7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới chỉ ở mức 3,68%.
Tín dụng và nợ xấu tiếp tục là hai điểm Chính phủ lưu ý đối với Ngân hàng Nhà nước, có trong Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 13/8/2014 về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2014.
Cụ thể, tại chỉ thị trên, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu; chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận doanh nghiệp để tư vấn cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Chỉ thị cũng nêu định hướng cho nhà điều hành chính sách tiền tệ, “khuyến khích áp dụng các hình thức đánh giá tín nhiệm để tăng cường khả năng cho vay tín chấp, cơ cấu lại các khoản vay vốn lãi suất cao trước đây”.
Cuối tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản số 5342/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong văn bản đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng từ các tổ chức hoạt động chính thức, kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, qua đó nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.
7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới chỉ ở mức 3,68%. Việc khuyến khích cho vay tín chấp (trên cơ sở đánh giá tín nhiệm) là nỗ lực nữa của nhà điều hành để có thể thúc đẩy tín dụng tăng trưởng cao hơn trong những tháng cuối năm.
Theo VnEconomy