Nghị quyết mới về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ được sớm ban hành – theo ông Nguyễn Bá Ân, Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo WEF, các chỉ số của Việt Nam về năng lực cạnh tranh đã được cải thiện nhưng vẫn ở thứ hạng thấp. Nguồn: internet
Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 12/2014, Chính phủ đã giao Hội đồng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị quyết nói trên trong tháng 2/2015.
Trả lời phỏng vấn của Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, ông Nguyễn Bá Ân đã cho biết trong năm 2014, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014, Chính phủ và các bộ ngành địa phương đã tập trung vào các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo cách đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), cụ thể là về thuế, hải quan, tiếp cận điện năng, khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư...
Năm 2015, sẽ tiếp tục củng cố cải cách trong các lĩnh vực trên, đồng thời đẩy mạnh cải cách trong một số lĩnh vực khác đã được đề cập trong Nghị quyết 19 như về cấp phép xây dựng, quyền sở hữu tài sản, thực thi hợp đồng, phá sản doanh nghiệp…
Cùng với đó, Nghị quyết mới của Chính phủ sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI). GCI dựa trên 12 chỉ số thành phần (12 trụ cột) với hàng trăm chỉ tiêu cụ thể, bao hàm rất nhiều vấn đề, không chỉ môi trường kinh doanh mà còn đánh giá các yếu tố như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ…
Theo xếp hạng cạnh tranh toàn cầu năm 2014-2015 mà WEF công bố tháng 9/2014, Việt Nam xếp thứ 68 trên tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 2 bậc so với trước đó và đứng thứ 6 trong các nước ASEAN. Các chỉ số của Việt Nam dù có được cải thiện nhưng đều ở thứ hạng thấp, không có chỉ số nào vượt quá thứ hạng 50, trừ duy nhất chỉ số về quy mô thị trường có xếp hạng tốt (thứ 34).
Theo WEF, năng lực cạnh tranh là một tập hợp các yếu tố về thể chế, chính sách và các nhân tố quyết định năng suất của một quốc gia; trên cơ sở tiến bộ về năng suất sẽ xác lập mức độ thịnh vượng mà một nền kinh tế có thể đạt được. Nói cách khác, GCI đánh giá rộng hơn, đầy đủ hơn về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, so với cách đánh giá của WB. Nghị quyết mới về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ tiếp cận theo hướng đó.
Trong báo cáo gửi Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 về tình hình thực hiện Nghị quyết 19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị, cùng với việc thực hiện mạnh mẽ, nhất quán và triệt để Nghị quyết 19, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung cải cách thể chế và đầu tư cho các nhân tố tăng năng suất.
Tạo thuận lợi thay vì chăm chăm “quản là chính”
Trước một số chính sách được đánh giá là khá “lạc điệu” với quyết tâm cải cách của Chính phủ trong thời gian qua, ông Nguyễn Bá Ân nhận xét từ trước đến nay, nhiều cơ quan chức năng vẫn có tư duy “quản” là chính chứ không nghĩ đến việc tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện quyền.
Nghị quyết 19 yêu cầu cơ quan quản lý phải tạo điều kiện cho sự phát triển, phải phục vụ chứ không tạo ra rào cản hay ngăn chặn hoạt động của doanh nghiệp, chuyển từ quản lý bằng những biện pháp hành chính sang kiến tạo phát triển, tạo hành lang cho phát triển.
Chẳng hạn sắp tới, khi rà soát và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư, thì các điều kiện kinh doanh thực sự cần thiết như để bảo đảm tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường… sẽ vẫn còn nhưng cách tiếp cận sẽ khác. Thay vì doanh nghiệp phải xin phép như trước kia, nay cơ quan quản lý sẽ quy định tiêu chuẩn, doanh nghiệp cứ làm, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra sau, nếu không đáp ứng được thì xử phạt hoặc buộc doanh nghiệp dừng hoạt động…
“Việc thay đổi tư duy quản lý theo hướng như vậy là cực kỳ quan trọng nhưng không dễ dàng, chưa kể đến những lợi ích cục bộ của từng bộ ngành, địa phương. Lúc đầu, ngay cả Bộ Tài chính cũng rất phản ứng với yêu cầu giảm từ hơn 800 giờ nộp thuế xuống còn 171 giờ. Nhưng khi Nghị quyết bắt buộc thì họ làm được. Rồi việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, dù là một phương thức phát triển mới để tăng năng suất lao động, tăng cường minh bạch, hạn chế nhũng nhiễu…nhưng thẳng thắn mà nói không phải cơ quan nào cũng thích”.
“Tư duy của hệ thống, của đội ngũ cán bộ công chức không thể thay đổi trong một sớm một chiều”, ông Nguyễn Bá Ân nói. Do đó, nhiều nơi vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết 19 và tinh thần chỉ đạo mới của Chính phủ. Không phải nơi nào cũng đã thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết giao.
“Có những bộ ngành đặt ra quy định, doanh nghiệp phản ứng, để đến khi Thủ tướng ra quyết định mới xuôi. Lý do là họ vẫn giữ tư duy quản lý cũ, họ cứ nghĩ quản lý là phải thế”, ông Nguyễn Bá Ân nhận xét.
Một ví dụ khác mà ông Nguyễn Bá Ân cho rằng “không ổn”: “Cơ quan quản lý đóng cửa một trang web, ngay lập tức, người ta mở ra một trang tương tự và đặt máy chủ ở nước ngoài. Tôi nghĩ rằng cần một phương pháp quản lý khác để vẫn bảo đảm an toàn, an ninh mạng, cái gì sai thì chấn chỉnh nhưng đồng thời tạo điều kiện cho người ta phát triển”.
Ông Nguyễn Bá Ân đánh giá, thực hiện Nghị quyết 19, một số lĩnh vực đã có chuyển biến rất rõ rệt, nhưng nếu các bộ ngành tự giác hơn nữa trong việc triển khai thì môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ còn chuyển biến mạnh hơn nữa.
“Sức ỳ hệ thống, cách tư duy cũ kỹ là rào cản lớn nhất và để đổi mới thì quan trọng nhất là người đứng đầu. Sắp tới, Chính phủ sẽ kiểm điểm thường xuyên hơn tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 19 cũng như Nghị quyết tiếp nối”, ông Nguyễn Bá Ân nói và cho biết, Hội đồng Quốc gia sẽ kiến nghị Chính phủ kiểm điểm theo từng tháng.