“Nhưng để thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế chung thì KTTN cần phải được quan tâm và hỗ trợ thực sự từ các cấp chính quyền và từ mỗi cán bộ nhà nước đang thực thi nhiệm vụ hàng ngày”.
Theo TS Nguyễn Hồng Sơn “Mặc dù KTTN đã chứng minh được vai trò của mình trong gần 30 năm đổi mới và đã được coi là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Nhưng trong thực tế tư duy của nhiều cán bộ hoạch định chính sách vẫn còn không ít e ngại về KTTN. Cho rằng KTTN còn nhiều mặt tiêu cực, hạn chế… Chính tư duy này vẫn đang kìm hãm sự phát triển của KTTN”.
Ông có thể nói rõ hơn về về sự “e ngại” này, và tại sao lại có những “e ngại” ấy?
Sự e ngại lớn là những ý kiến lo lắng sự chệch hướng xã hội chủ nghĩa khi thực hiện chủ trương cho phép phát triển KTTN không hạn chế về quy mô trong những ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Sự e ngại này dẫn đến cơ chế, chính sách lúc mở, lúc thắt, các hành vi ngăn cấm, thậm chí hình sự hóa hoạt động kinh tế thông thường, không tạo môi trường ổn định cho phát triển KTTN.
Sự e ngại như trên là do xuất phát từ tư duy cũ của chúng ta, khi mà khái niệm “Xã hội chủ nghĩa” luôn phải gắn liền với “kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể”. Ngày nay, với khái niệm mới: Xã hội chủ nghĩa chính là “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” thì những e ngại như trên không còn cơ sở để tồn tại, vì bất kể loại hình doanh nghiệp nào, kể cả doanh nghiệp nước ngoài cũng đều có những đóng góp tích cực cho mục tiêu mà chúng ta đã đề ra.
Còn về những vi phạm pháp luật của DNTN về môi trường, VSATTP, kinh doanh chộp giật, hàng giả, hàng nhái… thì sao, thưa ông?
Cần phải thừa nhận rằng đã có một bộ phận DNNT vi phạm pháp luật và đạo dức kinh doanh như kể trên. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng không chỉ DNTN mà kể cả DNNN và các DN FDI cũng đều có những yếu kém và những sai phạm tương tự. Bất kế loại hình DN nào cũng đều tìm ra những điểm chưa rõ ràng của chính sách, của luật để tối đa hóa lợi nhuận cho mình. Nhưng các DNNN hay DN FDI khi mắc sai phạm thường để lại những hậu quả xấu cho xã hội cao hơn nhiều so với các DNTN do quy mô rất lớn của chúng. Những sai phạm được phát hiện gần đây của một số DNNN hay DN FDI đã cho thấy điều này.
Nguyên nhân sâu xa gây nên các yếu kém, sai phạm đó của các doanh nghiệp không phải xuất phát từ bản chất của hình thái sở hữu DN (tư nhân, nhà nước, hay DN đầu tư nước ngoài) mà là do môi trường kinh doanh của chúng ta còn nhiều hạn chế, rủi ro. Cơ chế chính sách vừa gây khó nhưng cũng tồn tại nhiều kẽ hở để DN lợi dụng.
Chính vì thế, dẫn đến sự bất cập trong tư duy quản lý kinh tế của nhiều cán bộ làm công tác hoạch định chính sách hiện nay là thà “xiết” nhầm còn hơn bỏ sót. Đáng lẽ nên lường trước và bịt kín các kẽ hở của cơ chế chính sách và đưa ra các chế tài xử phạt đủ sức nặng để răn đe, thì lại chủ trương tìm cách “bịt” các lối vào thị trường của DN bằng cách đặt ra các điều kiện, thủ tục khó khăn để hạn chế sự phát triển của DN.
Trong thời gian qua quan điểm của Đảng, Nhà nước cũng đã có những thay đổi đáng kế, theo hướng tạo điều kiện để DN phát triển, có đúng vậy không, thưa ông?
Đúng là đã có rất nhiều thay đổi từ các cấp lãnh đạo. Kể từ Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (2002), Trung ương Đảng đã có Nghị quyết riêng về “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, trong đó kinh tế tư nhân được coi là “một trong những động lực” để phát triển kinh tế; và đến Đại hội XII (2016), trong Báo cáo chính trị, Đảng ta đã xác định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng” để phát triển đất nước.
“Chỉ khi KTTN được đặt đúng vị trí, vai trò của nó và hỗ trợ nó một cách thiết thực, tất cả các chính sách, quy định, hành động đều vì mục đích để KTTN phát triển… thì kinh tế tư nhân mới phát triến đúng như bản chất”.
