Đứng đầu danh sánh này là Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer (MSF) với kế hoạch lãi tối đa 4.250 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2013. MSF cũng là doanh nghiệp chi cổ tức “khủng” nhất tới 110% bằng tiền mặt cho năm 2013 và tạm ứng 2014. Tuy nhiên, MSF lại chưa có kế hoạch lên sàn niêm yết khiến bao nhiêu nhà đầu tư phải “thòm thèm”.
Ngược lại, doanh nghiệp đầu ngành là Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lại muốn lên sàn nhưng chưa đủ điều kiện do tỷ lệ Nhà nước nắm giữ chi phối quá lớn. Sabeco cho biết thời gian tới sẽ rất khó khăn bởi đang phải đối đầu với rất nhiều đối thủ trong ngành nhưng vẫn đặt kế hoạch lãi ròng tăng 5%, ở mức 2.621 tỷ đồng và tiếp tục duy trì cổ tức 23% như năm 2013.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đặt kế hoạch 2014 với con số khá tròn trĩnh 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm nhẹ 1% so với thực hiện năm 2013. Petrolimex cũng giảm cổ tức từ mức 12 - 14% năm 2013 xuống còn 8 - 10% năm 2014. Theo lý giải của đơn vị này là do nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm, trong khi các đầu mối kinh doanh xăng dầu phải cạnh tranh khốc liệt để chiếm thị phần sẽ ảnh hưởng lớn đến sản lượng bán ra của Tập đoàn.
Một số chỉ tiêu của 13 doanh nghiệp “nổi tiếng”
Trong 4 “ông lớn” đặt kế hoạch lãi nghìn tỷ thì chỉ mỗi Ô tô Trường Hải (THA) lên kế hoạch niêm yết từ vài năm nay nhưng vẫn chưa có thời điểm cụ thể. THA đặt kế hoạch lợi nhuận tăng mạnh tới 65% lên mức 1.851 tỷ đồng, cổ tức 12% năm 2013.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ của Phân bón Bình Điền (PhanBonBinhDien) và Thực phẩm Bích Chi (BichChi) cũng đã thống nhất với kế hoạch lên sàn trong năm nay. Riêng Đầu tư Thế giới Di động (MWG) có động thái rõ nhất là đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết gần 63 triệu cổ phiếu trên HOSE.
Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trả cổ tức năm 2013 cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ tới 372%. Chỉ riêng Nutifood không trả cổ tức cho năm 2013 mà dành để đầu tư nhà máy. Ngược lại, Miliket, BichChi và MayVietTien đều có mức cổ tức tiền mặt cao từ 30% trở lên.
Dù kết quả kinh doanh năm 2013 khả quan nhưng đa số các doanh nghiệp đều cho rằng năm 2014 sẽ khó khăn do phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Vì thế, lên sàn cũng là một cách để củng cố sức mạnh để huy động thêm vốn và tìm kiếm những đối tác chiến lược có thể hỗ trợ mình trong ngành. Tuy nhiên, đây cũng là một mối lo cho các doanh nghiệp khi niêm yết cũng đồng nghĩa với việc dễ bị thâu tóm hơn.
Đây mới chỉ là “điểm mặt” những doanh nghiệp có sản phẩm hay thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Và rõ ràng với những gì mà các doanh nghiệp này đã thể hiện thì có không ít nhà đầu tư mong mỏi được nắm cổ phần.
Theo Công lý