phát triển của Kangaroo là xây dựng hệ sản phẩm sinh thái phục vụ sức khỏe cộng đồng. Vì vậy các sáng tạo trong việc phát triển sản phẩm đều xoay quanh việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ví dụ như những công nghệ về kháng khuẩn, lọc nước… Bên cạnh đó, Kangaroo còn xây dựng Viện nghiên cứu và ứng dụng nhằm liên tục phát triển các hệ sản phẩm mới, bắt kịp với xu hướng của thời đại và phục vụ các tiện ích cho cuộc sống.
– Khởi nghiệp là mục tiêu của Tasco. Vậy phải chăng, đây là khoảng đầu tư cho tương lai sáng tạo của Tasco?
Ông Hoàng Hà Phương
Ông Hoàng Hà Phương: Ở Tasco, chúng tôi có ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT cùng với ông Hoàng Trung Dũng – thành viên của HĐQT đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia thường xuyên tham gia vào các diễn đàn khởi nghiệp. Thông qua các diễn đàn về khởi nghiệp, chúng tôi tìm kiếm ý tưởng từ các thành viên khởi nghiệp để hỗ trợ họ và sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng tốt. Đó cũng là 1 trong những nguồn ý tưởng để chúng tôi sáng tạo phát triển dịch vụ của mình.
– Vậy còn mục tiêu sản xuất xanh của DN thì sao? Điều này sẽ được dẫn giải ra sao ở góc độ phát triển bền vững?
Ông Phạm Hoàng Hải: Một trong những yếu tố mà chúng tôi nói đến phát triển bền vững đó là phát triển môi trường. Khi nói đến những sản phẩm, công nghệ thân thiện môi trường, chúng ta không thể nói là không đầu tư mà lại có những sáng tạo, đổi mới cũng như quy trình quản lý để có sản phẩm thân thiện.
Để có sản phẩm thân thiện nhất, doanh nghiệp phải có những công nghệ thân thiện và quy trình quản lý tinh gọn nhất. Trong 151 chỉ tiêu, những chỉ số về mặt môi trường, sáng tạo, áp dụng công nghệ chiếm 30% trong bộ chỉ số.
Khi nói đến yếu tố xanh trong sản xuất kinh doanh là chúng ta muốn nói về công nghệ, quy trình sản xuất phù hợp với môi trường. VD: Nhà máy bia Heniken đã sử dụng công nghệ xanh trong sản xuất. Thay vì sử dụng năng lượng bình thường, họ thay thế bằng sử dụng pin mặt trời. Ngoài ra còn nhiều công ty khác như Bảo Việt. Tập đoàn này cung cấp dịch vụ và tài chính. Họ đã nhận thấy rằng năng lượng họ sử dụng trong tòa nhà như bây giờ quá tốn kém và họ đưa vào sử dụng năng lượng tiết kiệm nhằm giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh. Có thể khẳng định, những DN nằm trong bảng xếp hạng đều là những DN có công nghệ và biện pháp để nâng cao sức cạnh tranh của DN.
Bà Trần Thùy Trang: Là công ty hàng đầu cung cấp các dịch vụ kiểm toán, tư vấn thuế, tư vấn tài chính, tư vấn quản trị rủi ro và các dịch vụ đào tạo chuyên ngành, Deloitte Việt Nam không chỉ cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, đóng góp cho sự phát triển của ngành nghề Kiểm toán và Tư vấn, mà còn hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của các ngành nghề khác thông qua việc trợ giúp cho sự phát triển của các DN hoạt động trong tất cả các thành phần kinh tế.
Trong nhiều năm qua, chúng tôi luôn tích cực tham gia vào việc ban hành các chính sách quản lý doanh nghiệp niêm yết, các chuẩn mực ngành thuế, kế toán, kiểm toán, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế chung.
