Nếu như các ngành khác có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực, thì đối với cá tầm Việt Nam, cái mà chúng ta hướng tới là thị trường cực lớn bên ngoài chứ không phải sự chen chân, dẫm đạp nhau tại sân nhà.
Nhiều lợi thế
Nói tới nghề nuôi cá tầm, người ta vẫn chủ yếu đề cập tới 2 loại sản phẩm chính: nuôi cá tầm lấy trứng và lấy thịt. Hầu hết các nước trên thế giới hiện đang nuôi cá tầm để lấy trứng. Mặc dù, nhu cầu trứng cá tầm trên thế giới rất lớn, gần 4.000 tấn trứng mỗi năm nhưng thực chất các quốc gia chỉ đáp ứng khoảng 3-4% nguồn cầu (khoảng 80- 100 tấn/năm). Bởi vì, trong tự nhiên, cá tầm phải mất 15-20 năm mới trưởng thành và cho ra trứng. Chính vì thời gian lâu như thế nên cá tầm dễ bị tuyệt chủng. Từ đó, tại một số nước, nhiều doanh nghiệp đã nuôi thành công cá tầm khai thác trứng. Tuy nhiên, với điều kiện thiên nhiên không được ưu đãi, buộc họ phải áp dụng các biện pháp công nghệ như: Sấy nước nóng hoặc dùng những nguồn nước thải của nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép làm cho nước nóng lên, khiến con cá sớm thành thục hơn nhưng cũng phải mất 8-10 năm mới có trứng. Điều đáng nói là, những công nghệ này hiện đang tồn tại nhiều hạn nên không ai dám nuôi nhiều. Công ty lớn nhất hiện cũng chỉ 15 tấn/năm, các Công ty còn lại nuôi được vài tấn/năm.
So với các cường quốc về cá tầm trên thế giới, Việt Nam được thiên nhiêu ưu đãi nhiều điều kiện giúp con cá tầm phát triển tốt và nhanh cho trứng. Với những lòng hồ thủy điện tại Việt Nam hiện có mức nhiệt độ vừa đủ, lòng hồ rất sạch, dòng chảy lớn, giàu ô xy trong nước dẫn tới cá khỏe, tiêu thụ thức ăn tốt, nhanh có trứng.
Một số hồ thủy điện tại Tây nguyên không có mùa, nhiệt độ nước quanh năm ổn định nên phá tính chất thời vụ của con cá. Con cá có thể đẻ vào nhiều thời điểm trong năm. Đây là lợi thế so sánh với nhiều quốc gia khác. Nếu như ở nước ngoài, cá tầm chủ yếu đẻ trứng vào mùa xuân và mùa thu để bán vào dịp Noel nên khi cá cho trứng các nhà sản xuất châu Âu thường dùng hàn the để bảo quản trứng làm giảm chất lượng của trứng. Vì thế, trứng cá tầm châu Âu khó có thể sánh kịp chất lượng nuôi tại Việt Nam.
Đồng thời, ngoài việc nhập khẩu thức ăn từ các công ty lớn thì rất may mắn là Việt Nam có nguồn cá biển dồi dào như cá cơm, cá nục… được chế biến làm thức ăn cho cá tầm. Hơn nữa, theo ông Lê Anh Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cá Tầm Việt Nam: “Việc vận chuyển hiện nay cũng khá đơn giản, cho phép vận chuyển tới nhiều nước trên thế giới chỉ trong thời gian ngắn kể cả số lượng rất nhỏ. Thực chất, Cty chúng tôi có thể thay cho các hệ thống bán lẻ của các nhà buôn lớn chuyển vài lạng trứng sang Nam Phi. Khi đó, chấp nhận tăng chi phí vận chuyển, bán rẻ hơn nhà buôn, thậm chí bán bằng giá nguyên liệu miễn sao khách hàng được thưởng thức trứng của Việt Nam”.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin đã cho phép biện pháp truyền thông đơn giản hơn rất nhiều tới mọi ngóc ngách của thế giới, tạo ra sản phẩm giá rẻ và quan trọng hơn cả là cho phép có phản hồi. Nếu khách hàng ăn trứng thấy ngon thực sự thì họ sẽ truyền tai nhau nên những người khác sẽ biết. Khi có tiếng nói chân thực của khách hàng thì sản phẩm sẽ rất dễ bán. Trước đây, chưa có internet thì điều này thực sự khó.
Cũng theo ông Đức, chính phủ Việt Nam đang rất ưu tiên cho ngành thủy sản trong đó có cá tầm. Bản thân các doanh nghiệp nuôi trồng cá tầm đã được rất nhiều ưu đãi về mặt bằng, cấp đất, nước, chính sách thuế, kể cả chủ trương. Còn các chi nhánh, các hộ dân nuôi cá tầm cũng thường xuyên được chính quyền địa phương xuống thăm hỏi, động viên về mặt tinh thần.
