Tỷ suất sinh lời khi đầu tư vào giáo dục không cao, nên Đại học Quốc Gia Hà Nội cần những doanh nghiệp tâm huyết với ngành giáo dục. Nhưng với danh tiếng của mình, Đại học Quốc Gia Hà Nội cam kết mức lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Liên quan đến Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2022 của Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN), Thương Gia đã có buổi trao đổi với bà Trần Thị Thanh Tú – Trưởng ban Xúc tiến đầu tư Đại học Quốc Gia Hà Nội về những nội dung liên quan đến những dự án mà ĐHQGHN đang kêu gọi đầu tư.
Phối cảnh tổng thể Dự án khu Đô thị Đại học Quốc gia
Bà có thể giới thiệu sơ qua về quy mô dự án, cũng như các dự án thành phần mà Đại học Quốc Gia Hà Nội đang muốn kêu gọi đầu tư, để các doanh nghiệp có thể nắm rõ hơn về các dự án này được không?
Hiện nay ĐHQGHN đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 1/2000 khu đô thị ĐHQG với diện tích 1.100ha tại Hòa Lạc.
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng và ĐHQG gần đây, Thủ tướng xác định sứ mệnh của ĐHQG là xây dựng khu đô thị ĐHQG thành khu đô thị 5 trong 1, gồm (1) Trung tâm đào tạo tài năng; (2) Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; (3) Trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; (4) Đô thị đại học thông minh, hiện đại; (5) Trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo quốc tế.
Để thực hiện được sứ mệnh này, ĐHQGHN xác định sẽ xây dựng khu đô thị này dựa trên 3 nguồn lực chính.
Thứ nhất là ngân sách nhà nước để xây dựng trung tâm, viện nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực để thực hiện những đề tài nghiên cứu trọng điểm quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, hằng năm, ĐHQGHN còn có nguồn ngân sách của Chính phủ để xây dựng các khu giảng đường, phòng thí nghiệm…
Thứ hai là huy động từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế như World Bank, Jica… Hiện nay World Bank đã phê duyệt khoản vay 110 triệu USD bằng nguồn vốn ODA cho Đại học Quốc gia Hà Nội để xây dựng khu nghiên cứu liên ngành và khu nhà điều hành của ĐHQG ở khu Trung tâm.
Bên cạnh đó, trường Đại học Việt – Nhật cũng đang lập báo cáo khả thi và tiền khả thi để trình Thủ tướng phê duyệt cấp nguồn vốn của Jica, khoảng 180 triệu USD.
Thứ ba là bằng các nguồn vốn xã hội hóa.
Hiện nay ĐHQG đã có quy hoạch chung 1/2.000, chia Khu đô thị ĐHQG này thành 12 dự án thành phần, và có những dự án đã có quy hoạch 1/500.
Mục tiêu Khu đô thị ĐHQG sẽ trở thành khu đô thị trọng điểm ở phía Tây, kết nối liên thông với khu công nghệ cao Hòa Lạc và là trọng điểm kết nối với các khu đô thị ở Hòa Bình.
Khu đô thị ĐHQG sẽ là khu đô thị vệ tinh phía Tây của Hà Nội, tập trung của nguồn lực tri thức khoa học, công nghệ nghiên cứu, chuyển giao tri thức…
Đồng thời, với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Khu đô thị ĐHQG được dự báo cũng sẽ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Những dự án nào sẽ là dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa, đối tác công tư trong giai đoạn sắp tới, thưa bà?
Đầu tiên là khu ký túc xá
Hiện ĐHQG có 10 Đại học thành viên tại Hòa Lạc, dự tính tổng quy mô sinh viên của sẽ là 150.000 người. Bên cạnh đó còn có khoảng 5.000 cán bộ, giáo viên, chuyên gia… sẽ sinh sống, làm việc tại Khu đô thị Đại học Quốc gia.
Theo quy hoạch đã được, đến năm 2025, Khu đô thị ĐHQG sẽ có khoảng 150.000 người.
Do đó, nhu cầu cấp thiết hiện tại là đầu tư 2 ký túc xá cho sinh viên có thể nhanh chóng ổn định sinh hoạt để học tập.
Hiện tại, quy mô sinh viên tại ĐHQG tại Hòa Lạc là hơn 1.500 sinh viên, nhưng hơn 1 nửa vẫn phải thuê trọ ở ngoài.