Với vai trò trung gian giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước, chúng tôi đã tham gia đóng góp các ý kiến, khuyến nghị cho các chính sách tài chính, thuế, hải quan tới các Bộ, ngành và được nhìn nhận như việc chuyển tải tích cực phản ứng từ các tế bào kinh tế tới các cơ quan đầu não để có các chính sách và ứng xử thương mại phù hợp để hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp tốt hơn.
Bên cạnh các dịch vụ nêu trên, chúng tôi cũng hỗ trợ khách hàng tư vấn xây dựng báo cáo phát triển bền vững nhằm giúp họ nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững.
– Còn chiến lược phát triển con người, doanh nghiệp sẽ phải ứng xử ra sao với nhân lực của mình trong mục tiêu phát triển bền vững của mình?
Bà Trần Thùy Trang: Deloitte Việt Nam xác định con người là yếu tố cốt lõi, quyết định đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chuyên ngành đặc thù như chúng tôi. Vì vậy trong chiến lược quản trị nguồn nhân lực, Deloitte tập trung vào: Xây dựng, phát triển đội ngũ nhân sự có trình độ cao; Xây dựng và phát triển môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện với các chế độ đãi ngộ hấp dẫn; Đánh giá nhân viên theo hiệu quả công việc để đảm bảo kết quả làm việc và công sức của nhân viên được ghi nhân một cách kịp thời và công bằng; Xây dựng các chương trình đạo tạo thường xuyên trong và ngoài nước.
Cụ thể, Deloitte đã và đang triển khai nhiều chương trình trọng điểm để xây dựng, thu hút và phát triển nhân tài. Ví dụ như chương trình chăm sóc sức khoẻ cao cấp dành cho các cấp bậc nhân viên; Chính sách trả lương, thưởng minh bạch, hấp dẫn theo hiệu quả công việc; Chương trình quy hoạch bồi dưỡng tạo nguồn cho các vị trí chủ chốt và đội ngũ lãnh đạo kế cận; Luân chuyển nhân viên toàn cầu và trong khu vực để nâng cao trình độ kinh nghiệm thông qua làm việc với các văn phòng tại các nước phát triển trong hệ thống của Deloitte toàn cầu.
– Được biết, Tasco có chiến lược săn đầu người khá bài bản, vậy chiến lược quản lý con người của Tasco ra sao, thưa ông Phương?
Ông Hoàng Hà Phương: Về chiến lược nhân sự, ở Tasco, chúng tôi luôn muốn có sự công bằng giữa các thành viên trong DN, từ đó sẽ tiến hành đánh giá, ghi nhận họ. Bên cạnh chiến lược nhân sự, ở Tasco chúng tôi luôn chú trọng tới công tác đào tạo. Chúng tôi có 1 công ty chuyên đào tạo nội bộ và lấy yếu tố thực tiễn làm nền tảng. Giảng viên của Tasco là những người không chỉ có kiến thức mà còn có nhiều kinh nghiệm. Trong giá trị cốt lõi của Tasco, bên cạnh yếu tố sáng tạo và học tập, chúng tôi còn chú trọng đến việc hoạch định nguồn nhân lực kế thừa. Từ đó bồi dưỡng và định hướng cho nguồn nhân lực này.
– Tại Kangaroo có một câu “khẩu hiệu” được treo ngay hội sở: không chỉ trích, không giải thích, hãy đưa ra giải pháp. Vậy phải chăng điều đó cũng lý giải được sức phát triển của Kangaroo?
Ông Nguyễn Tất Hải: Chiến lược chung của Kangaroo nằm ở 2 khái niệm: Cùng nhau phát triển và phù hợp, trong đó cùng nhau phát triển bởi DN có phát triển thì tất cả khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên cùng phát triển. Do đó, Kangaroo luôn tạo ra thông tin minh bạch về sự phát triển của Tập đoàn để tất cả mọi người thấy được.
Khái niệm thứ 2 là Phù hợp. Kangaroo chọn người không chỉ dựa trên các tiêu chí về tuổi tác, giới tính, trình độ mà là sự phù hợp. Phải phù hợp với văn hóa, mục tiêu, tôn chỉ của công ty. Có như vậy mới có thể cùng nhau phát triển. Riêng lĩnh vực phát triển sản phẩm, mỗi năm chúng tôi đưa ra 30 – 50 sản phẩm mới qua đấy cũng thấy được hiệu quả của sự sáng tạo của Tập đoàn.
– Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, xây dựng văn hóa DN là một phần không thể tách rời trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng VN trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Điều quan trọng hơn để trở thành một quốc gia phát triển trước hết phải có một lực lượng DN sáng tạo và phát triển bền vững; hướng DN thực sự đầu tư vào công nghệ, hướng tới tăng trưởng xanh, hướng tới doanh nhân DN xã hội. Vậy yếu tố văn hóa DN có tầm quan trọng như thế nào trong bộ chỉ số phát triển bền vững?
Ông Phạm Hoàng Hải: Trước đây khi nói đến văn hóa DN người ta hay nghĩ đến trách nhiệm xã hội của DN và sau đó là phát triển bển vững. Ngày nay người ta nhắc đến văn hóa doanh nghiệp và thường nói nhiều hơn đến ểnhát triển bền vững. Cụ thể, người ta sẽ nghĩ đến môi trường kinh doanh của DN. Một DN có văn hóa DN là phải có môi trường kinh doanh lành mạnh, thân thiện, để có thể huy động sự sáng tạo, cống hiến của từng con người, để đóng góp vào sự phát tr chung của DN. Vì vậy có thể nói, văn hóa DN đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của DN.
– Văn hóa DN được coi là “chất keo” gắn kết DN của Tasco. Vậy làm sao để chất kết dính này có thể lan tỏa tới mọi thành viên của Tasco mà không chỉ là mục tiêu của lãnh đạo?
Ông Hoàng Hà Phương: Việc xây dựng văn hóa DN đã rất quen thuộc. Về phía Tasco, văn hóa DN đầu tiên phải phù hợp với quy luật xã hội. Tiếp đó, văn hóa DN được xây dựng thành những quy tắc, được truyền thông thường xuyên để các thành viên trong tổ chức luôn tuân thủ quy tắc đó, coi đó như là tôn giáo của mình. Đó mới là thành công của việc xây dựng văn hóa DN.
Trải qua nhiều năm, chúng tôi thấy xây dựng văn hóa DN là một việc khó nên phải kiên trì mới có thể xây dựng nét văn hóa riêng. Ở Tasco, văn hóa DN của chúng tôi xuất phát từ sự minh bạch, đoàn kết và trách nhiệm với cộng đồng. Qua thời gian xây dựng và phát triển, Tasco luôn đặt xây dựng phát triển văn hóa DN và coi đó là 1 điểm then chốt để xây dựng phát triển DN.
– Trên website giới thiệu về DN, trong đó có nêu “Với sứ mệnh mang lại một cuộc sống khỏe và tiện ích, Kangaroo không chỉ dừng ở việc kinh doanh mà bên cạnh đó luôn có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với môi trường thiên nhiên. Mọi hoạt động của Kangaroo đều tuân theo tôn chỉ mang lại lợi ích tối đa cho xã hội, cộng đồng”. Ngoài việc tuyên truyền thông điệp này tới xã hội, Kangaroo đã sử dụng cách thức nào để chính nội tại doanh nghiệp – nhân viên của mình thấm nhuần mục tiêu này?
Ông Nguyễn Tất Hải: Đối với Kangaroo, doanh nghiệp và nhân viên có mối quan hệ như nhân viên là khách hàng của doanh nghiệp. Chúng tôi coi nhân viên như khách hàng và cần phải tìm hiểu nhu cầu của khách hàng về vật chất, tinh thần. Do vậy chúng tôi hiểu được nhân viên muốn gì và đáp ứng tối đa yêu cầu cho nhân viên, đổi lại nhân viên có thể sáng tạo cho DN.