Những cam kết gần đây từ Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về một Chính phủ kiến tạo cũng như rất nhiều chủ trương, chính sách đã tạo động lực cho các doanh nghiệp, trong đó có cả các DNTN. Các Luật lên quan đến DN ban hành trong thời gian gần đây cũng đã có rất nhiều tiến bộ như khẳng định việc tôn trọng quyền tự chủ, tự do kinh doanh của DN, tạo điều kiện dễ dàng và hỗ trợ DN đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực mà Nhà nước không cấm…
Những cam kết từ người đứng đầu chính phủ là rất rõ ràng, rất nhiều hoạt động của Chính phủ đã cho thấy quyết tâm để kiến tạo một môi trường kinh doanh tốt hơn. Nhưng để cả bộ máy có thể hoạt động đúng theo chủ trương ấy, lấy cam kết ấy làm tôn chỉ thì còn là một hành trình dài. Luật đã tốt, nhưng trong nhiều văn bản dưới luật lại đưa ra nhiều điều kiện, thủ tục chi tiết gây khó khăn và hạn chế quyền tự chủ, tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo luật định.
Mặc dù KTTN đã được nhìn nhận một cách chính xác là “động lực quan trọng nhất” để phát triển nền kinh tế. Nhưng chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ khối KTTN phát triển. Việc này khiến cho khối DN này vẫn luôn bị thua thiệt trong việc cạnh tranh, cũng như tiếp cận các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để có thể bình đẳng trên thương trường trước các DNNN và DN FDI khỏe về vốn, nguồn lực cũng như các lợi thế khác.
Vậy theo ông, cần phải làm gì để tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triến đúng như bản chất của loại hình này?
Chỉ khi KTTN được đặt đúng vị trí, vai trò của nó và hỗ trợ nó một cách thiết thực. Tất cả các chính sách, quy định, hành động đều vì mục đích để KTTN phát triển.
Theo tôi, bất kỳ thành phần kinh tế nào thì hiệu quả kinh tế vẫn phải đặt lên hàng đầu. Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng chỉ tiêu GNP (Gross National Product) để đo lường sự tăng trưởng kinh tế thực sự của đất nước mình thay cho chỉ tiêu GDP (Gross Domestic Product), vì GNP bao gồm toàn bộ giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp và người dân quốc gia đó sản xuất ra, còn chỉ tiêu GDP chỉ tính giá trị hàng hóa dịch vụ sản xuất trong nước nói chung (bao gồm cả phần lợi nhuận thu được của nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài sản xuất tại quốc gia ấy). Chính vì thế, trong khi GDP của chúng ta vẫn tăng trưởng đều đặn thì người thu được lợi nhuận chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư nước ngoài.
Chúng ta cần xác định một cách rõ ràng rằng KTTN không chỉ có tiếng nói quyết định đến sức mạnh kinh tế của hầu hết các quốc gia mà còn trở thành một lực lượng kinh tế có ý nghĩa chính trị toàn cầu. Sự giàu có và thịnh vượng của quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào thái độ của toàn xã hội, đặc biệt là của Đảng và Nhà nước đối với khu vực kinh tế trọng yếu này. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng có nghĩa là bảo tồn tính đa dạng, phong phú của đời sống kinh tế, xem nó như là nguồn gốc của mọi sự phát triển.
Cụ thể hơn, những chính sách chúng ta cần triển khai là gì, thưa ông?
Thứ nhất, cần có một Nghị Quyết của Bộ Chính trị hoặc Trung ương Đảng khẳng định vai trò và quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, cùng với nó là các hoạt động tuyên truyền để thay đổi nhận thức, tư duy về kinh tế tư nhân, tư duy về quản lý kinh tế, tư duy về hoạch định và giám sát thực thi chính sách của những người làm chính sách. Thứ hai là tiến hành tổng rà soát, kiểm tra tất cả các văn bản pháp luật đã ban hành liên quan tới doanh nghiệp để gỡ bỏ rào cản không cần thiết đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ đã và đang triển khai các hoạt động liên quan đến vấn đề này, nhưng còn cần phải có thời gian để xử lý triệt để, và để tránh việc cắt giấy phép con thì nở ra giây phép cháu. Đặc biệt, một trong những việc ưu tiên là gắn trách nhiệm với người đứng đầu các cơ quan quản lý. Để họ không thể vì quyền lợi của cá nhân hay tập thể cơ quan mình mà làm ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh.
Ngoài ra cũng cần thay đổi tư duy làm luật theo hướng thông thoáng hơn, giám sát hoạt động của doanh nghiệp cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là chủ yếu. Nhà nước cần tập trung nhân lực vào hai khâu chủ yếu của quản lý Nhà nước là: Hoạch định cơ chế chính sách và giám sát việc thực thi chính sách pháp luật. Các nhiệm vụ khác như: Xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, cung cấp các dịch vụ công… nên được xã hội hóa, giao cho các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các doanh nghiệp… để giảm tải cho bộ máy nhà nước, đồng thời để các hoạt động ấy thực chất và nâng cao hiệu quả hơn.
Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, Nhà nước cần sớm nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa và các DN nước ngoài. Trước tiên các DN trong nước phải đứng vững được, rồi mới có thể lớn mạnh để cạnh tranh được với các DN nước ngoài.
Xin cảm ơn ông.
Ngày 13/4, tại Hà Nội, sẽ diễn ra hội thảo "Phát triển Kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới". Hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương, HBA và VACOD, tạp chí Thương Gia tổ chức.
Hội thảo sẽ được chủ trì bởi GS. TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA), Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD).