Sắp diễn ra Hội nghị Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016. Ảnh minh họa: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Hội nghị với tên gọi “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước” vào ngày 29/4 tới đây.
Truyền tải thông điệp “doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế”
Mục tiêu của Hội nghị là đưa ra thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: “doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế”, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Hội nghị đề ra các giải pháp về xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.
Hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 29/4, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh theo hai hình thức, trực tiếp (khoảng 500 đại biểu tham dự) và trực tuyến với 63 điểm cầu (gồm đại biểu là lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì Hội nghị này. Dư luận và cộng đồng doanh nghiệp rất hưởng ứng cuộc gặp gỡ này – ông Lê Mạnh Hà cho hay.
Theo ông Lê Mạnh Hà, tham dự Hội nghị có các doanh nghiệp ngoài nhà nước và các hiệp hội (300 đại biểu), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hiệp hội nước ngoài (như phòng thương mại Mỹ, Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…), doanh nghiệp cổ phần hóa và doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã. Hội nghị tập trung hướng về doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hội nghị sẽ tập trung tìm ra các giải pháp về thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Ảnh: TTVXN
Hội nghị tập trung vào hai nội dung chính là các giải pháp về thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, xác định các rào cản do cơ chế, chính sách tạo ra và giải quyết các kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh do việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, sự nhũng nhiễu, những rào cản do chính quyền và cán bộ gây ra.
Sau phiên làm việc buổi sáng, nghe về tình hình doanh nghiệp, các hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng, kiến nghị và giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, chứng kiến Chủ tịch UBND hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Buổi chiều, Thủ tướng sẽ họp với các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết các kiến nghị chưa được giải quyết trước Hội nghị và ngay tại Hội nghị. Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về doanh nghiệp với tên gọi “Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Nghị quyết sẽ được trình Chính phủ thảo luận thông tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2016.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết điểm đáng chú ý là chủ đề của Hội nghị là doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khẳng định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận của doanh nghiệp Việt Nam, thể hiện sự đối xử bình đẳng, sự quan tâm của Chính phủ với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tên gọi “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế của đất nước” đã thể hiện tinh thần Nghị quyết của Đại hội XII.
Điểm mới của Hội nghị, theo ông Lê Mạnh Hà, đó là lần đầu tiên tổ chức theo hình thức vừa trực tuyến, vừa trực tiếp. Thủ tướng đích thân mời doanh nghiệp tham dự Hội nghị.
Việc Thủ tướng sẽ họp với các Bộ, ngành ngay sau Hội nghị để giải quyết ngay các kiến nghị chưa được giải quyết, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ trong giải quyết triệt để các vấn đề của doanh nghiệp.
Cam kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với VCCI sẽ phải mang tính định lượng rõ ràng, không chung chung. Sản phẩm của hội nghị - Nghị quyết chuyên đề sẽ được chia ra các nhóm lĩnh vực như nhóm về chính sách, nhóm về thuế, hải quan, nhóm về đất đai, xây dựng, vốn… và đặc biệt là việc một bộ phận báo chí gây nhũng nhiễu, khó khăn, áp lực cho doanh nghiệp, các chi phí không chính thức của doanh nghiệp, các hình thức quyên góp, vận động doanh nghiệp…
Không để chuột sa chĩnh gạo
Đánh giá cao quyết định đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ là quyết định gặp doanh nghiệp vào cuối tháng 4/2016, cùng với việc ngày 21/4, Thủ tướng đã chỉ đạo ngừng hình sự hóa vụ chủ quán cà phê Xin Chào (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) bị khởi tố do chậm đăng ký kinh doanh, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng điều này thể hiện thông điệp rất quan trọng là Chính phủ sẽ bảo vệ doanh nghiệp.
“Một việc tưởng chừng nhỏ nhưng chứa đựng việc lớn, phát đi thông điệp về sự an toàn của môi trường kinh doanh, doanh nghiệp và người dân sẽ được bảo vệ” – ông Lộc nói.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện môi trường kinh doanh của Việt Nam không chỉ có nhiều trở ngại, nhiều điều kiện chưa thuận lợi mà còn kém an toàn, sự an toàn của môi trường kinh doanh đang là yêu cầu quan trọng được đặt ra. Niềm tin của doanh nghiệp được khẳng định trước hết bởi tính an toàn của môi trường kinh doanh và sự thuận lợi.
Nói về việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo ngòi nổ cho vụ việc này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết Thủ tướng rất quan tâm đến vụ việc. “Nếu vụ này ông bán phở bị thua sẽ đưa ra một thông điệp rất xấu cho môi trường kinh doanh, có nghĩa rằng mọi doanh nghiệp, mọi người kinh doanh đều có thể bị đi tù” – ông Hà bày tỏ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì buổi gặp mặt đại diện các doanh nghiệp Việt Nam 2016. Ảnh minh họa: Thống Nhất/TTXVN
Ông Lê Mạnh Hà nhận định các điều kiện kinh doanh hiện nay chỉ có thể đưa vào Nghị định, nhưng các Bộ đang làm rất chậm. Từ 1/7, Luật doanh nghiệp có hiệu lực, sẽ rất khó nếu không ban hành được các điều kiện kinh doanh trong các Nghị định, doanh nghiệp khó khăn, công tác quản lý cũng rất khó khăn. Khi các quy định pháp luật đan chéo nhau và chưa rõ ràng, bao giờ bất lợi cũng thuộc về doanh nghiệp.
“Tôi mong Chính phủ cương quyết với các Bộ trưởng, báo chí cũng lên tiếng để Bộ trưởng không thực hiện đúng luật, không tạo điều kiện cho kinh doanh thì Quốc hội sắp tới sẽ không bầu nữa, không làm được thì đừng bầu, đó là chế tài tốt nhất” – ông Hà quả quyết.
Trả lời báo giới về việc hiện có gần 7.000 giấy phép con trong đó có trên một nửa là không còn tính pháp lý để tồn tại bởi được quy định bằng các Thông tư mà theo Luật, các thông tư không được hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho biết từ 1/7, những điều kiện kinh doanh đó được thực hiện bởi thông tư sẽ không còn giá trị.
Hiện có một số Bộ, ngành vẫn tiếp tục ban hành giấy phép con, điều kiện kinh doanh trong thông tư, phớt lờ Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, do đó cần phải được rà soát thường xuyên để đảm bảo tính nhất quán.
Còn theo bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chính sách có nhiều nhưng còn phân tán, thiếu minh bạch, doanh nghiệp khó tiếp cận, thực thi không đi vào cuộc sống. Rà soát các loại giấy phép con cho thấy với doanh nghiệp là rừng văn bản pháp lý, bản thân cơ quan nhà nước còn thấy khó.
Nói về chi phí không chính thức – gánh nặng của doanh nghiệp, một nội dung sẽ được đề cập tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp tới đây, ông Lê Mạnh Hà cho rằng chi phí không chính thức sẽ không ngừng tăng lên nếu còn tình trạng xin cho, còn nhiều giấy phép, nhiều điều kiện phải xin.
Ông mong muốn trong nội dung cải cách thể chế đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp cũng như Nghị quyết của Chính phủ về doanh nghiệp và các chính sách đi theo giảm tối thiểu giấy phép. “Khi còn giấy phép, còn xin, rất khó để loại trừ…
Con chuột mà sa chĩnh gạo chắc chắn nó ăn, không thể để hũ gạo hớ hênh để con chuột rơi vào” – ông Lê Mạnh Hà ví von./.
Chu Thanh Vân/TTXVN