– Lãnh đạo Kangaroo từng chia sẻ: “xây dựng doanh nghiệp cũng giống như xây dựng một ngôi nhà, nền móng vững chắc là nền tảng cho phát triển… Xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững là giúp cho Việt Nam kiến thiết các doanh nghiệp khổng lồ”. Với góc nhìn của Hội đồng phát triển bền vững, Ông Hải bình luận gì về quan niệm này?
Ông Phạm Hoàng Hải: Việc ra đời bộ chỉ số với 151 chỉ tiêu là công cụ mà chúng tôi hỗ trợ DN. Với bộ chỉ số này, ngay cả các DN chưa mường tượng ra phát triển bền vững là như thế nào cũng có thể hiểu và thực hiện được. Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiều khóa tập huấn về tiết kiệm năng lượng, tăng trưởng xanh… hay các công cụ online trên website để DN có thể truy cập để tìm hiểu thêm thông tin.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức nhiều hội thảo hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm giúp DN có thể hiểu và tiếp cận phát triển bền vững một cách nhanh nhất. Đặc biệt, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đã và đang là cầu nối đưa đề đạt, nguyện vọng của DN đến với Chính phủ.
– Các DN luôn nỗ lực xây dựng được văn hóa DN, bộ nhận diện thương hiệu của riêng mình. Vậy làm thế nào để Deloitte xây dựng được một bộ máy tự vận hành chứ không phải là một bộ máy với chế tài, giám sát chặt chẽ?
Tại Deloitte, một trong 4 giá trị cốt lõi của chúng tôi là “Sự cam kết”. Chúng tôi nhìn nhận các vấn đề từ sự cam kết lẫn nhau – cam kết từ đội ngũ lãnh đạo xuống đến từng nhân viên. Nếu chỉ đưa ra các chỉ số, chỉ tiêu hay chế tài để buộc nhân viên phải thực hiện thì không khó, nhưng điều chúng tôi muốn làm vượt trên cả điều đó. Chúng tôi thể hiện với nhân viên sự cam kết, sự đồng lòng rất lớn từ chính Ban Lãnh đạo công ty. Sự cam kết đó được thể hiện bằng việc cam kết phát triển nhân viên, phát triển tổ chức, chế độ đãi ngộ, và lớn hơn nữa là cam kết của chúng tôi đối với khách hàng và đối tác.,…
Từ cam kết của đội ngũ lãnh đạo, chúng tôi còn lan toả cam kết tới từng nhân viên. Thay vì yêu cầu nhân viên phải cam kết một cách cứng nhắc , chúng tôi biến cam kết thành điều tự nhiên, mềm hoá nó để bản thân từng nhân viên thấy được trách nhiệm của mình với công ty. Như vậy, sự cam kết được đồng thuận thực hiện từ Ban Lãnh đạo đến tập thể nhân viên một cách tự nhiên, nhất quán và tạo ra sức mạnh vô hình giúp công ty vận hành một cách tốt nhất.
– Tuy nhiên, hiện đa số các DN Việt Nam là DNNVV. Với tiềm lực tài chính hạn hẹp, kinh nghiệm ít… làm thế nào để các DNNVV có thể thực hiện tốt phát triển bền vững, nhất là đảm bảo đúng 151 tiêu chí của bộ chỉ số DN phát triển bền vững, thưa ông Hải?
Ông Phạm Hoàng Hải: Nếu nhìn sâu vào bản chất của 151 tiêu chí bộ chỉ số phát triển bền vững có thể thấy, bộ chỉ số này nặng ở chỉ số mang tính chất quản trị. Nếu chúng ta có quy trình quản trị nội bộ tốt thì đã là DN phát triển bền vững tốt rồi. Khi có quy trình quản trị tốt, kết quả kinh doanh đạt được tốt hơn về mặt kinh tế, lợi nhuận tốt hơn có thể có nguồn vốn đầu tư vào công nghệ. Đây cũng chính là lý do vì sao chúng tôi xây dựng xuất phát điểm của bộ chỉ số này bởi chỉ số cần phải hài hòa với môi trường kinh doanh của VN, từng bước hội nhập với môi trường quốc tế.