Bên cạnh đó, sinh viên của trường Đại học FPT tại khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng đang có nhu cầu thuê trọ rất nhiều.
Thứ hai là khu nhà ở công vụ
Khu nhà ở công vụ sẽ dành cho các cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu đang ở xa khu Hòa Lạc. Đại học Quốc gia Hà Nội rất hoan nghênh các nhà đầu tư và sẽ có những ưu đãi đối với các nhà đầu tư quan tâm đến dự án này.
Hiện nay, nhiều cán bộ trẻ của ĐHQGHN vẫn phải ở trọ tại Hà Nội, nhưng hằng ngày phải đi 30km đi làm, do đó nhu cầu về khu nhà ở công vụ là rất cấp bách.
Thứ ba là dự án trường liên cấp.
ĐHQGHN có hệ thống trường THPT chuyên như chuyên Tự nhiên, chuyên Xã hội nhân văn… rất có uy tín đối với xã hội.
Hiện nay, ĐHQG đang tính mở thêm các trường THCS như THCS chuyên ngoại ngữ cũng thuộc hệ thống trường chuyên này.
Các học sinh của trường chuyên này tương lai cũng là những sinh viên xuất sắc của ĐHQG, đồng thời là nhân tài tương lai của đất nước.
Do đó, đầu tư vào hệ thống trường liên cấp cũng là tạo điểm nhấn, tạo nơi ươm mầm tài năng từ cấp THCS.
Hiện Đại học Quốc gia Hà Nội đã hoàn thiện giáo án giảng dạy, có đội ngũ giáo viên ổn định, lành nghề, chỉ thiếu cơ sở vật chất cho hệ thống trường liên cấp này.
Ngoài ra, trong tương lai còn có thể thu hút vốn xã hội hóa cho các khu như khu nghiên cứu R&D, khu thử nghiệm, khu chuyển giao công nghệ cho donah nghiệp vừa và nhỏ,… hay cả khu liên hiệp thể thao đẳng cấp khu vực, bệnh viện ĐHQG Hà Nội….
Nhà đầu tư sẽ được hưởng những ưu đãi gì nếu đầu tư vào các dự án này, thưa bà?
Thứ nhất, về phương án thu hồi vốn, dự án nhà ở công vụ hay ký túc xá, thì người thuê vẫn phải trả tiền thuê hàng tháng. Đó sẽ là nguồn thu cho dự án.
Với dự án trường liên cấp, trường liên cấp cũng có cả khu nội trú cho các học sinh đến ở nữa, nên đây cũng là nguồn thu cho dự án.
Nguồn thu thứ 2 của trường liên cấp là học phí của học sinh. Với trường chuyên, trọng điểm có hệ thống giáo viên đào tạo chất lượng cao, cơ sở vật chất quy mô tầm khu vực thi học phí cũng sẽ tốt hơn so các trường khác.
Về khu ký túc xá, nhà trường cũng sẽ thiết kế quy hoạch ký túc xá thành nhiều hạng phòng, đáp ứng các nhu cầu càng cao của sinh viên và đảm bảo nguồn thu tốt nhất cho nhà đầu tư.
Về mặt lý thuyết, sẽ dựa vào tình hình doanh thu, chi phí và dòng tiền để có thể thu hồi vốn cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đối tượng sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng rất đa dạng, do đó ĐHQGHN cũng thiết kế nhiều sản phẩm dịch vụ khác nhau để bù đắp chi phí cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tiêu chí vẫn luôn là đáp ứng mục tiêu phát triển của học sinh, sinh viên.
Bên cạnh nguồn thu từ ký túc xá, nhà đầu tư còn có thể đầu tư vào các dịch vụ đi kèm, ví dụ như nhà hàng, ăn uống, vui chơi, giải trí… Ví dụ một tòa nhà 15 tầng, nhà đầu tư có thể dùng 2 – 3 tầng cho các dịch vụ khác để tăng nguồn thu, còn lại chức năng chính vẫn là ký túc xá cho sinh viên.
Về phía ĐHQG, với danh tiếng và tiềm năng của mình, ĐHQG sẽ cam kết ở mức 70% doanh thu cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên còn tùy theo từng dự án, suất đầu tư cụ thể mới có thể tính toán được thời gian thu hồi vốn đầu tư.
