Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố phương án đổi mới căn bản thi cử, trong đó quan trọng nhất là tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ tuyển sinh thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây.
Cần lộ trình
Ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD - ĐT) cho biết, để thực hiện mục đích vừa xét tốt nghiệp phổ thông, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường CĐ, ĐH tuyển sinh, Bộ sẽ tổ chức Kỳ thi với đề thi theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Do đó, trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình phổ thông. Và phương án gộp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học thành một kỳ thi quốc gia chung không phải là ý tưởng mới, tuy nhiên trên thực tế những thay đổi về kỳ tuyển sinh 2015 đang khiến học trò, đặc biệt là học sinh cuối cấp 3 lo lắng vì các em chỉ còn 9 tháng để chuẩn bị.
Bên cạnh đó, việc thi ba môn Văn, Toán, Tiếng Anh (bắt buộc) cộng với một môn tự chọn và lấy điểm đó xét vào tốt nghiệp sẽ tạo áp lực rất lớn đối với những học sinh thi tuyển vào các ngành tự nhiên. Ngoài ba môn đã trau dồi từ những năm trước là Toán, Lý, Hóa, học sinh sẽ phải học thêm 2 môn Anh và Văn, tổng cộng là 5 môn.
Mặc khác, việc cho phép học sinh đăng ký vào các trường sau khi biết điểm có thể dẫn đến một số trường có quá nhiều thí sinh "ảo".
Và sự đồng bộ hơn nữa
Nhìn vào hệ thống giáo dục VN, kỳ thi đại học có lẽ là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất để giữ chất lượng giáo dục như mức hiện nay. Cho dù còn nhiều bất cập và liên tục được điều chỉnh, thay đổi trong nhiều thập niên qua, nhưng đây có lẽ là kỳ thi nghiêm túc nhất và mang tính phân loại tốt nhất. Ngược lại, các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông có lẽ là những kỳ thi hình thức nhất khi mà gần như tất cả những người dự thi đều đỗ. Vì vậy nếu không cẩn thận thì việc gộp một kỳ thi sẽ là “cuộc chiến với cối xay gió” khi mà chúng ta “dồn toa” hết vào một kỳ thi mà không giải quyết cả hệ thống ngay từ đầu”.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng: Nếu gộp hai kỳ thi thành một thì chương trình phân ban ở bậc THPT mà Bộ vừa thí điểm trở thành vô nghĩa. Hơn nữa, kỳ thi tốt nghiệp phải đạt tiêu chuẩn và các hội đồng thi không chấm khác nhau.
Đổi mới thi cử trước hết phải giải quyết được “bệnh” thành tích trong giáo dục |
Một điều đáng quan tâm nữa là việc tổ chức kỳ thi “hai trong một” ở địa phương cần cẩn trọng để tránh hiện tượng tiêu cực khi sức ép vào ĐH của phụ huynh và học sinh quá lớn. Đặc biệt với bệnh thành tích và những vấn đề tiêu cực tại các kỳ thi tốt nghiệp PTTH những năm gần đây đã được báo chí phản ánh.
Mặt khác với quy định các đại học tinh hoa sẽ tổ chức kỳ thi khác để lựa chọn thí sinh đủ năng lực phù hợp để tuyển sinh. Đó là quyết định của từng trường để lựa chọn tuyển sinh. Bộ không khống chế các trường tuyển sinh riêng. Kỳ thi này đủ tin cậy để đảm bảo mục tiêu tuyển sinh riêng của các trường thì mục tiêu giảm căng thăng áp lực và tốn kém cho các thí sinh nên được giải quyết triệt để.
Thi cử là một khâu trong quá trình học tập của một con người. Xét cho cùng thì thi cử chỉ là hình thức đánh giá chất lượng học sinh, trong khi đó yêu cầu đặt ra là đổi mới thi cử phải góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới giáo dục đào tạo. Kỳ thi rất quan trọng nhưng cũng chỉ là đánh giá năng lực học tập của một giai đoạn. Vấn đề quan trọng nhất không phải là tổ chức thi như thế nào mà là chất lượng của kỳ thi đó ra sao, có nghiêm túc, đánh giá chính xác trình độ học vấn, năng lực của thí sinh, có đáng tin cậy hay không.