– Một trong những giải pháp để phát triển bền vững là nghiên cứu R&D. Vậy, theo các đại diện có mặt ở đây, làm thế nào để kích thích đổi mới/sáng tạo trong DN? Giải pháp về đầu tư R&D? cơ chế thưởng?
Ông Nguyễn Tất Hải: Nghiên cứu phát triển là nguồn sống nuôi dưỡng sự sáng tạo. Để đạt được mục tiêu này, Kangaroo tập trung vào 2 giải pháp là chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp.
Giải pháp chuyên nghiệp là việc Kangaroo xây dựng Viện nghiên cứu và ứng dụng. Bán chuyên nghiệp đến từ chính các nhân viên văn phòng, kinh doanh, nghiên cứu thị trường. Tất cả đều được khuyến khích đóng góp các ý tưởng, sáng tạo cho Tập đoàn.
Bà Trần Thuỳ Trang: Tại Deloitte, chúng tôi đầu tư vào 2 yếu tố có thể nói là xu hướng được các doanh nghiệp coi trọng: Đào tạo Nguồn nhân lực và Công nghệ thông tin.
Về khía cạnh Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, Deloitte toàn cầu đã thành lập và vận hành trường đại học(Deloitte University) để đào tạo cho chính những nhân viên của Deloitte trong toàn hệ thống trên toàn cầu. Các chương trình đào tạo của Deloitte được thiết kế phù hợp với thực tiễn để đi trước đón đầu những xu hướng phát triển ngành nghề, đáp ứng yêu cầu của DN và cung cấp dịch vụ gia tăng cho DN với nhiều giá trị mới.
Chúng tôi cho rằng, chặng đường dài đã đi qua (hơn 25 năm phát triển) và trên con đường phía trước, điều chúng tôi luôn quan tâm làm là làm sao đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong rất nhiều năm vừa qua, chúng tôi chú trọng đổi mới hệ thống công nghệ thông tin nhằm mục tiêu đem lại hiệu quả và các giá trị gia tăng mới cho các khách hàng. Việc áp dụng các phần mềm chuyên ngành tiên tiến, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại đã giúp tiết kiệm đáng kể công sức và thời gian làm việc của nhân viên. Từ đó, giúp tiết kiệm thời gian, gia tăng hiệu quả dịch vụ cung cấp tới khách hàng cũng như sự hài lòng của họ.
Hai yếu tố này bổ trợ cho nhau và mang tính dẫn dắt cho giải pháp R&D vì phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.
– Vậy còn vấn đề chuẩn bị nguồn nhân sự kế thừa của các DN ra sao, thưa ông Phương?
Ông Hoàng Hà Phương: Vấn đề đào tạo, như đã chia sẻ, chúng tôi có 1 công ty chuyên đào tạo nội bộ và chú trọng đào tạo thực tiễn. Chúng tôi thuê các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm và bản thân những người đi trước của công ty cũng sẵn sàng chia sẻ cho những người đi sau.
Về việc xây dựng nhân sự kế thừa, chúng tôi xây dựng, hoạch định nhân sự kế thừa, đưa vào đánh giá và đưa ra lộ trình đào tạo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện luân chuyển các vị trí để họ trải nghiệm thực tiễn trước khi vào một vị trí mới. Ở Tasco, chúng tôi có 1 kho dữ liệu lưu trữ những bài học kinh nghiệm để chúng tôi rút kinh nghiệm và coi đó là tài sản của DN.
Ông Nguyễn Tất Hải: Kangaroo tuân theo nguyên tắc, cách thức đào tạo thông thường nhưng thêm một cách nữa mà chúng tôi học được ở các tập đoàn đa quốc gia là quyền được thất bại. Kangaroo coi đó là nguồn kinh phí đào tạo và chấp nhận nguồn kinh phí rủi ro cho nhân viên, qua đó nhân viên và Tập đoàn sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm.
– Thúc đẩy việc phát triển trách nhiệm xã hội của DN không phải chỉ là công việc của người đứng đầu. Vậy trong câu chuyện của DN, các ông bà có thể lan tỏa những ảnh hưởng tích cực của người “thuyền trưởng” tới từng nhân viên, tới toàn xã hôi?
