Công nhân một công ty may đang làm việc tại nhà máy ở Bình Dương - Ảnh minh họa: Hùng Lê
Nguồn tin từ Ban quản lý khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Nam Định cho biết, tuần rồi đại diện các nhà đầu tư này đã làm việc với lãnh đạo tỉnh về việc phát triển khu công nghiệp dệt may tên gọi Rạng Đông thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, với tổng kinh phí xây dựng khoảng 350 triệu đô la Mỹ và thực hiện theo hình thức cuốn chiếu.
Theo trang web của tỉnh Nam Định, đề án thành lập KCN Dệt may Rạng Đông có mục tiêu phát triển ngành dệt may của tỉnh theo chuỗi cung ứng từ nhà máy kéo sợi - dệt - nhuộm - in - hoàn tất, kết hợp phát triển ngành da giày và công nghiệp phụ trợ (sản xuất các loại tem, nhãn, khóa, thùng hộp các-tông…).
Đề án thành lập khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp; quỹ đất phát triển sản xuất công nghiệp; hệ thống cấp và xử lý nước thải riêng biệt; hệ thống các nhà máy điện, hơi và khu vực văn phòng, trung tâm thương mại - dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và trường đào tạo chuyên ngành dệt may.
Theo cam kết của nhà đầu tư, chậm nhất đến quý 2-2015 sẽ hoàn thành xây dựng hạ tầng và bắt đầu kêu gọi thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp này. Nhà đầu tư đề nghị tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai dự án, có kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, viễn thông, đào tạo nguồn nhân lực, tài chính, ngân hàng.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ của đề án thành lập khu công nghiệp này nhằm báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất...
Đồng thời, UBND tỉnh và nhà đầu tư cần thống nhất kế hoạch tiến độ, quy trình triển khai thực hiện, trong đó chú ý lựa chọn công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, giải quyết tốt vấn đề bảo vệ môi trường.
Chính quyền tỉnh Nam Định cũng cam kết sẽ tạo các điều kiện cũng như chính sách ưu đãi tốt cho nhà đầu tư, đồng thời đề nghị ba nhà nhà tư cần sớm lập liên doanh để có tư cách pháp nhân trước khi tiến hành thực hiện dự án; chuẩn bị nguồn lực tài chính cho dự án; khi triển khai cần đảm bảo môi trường sinh thái biển của Nam Định.
Nếu dự án được triển khai, đây sẽ là khu công nghiệp dệt may lớn nhất cả nước tính đến thời điểm này. Giới phân tích đánh giá dự án này của nhà đầu tư có thể nhằm chuẩn bị đón đầu cơ hội gia nhập Hiệp định thương mại Đối tác xuyên châu Á - Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam.
Mới đây, tỉnh Nam Định cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Bảo Minh. Nhà đầu tư này sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích 8 héc ta với công suất sản xuất sợi 9.816 tấn/năm; dệt 21,6 triệu mét/năm; nhuộm 24 triệu mét/năm. Nhà đầu tư dự kiến sẽ đưa nhà máy này vào khai thác giữa năm 2016.
Lê Hoàng