Đây là nhận định của PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tại hội thảo VPBankS Talk 04 với chủ đề “Vững vàng vượt sóng gió” tổ chức vào ngày 16/12.
Theo ông Thế Anh, bản chất nâng hạng thị trường chỉ giống như chất xúc tác giúp các thành phần như nền tảng kinh tế phát triển ổn định, các doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận tốt... gia tăng khả năng hút vốn ngoại.
Đồng thời, trong ngắn hạn, diễn biến chênh lệch lãi suất trong nước và Mỹ, chính sách thuế quan mới của ông Donald Trump mới là những yếu tố quan trọng nhất để quyết định dòng vốn ngoại có quay trở lại Việt Nam hay không.
Giải thích thêm, vị chuyên gia cho biết, khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ thường e dè hơn trong chiến lược đầu tư khi tỷ giá tăng. Vì vậy, vốn ngoại ra/vào chắc chắn chịu tác động nhất định bởi tỷ giá.
Trong khi đó, tỷ giá USD/VND, những năm gần đây phụ thuộc chủ yếu vào 2 yếu tố gồm thâm hụt thương mại, chênh lệch mức lãi suất giữa Việt Nam - Mỹ. Và giờ xuất hiện thêm yếu tố thứ ba đó là chính sách thuế của ông Donald Trump.
Tại yếu tố đầu tiên, Việt Nam đã giải quyết rất tốt khi thường xuyên thặng dư thương mại rất lớn so với quy mô của nền kinh tế. Tuy nhiên, yếu tố thứ hai đang gặp vấn đề khá lớn.
"Chênh lệch lãi suất bị thu hẹp rất nhiều so với trước kia. Tôi mong rằng Mỹ hạ lãi suất về mức 2-3% thì tốt quá. Nhưng việc này lại phụ thuộc vào rất nhiều thứ, ví dụ như lạm phát của Mỹ có giảm nhanh không, Mỹ có giải quyết được vấn đề lao động hay không, giá nguyên liệu thế giới có ổn định hay không...", ông Thế Anh nói.
Còn về yếu tố thứ ba, ông Thế Anh chia sẻ, ngay khi chính sách thuế quan của ông Donald Trump công bố, đồng USD tăng giá, kéo theo tỷ giá USD/VND cũng tăng theo.
Lý do bởi nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng khi Mỹ áp dụng thuế quan mới sẽ giúp thâm hụt thương mại giảm trong ngắn hạn. Nhờ vậy, cung đồng USD trên thị trường ngoại hối sẽ ít đi
Mặt khác, khi áp dụng thuế quan, các nhà bán lẻ sẽ chuyển chính sách đó vào giá tiêu dùng, khiến lạm phát của Mỹ sẽ khó giảm. Muốn giữ ổn định kinh tế, Mỹ buộc phải neo cao lãi suất, hoặc việc giảm lãi suất sẽ chậm hơn. Các ngân hàng trung ương khác cũng sẽ khó giảm lãi suất nhanh vì không muốn đồng tiền của mình mất giá quá nhiều so với USD. Điều này làm giảm kỳ vọng dòng vốn từ nơi thị trường phát triển sẽ chảy về các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Thế Anh cũng cho rằng, hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có tiềm năng lớn do có nền định giá thấp, trong khi tại Mỹ lại có định giá quá cao. Như vậy, đến lúc thị trường Mỹ không còn hấp dẫn nữa, mặt bằng lãi suất giảm xuống thì dòng vốn quốc tế sẽ đảo chiều, ở cả kênh cổ phiếu lẫn trái phiếu, sang các thị trường mới nổi. Lúc đó sẽ là cơ hội hút vốn ngoại của Việt Nam.
"Nhìn chung, thị trường chứng khoán vẫn dao động trong khoảng VN-Index 1200-1300 điểm do chịu áp lực từ tỷ giá USD/VND và bán ròng. Tuy nhiên, áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài dự kiến giảm bớt cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Thậm chí lạc quan hơn chúng ta có thể nghĩ đến việc dòng vốn ngoại bắt đầu quay trở lại mạnh mẽ", ông Thế Anh nêu quan điểm.