Ông Hoàng Hà Phương: Về trách nhiệm xã hội, ngoài từ thiện, tạo công ăn việc làm cho người lao động, chúng tôi còn thường xuyên tham gia vào diễn đàn khởi nghiệp để tìm kiếm và hỗ trợ ý tưởng tốt. Về lĩnh vực đầu tư, những dự án chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà có ảnh hưởng không tốt đến xã hội, cộng đồng, môi trường, chúng tôi sẽ không đưa vào nghiên cứu đầu tư. Anh Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT của Tasco cũng luôn muốn chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân thì đó cũng là trách nhiệm xã hội của DN chúng tôi.
Ông Nguyễn Tất Hải: Kangaroo xây dựng mục tiêu DN. Mục tiêu này không phải lợi nhuận, doanh số, thị phần mà là giá trị cao hơn mà Tập đoàn từ lãnh đạo, nhân viên theo đuổi là mục tiêu vì cộng đồng, xã hội. Đây là cách thức cơ bản để Kangaroo đóng góp cơ bản cho xã hội và cộng đồng.
Lãnh đạo Kangaroo là người rất ủng hộ cho phong trào Khởi nghiệp và đã đầu tư 10 tỷ đồng cho một dự án và đã trở thành hiện thực. Còn cán bộ công nhân viên cũng luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng. Bằng chứng là Kangaroo đã thành lập “Quỹ áo xanh” với sự đóng góp của toàn bộ công nhân viên nhằm giúp đỡ các trường hợp thiếu may mắn. Quỹ này không chỉ thực hiện mục đích hỗ trợ cộng đồng mà qua đó tăng cường sự gắn kết, cũng như ý thức, trách nhiệm của toàn bộ cán bộ công nhân viên với xã hội.
Bà Trần Thùy Trang: Chúng tôi đang thực hiện khẩu hiệu trên toàn cầu “Kiến tạo những ảnh hưởng tích cực” và khẩu hiệu này được mỗi một nhân viên Deloitte Việt Nam hay trong toàn hệ thống khắc ghi và thực hiện hàng ngày. Đặc biệt, tại Deloitte, công việc kiến tạo những ảnh hưởng tích cực được trực tiếp Ban Lãnh đạo công ty thực hiện và lan toả đến từng nhân viên; từ đó giúp mỗi nhân viên nhận thức được và biết cách làm thế nào để tạo nên những điều tích cực trong mỗi công việc của mình cũng như đối với những người xung quanh và cộng đồng.
Chúng tôi cho rằng những ảnh hưởng tích cực mà từng người, từng nhân viên tạo ra có thể nhỏ hay lớn nhưng tổng hoà lại sẽ tạo nên được những tác động đáng kể, hướng tới những giá trị vững bền mà doanh nghiệp và cả xã hội đang hướng tới.
Ban tổ chức tặng hoa các diễn giả
– Hội đồng phát triển bền vững sẽ có hỗ trợ gì cho DN phát triển bền vững,ngoài bộ công cụ đang triển khai, thưa ông Hải?
Ông Phạm Hoàng Hải: Như quý vị đã biết, với việc ra đời bộ chỉ số với 151 chỉ tiêu, đó là công cụ mà chúng tôi hỗ trợ DN.
Với bộ chỉ số này, ngay cả các DN chưa mường tượng ra phát triển bền vững là như thế nào cũng có thể hiểu và thực hiện được. Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiều khóa tập huấn về tiết kiệm năng lượng, tăng trưởng xanh… hay các công cụ online trên website để DN có thể truy cập tìm hiểu thêm thông tin.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức nhiều hội thảo hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm giúp DN có thể hiểu và tiếp cận phát triển bền vững một cách nhanh nhất. Đặc biệt, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đã và đang là cầu nối đưa đề đạt, nguyện vọng của DN đến với Chính phủ.
Theo DĐDN