Tuy hầu hết mọi người đều đã nghe đến Angkor Wat nhưng không biết rằng đó chỉ là một ngôi đền trong quần thể lên đến hơn 1.000 đền đài. Quần thể đền đài này thực tế là thành phố cổ 700 năm tuổi với nhiều kênh rạch, lăng mộ, trải rộng trên diện tích gần 400 km2 (154 dặm vuông) nằm sâu trong rừng nhiệt đới phía Bắc Campuchia.
Đền Angkor là đỉnh cao của phong cách kiến trúc Đế chế Khmer, cai trị từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13. Trong nhiều thế kỷ, đây là kinh đô của Vương quốc Khmer đã từng cai trị phần lớn lãnh thổ Đông Nam Á.
Hơn 2 triệu du khách đã đến Angkor Wat trong năm 2014.
Ankor trải rộng trên diện tích gần 400 km2.
Đền Angkor nằm bên trong Khu khảo cổ học Angkor, gồm rất nhiều ngôi đền Khmer khác, được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 15.
Đây cũng là nơi sinh sống của người dân với sinh kế là trồng lúa nước.
Mỗi ngôi đền đều có thiết kế cầu kỳ về nhiều vị thần và về cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, ngôi đền Bayon có nhiều bức phù điêu mô tả các gia đình đang chuẩn bị bữa tối, nam giới uống rượu cùng nhau và nữ giới đang làm việc. Đền có 37 tòa tháp và được trang trí với 26 khuôn mặt.
Ta Prohm là một trong những ngôi đền hấp dẫn nhất. Ngôi đền vẫn ở trạng thái nguyên thủy và kỳ ảo một cách kỳ lạ khi ngôi đền gần như bị rừng già nuốt trọn: một vẻ đẹp kết hợp của rêu phong và rễ cây.
Angkor Wat, ngôi đền nổi tiếng nhất, thậm chí được đưa vào quốc kỳ Campuchia và là niềm tự hào của người Campuchia.
Angkor Wat được xây dựng để thờ thần Vishnu và là một trong những kiến trúc tôn giáo lớn nhất thế giới. Không giống hầu hết các ngôi đền khác trong quần thể, Angkor Wat chưa bao giờ bị lãng quên và rơi vào hoang phế.
Angkor Wat nổi bật với hơn 3.000 hình chạm khắc các nữ thần (aspara).
Angkor Thom là một công trình kiến trúc khổng lồ khác, trải rộng trên diện tích hơn 10 km2 với tường thành kiên cố và hệ thống hào xung quanh. Đây là thành phố lớn nhất thế giới trong thế kỷ thứ 12.
Các bức tượng lớn trong quần thể.
Banteay Srei có thể là một ngôi đền nhỏ, nhưng đây là một trong những ngôi đền được trang trí đặc sắc nhất, được xây chủ yếu bằng đá sa thạch đỏ - một chất pha màu được thêm vào những bức điêu khắc trang trí tỉ mỉ trên tường.
Tuy được xây dựng từ hàng trăm nay trước, song các ngôi đền đều có hệ thống thủy văn tinh vi và hệ thống kênh rạch và hồ chứa nước vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Việc phục dựng Angkor Wat bắt đầu từ khi Viện Viễn Đông Bác cổ (École Française d’Extrême-Orient - EFEO) thành lập chương trình Phục dựng Angkor (Conversation d'Angkor) vào năm 1908.
Tuy nhiên, các hoạt động này đã bị dừng lại vào thời Khmer Đỏ. Từ năm 1986 đến năm 1992, tổ chức Nghiên cứu Khảo cổ Ấn Độ (Archaeological Survey of India) tiến hành công việc phục dựng ngôi đền.
Năm 1992, sau lời kêu gọi giúp đỡ của Quốc vương Norodom Sihanouk, Angkor Wat được cho vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa của UNESCO (sau đó đã được gạch tên vào năm 2004) và di sản thế giới cùng với lời kêu cứu của UNESCO đến cộng đồng quốc tế.
Năm 1994, các phân vùng đã được thiết lập để bảo vệ khu vực Angkor. Cơ quan quản lý APSARA được thành lập năm 1995 nhằm bảo vệ và quản lý khu vực, và một điều luật đã được thông qua năm 1996 nhằm bảo vệ các di sản tại Campuchia.