Còn đó thách thức
Lợi thế là vậy nhưng cũng không ít thách thức. Đầu tiên phải kể tới là việc đầu tư nuôi cá tầm lấy trứng cần phải có tiềm lực tài chính mạnh để chuyển giao công nghệ. Ngay tại Công ty Cổ phần Cá Tầm Việt Nam, từ năm 2006-2011, công ty đã phải bỏ ra hàng triệu USD để trả tiền cho các nhóm chuyên gia, ký kết hợp đồng chuyển giao toàn bộ công nghệ. Cùng với đó, công ty đã thiết lập nên những định mức, tiêu chuẩn nuôi ở Việt Nam: An toàn, chất lượng sản phẩm đầu ra cao, không bị ô nhiễm môi trường… Đó là 3 chỉ tiêu cao nhất mà không phải công ty nào cũng đạt được.
Hai là, thị trường trứng cá đen luôn bị lũng đoạn bởi các đầu nậu, nhà buôn. Từng đi khảo sát nhiều thị trường cũng như từng làm việc với nhiều nhà nhà buôn trứng cá đen ông Đức đã đi tới kết luận hơi kỳ lạ: Hiện thị trường trứng cá đen hầu như không có. Bởi vì từ nhu cầu thị trường gần 4.000 tấn trong khi mới chỉ cung ứng chưa tới 100 tấn nên sự nhập nhằng, “đánh lận con đen” là điều tất yếu. Đồng thời, người tiêu dùng phổ thông khá mù mờ, họ cứ thấy trứng đen thì gọi là trứng cá tầm nhưng sự thực không phải vậy. Với mỗi hộp trứng cá đen bán trên thị trường khoảng 200.000 đồng/hộp hoặc vài USD/hộp là trứng giả hoặc trứng cá hồi.
Chính vì trứng cá tầm quá hiếm nên người tiêu dùng phổ thông không có cơ hội để ăn. Hơn nữa, một số đầu nậu liên kết với nhau thao túng thị trường đẩy giá lên rất cao. Ví dụ: Trứng cá tầm lai khoảng 800 euro/1kg, cá tầm Nga khoảng 1.700 Uro/1kg. Khi vào tay các nhà buôn, họ cố tình thổi giá lên gấp 6-7 lần, họ cố tình tạo ra sự khan hiếm giả… dẫn tới việc người tiêu dùng khó có thể mua được. Chỉ những "đại gia" mới dám móc hầu bao để thưởng thức trứng cá tầm với giá vài ngàn USD/kg. Từ đây, xảy ra sự bất công lớn là hầu hết những người bỏ tiền ra nuôi khá vất vả, chịu hầu hết rủi ro thì lại không bán dưới thương hiệu của chính họ mà tất cả nhà sản xuất đang bán dưới thương hiệu của nhà kinh doanh.
Ông Đức cho biết: Trước thực tế ấy, chúng tôi luôn trăn trở 2 hướng đi, một là chấp nhận làm công cho hệ thống phân phối hiện nay; Hai là, tự làm thương hiệu. Hai hướng đều có lợi và hại. “Nếu nhìn xa hơn, thị trường trứng cá đen hiện chưa được hình thành và đang bị lũng đoạn nhưng câu chuyện này sẽ rất nhanh bị thay đổi vì 2 cường quốc sản xuất trứng cá đen là Trung Quốc và Việt Nam, trong vòng 3 năm tới sẽ đạt sản lượng được bằng con số của cả thế giới hiện nay. Khi mà có lượng hàng lớn gấp đôi hiện nay, sẽ phải có cách bán khác và không chóng thì chầy sẽ thoát ra khỏi “ách” thương hiệu mà những nhà buôn hiện nay đang khống chế. Do đó, chúng tôi đã xác định việc tiếp tục bán nguyên liệu là không ổn vì sẽ bị họ không chế sự phát triển nên chúng tôi đã chọn con đường tự làm thương hiệu”, vị này chia sẻ.
Nói về việc liên kết, hợp tác nhằm nâng cao thương hiệu cá tầm Việt Nam, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định: Không hề có sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhau vì thị trường chúng ta cần hướng tới là thị trường 4.000 tấn trứng/năm, chứ không phải việc doanh nghiệp nội tranh nhau miếng mồi sân nhà. Vì thế, việc cần làm ở đây là kết hợp lại để tạo nên sức mạnh chung.
Tuy nhiên, điều ông Đức lo ngại là việc một số doanh nghiệp nhập cá Trung Quốc về bán. Trong khi nuôi được 100kg cá tầm Việt Nam thì lại nhập 10 tấn cá tầm Trung Quốc về rửa nguồn gốc, bán dưới thương hiệu cá tầm Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện đang có một số doanh nghiệp Việt Nam thay vì nhập sẽ trực tiếp sử dụng nguồn thức ăn tăng trọng để nuôi cá tầm lấy thịt. Câu chuyện này nếu bị nước ngoài phát hiện thì hậu quả thật khôn lường, khi đó họ sẽ đánh đồng chất lượng cá tầm Việt Nam và Trung Quốc và chắc chắn những doanh nghiệp làm ăn uy tín cũng bị ảnh hưởng theo. Do đó, khó nhất là phải giữ được đạo đức của người lao động trong nuôi trồng. Các doanh nghiệp đang nuôi hoặc sắp đầu tư cố gắng đưa chất lượng lên cao nhất chứ đừng đưa chất lượng xuống thấp vì như thế sẽ giết lẫn nhau và làm ảnh hưởng tới sản phẩm đang rất uy tín hiện nay.
Hồng Sơn