Khi đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, chắc chắn tỷ suất sinh lợi sẽ thấp hơn so với các ngành nghề đầu tư khác. Do đó, ĐHQGHN mong muốn tìm được những nhà đầu tư có tâm huyết, sẵn sàng đầu tư vào giáo dục – sự nghiệp trăm năm trồng người của cả dân tộc.
Theo tính toán sơ bộ, với 1 khu ký túc xá chất lượng cao, thời gian thu hồi vốn sẽ khoảng 10 – 15 năm.
Hiện nay ĐHQG cũng đã làm việc với một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng ADB để có nguồn vốn cho vay ưu đãi khi doanh nghiệp đầu tư vào PPP.
Về nguồn vốn trong nước, ĐHQGHN cũng đang nghiên cứu để đề xuất các cơ quan cấp trên cũng như Chính phủ về ưu đãi vốn vay cho các nhà đầu tư đầu tư vào các dự án hỗ trợ học tập, đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Rõ ràng, khi đầu tư vào giáo dục, tỷ suất lợi nhuận thấp hơn, thời gian thu hồi vốn dài hơn, như vậy thì sự đồng hành của nhà nước đối với ĐHQGHN, đối với doanh nghiệp, sẽ rất có ý nghĩa.
Có doanh nghiệp cho biết, hiện nay có nhiều lĩnh vực chuyên môn chuyên ngành hẹp, chuyên sâu mà xã hội rất cần, nhưng chưa hề trường lớp nào đào tạo, cấp văn bằng chứng chỉ… Doanh nghiệp muốn mở những lớp đào tạo chuyên ngành này, như một phương án trả quyền lợi cho nhà đầu tư khi tham gia dự án của ĐHQGHN, nhận định của bà về ý kiến này như thế nào?
Thực tế đấy là mô hình hợp tác đào tạo giữa trường ĐH – doanh nghiệp. ĐHQG rất hoan nghênh những mô hình đào tạo như vậy để tận dụng được thế mạnh của hai bên.
Tuy nhiên, để có thể xác định được mô hình đào tạo như vậy, hai bên sẽ cần những bản thảo trực tiếp, cụ thể hơn.
Riêng về phần chúng tôi, việc kết hợp như vậy sẽ giúp sinh viên được trang bị những kiến thức, kỹ năng tốt hơn khi ra trường. Hiện nay, ĐHQG cũng đang liên kết với 1 vài ngân hàng xây dựng trung tâm đào tạo thực hành về tài chính, kinh tế tại Hòa Lạc. Sinh viên sau khi ra trường sẽ được các ngân hàng tuyển dụng luôn.
Tuy nhiên, hai bên vẫn còn phải làm việc kỹ hơn với nhau để có một bản thảo ký kết hợp tác, thỏa thuận và dựa trên nguyên tắc là quy định pháp luật và những điều khoản của Luật PPP.
Được biết, ĐHQGHN sẽ ký kết biên bản hợp tác đối với Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hà Nội - HBA, Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, bà có thể cho biết thêm về nội dung ký kết này hay không?
Việc ký kết hợp tác giữa ĐHQGHN và 2 hiệp hội là bước tiến quan trọng trong hiện thực hóa chiến lược trở thành Đại học đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN.
Đại học đổi mới sáng tạo là bước phát triển tiếp theo của Đại học nghiên cứu. Trong đó, Đại học nghiên cứu chỉ hướng đến công bố những sản phẩm đỉnh cao về tri thức. Hiện ĐHQGHN đã đạt được đến ngưỡng Đại học nghiên cứu xếp hạng 800 – 1.000 của Thế giới. Thậm chí một số lĩnh vực nghiên cứu của ĐHQGHN còn được xếp hạng 300 – 500 trên thế giới như vật lý, công nghệ nano..
Và hiện ĐHQGHN đang theo đuổi trở thành một Đại học đổi mới sáng tạo từ nay đến năm 2035.
Trong đó, mô hình kết nối với doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.
Việc ký kết giữa ĐHQGHN và 2 Hiệp hội là hợp tác toàn diện. Trên cơ sở đó, sẽ có nhiều hình thức hợp tác giữa ĐHQGHN và các thành viên của hai Hiệp hội như hợp tác xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuyển giao, xây dựng mô hình đào tạo hành nghề tại doanh nghiệp đối với sinh viên hoặc là hợp tác xây dựng các chương trình đào tạo để vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhưng cũng là cơ hội để cho cán bộ, giảng viên tiếp xúc, va chạm thực tiễn đối với doanh nghiệp.
Xin cảm ơn bà!