Phương án đổi mới thi cử vừa được công bố là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đổi mới nền giáo dục nước nhà, vì vậy theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nên có sự đồng bộ và căn bản hơn trong đó phải gắn với đổi mới chương trình sách giáo khoa, cách dạy và học ở trường phổ thông, định hướng nghề nghiệp… và mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Muốn thực hiện tốt được điều này, không chỉ ngành giáo dục mà cả xã hội nên thay đổi tư duy về học tập và thi cử thực chất, một vị chuyên gia chia sẻ.
Đổi mới thi cử: Cần tư duy học thật, thi thật Trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng đã đồng ý sẽ tổ chức chung một kỳ thi quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc VN sẽ không còn kỳ thi vào các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) như trước đây. Khi thông tin vừa được công bố, ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Sẽ cồng kềnh trong khâu tổ chức
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ có những yêu cầu khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ có mục đích xác nhận trình độ của học sinh nên có bao nhiêu em đạt được trình độ theo yêu cầu thì bấy nhiêu em sẽ được công nhận đỗ tốt nghiệp. Còn kỳ thi ĐH, CĐ mang tính tuyển lựa, số điểm thí sinh đạt được là điểm cạnh tranh theo chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường. Mỗi trường, thậm chí mỗi ngành, đều có yêu cầu riêng trong tuyển chọn đầu vào. Do đó, dù đã có kết quả từ một kỳ thi quốc gia “2 trong 1”, nhiều trường, nhất là những trường tốp đầu, những trường có tính đặc thù đòi hỏi thí sinh phải có năng khiếu, vẫn phải tổ chức thêm một kỳ thi hoặc có thêm các hình thức kiểm tra khác như: Sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ… để chọn lựa sinh viên phù hợp với yêu cầu, đặc thù của trường. Như vậy, số lượng thí sinh và người nhà từ các địa phương di chuyển lên các thành phố lớn để lo cho kỳ thi tuyển chọn vào ĐH, CĐ sẽ kéo dài cả tháng, thậm chí là 2-3 tháng sẽ gây nên sự cồng kềnh trong khâu tổ chức thi, bố trí lực lượng thanh tra, công an, thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Giảm tốn kém, áp lực cho xã hội
Bộ GD-ĐT sẽ sửa quy chế để thí sinh có thể in kết quả điểm của mình trên mạng để mang đi xét tuyển. Các trường ĐH, CĐ sẽ kiểm tra kết quả của thí sinh có đúng hay không bằng cách tra cứu dữ liệu chung. Như vậy thí sinh sẽ đăng ký được nhiều nguyện vọng miễn là đáp ứng được yêu cầu của trường đưa ra. Mục đích của kì thi quốc gia là cung cấp dữ liệu cho các trường ĐH-CĐ để tuyển sinh. Vì thế Bộ GD-ĐT mong có nhiều trường sử dụng kết quả này để giảm tốn kém, áp lực cho xã hội và người dân. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không khống chế việc các trường tự chủ tuyển sinh riêng hoặc có thêm kì kiểm tra bổ sung bên cạnh kết quả của kì thi quốc gia. Các trường hoàn toàn có thể sử dụng toàn phần, hoặc một phần kết quả của kì thi quốc gia, tùy thuộc vào yêu cầu, đặc thù đào tạo của trường mình. Như vậy dù dự kì thi THPT quốc gia, thí sinh vẫn có thể tham dự một kì thi tiếp theo do trường muốn đăng ký nguyện vọng tổ chức nếu trường này không sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia để xét tuyển. Đối với những học sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT, nếu năm tới tổ chức kỳ thi quốc gia, các em chỉ thi những môn liên quan mà mình đăng ký xét tuyển, còn những môn không liên quan, các em có quyền không thi vì không sử dụng kết quả ấy để công nhận tốt nghiệp THPT. Vì vậy, cả về nội dung thi và cách thức sử dụng kết quả kỳ thi này đều có lợi cho thí sinh. Các em cứ yên tâm học tập, chắc chắn một kỳ thi quốc gia như vậy sẽ làm các em hài lòng hơn. |
Phan Nam thực hiện