Đại học công lập sắp như doanh nghiệp

Các trường đại học được phép tham gia góp vốn, cổ phần hóa và hoạt động như mô hình doanh nghiệp...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp giao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập, ngày 26/8.

“Không nên suy diễn việc vận hành nguyên lý thị trường là thương mại hóa giáo dục. Nhiều khi chúng ta vì thiên kiến nên cứ rụt rè, dù đúng”.

Đó là nhận xét của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại cuộc họp về giao quyền tự chủ đối với các trường đại học công lập, ngày 26/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ đối với các trường đại học công lập; dự thảo nghị quyết của Chính phủ về thực hiện thí điểm rộng hơn, mạnh hơn nữa trong giao quyền tự chủ cho các trường đại học; dự thảo đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014 - 2017 đối với 4 trường: Kinh tế Quốc dân, Kinh tế Tp.HCM, Ngoại thương và Đại học Hà Nội.

Theo đại diện lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng - một trường đại học đã thực hiện tự chủ hoàn toàn từ năm 2008, bày tỏ cơ chế tự chủ đã giúp trường có được trên 1.000 cán bộ giảng dạy có chất lượng, tạo ra một tổng tài sản hơn 1.000 tỷ đồng trong 6 năm và sinh viên ra trường được thị trường lao động chào đón. 

Cùng với Đại học Tôn Đức Thắng, các trường Đại học Bách Khoa, Ngoại Thương, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM đều biểu thị sự ủng hộ đối với việc giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các trường, đồng thời ngay trong quá trình thí điểm, cần nghiên cứu để có các đề án về tự chủ đại học và đề án tài chính đại học để đại học Việt Nam thực sự tự chủ chứ không còn phải thí điểm.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận việc ban hành nghị quyết của Chính phủ về tự chủ đại học sẽ thực sự là một bước đột phá cho giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực vì tự chủ chính là đã làm đúng và tuân theo nguyên lý thị trường, thực hiện nguyên tắc cạnh tranh để nâng cao chất lượng. 

Quảng cáo
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho hay cơ quan này đang chủ trì sửa đổi Nghị định 43 về quy chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó sẽ thay đổi cơ bản, tạo điều kiện cho các cơ sở công lập chuyển hẳn sang mô hình quản trị doanh nghiệp. 

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết nghị quyết của Trung ương và kết luận của Bộ Chính trị đã cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường đại học được phép tham gia góp vốn, thực hiện cổ phần hóa và hoạt động như mô hình doanh nghiệp, do đó không có vướng mắc gì về mặt chủ trương, quan điểm. 

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân, trong đó có giáo dục đại học thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp, song nhận thức chung cho thấy việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. 

Đặc biệt, qua thực tiễn thực hiện tự chủ của một số trường đại học với nhiều mô hình thành công và kết quả bước đầu rất đáng hoan nghênh cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học đã khẳng định đây là một chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn. 

“Tự chủ không chỉ để thực hiện được mục tiêu đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, mà quan trọng hơn là tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giúp hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, từ tự chủ về nhiệm vụ đào tạo, bộ máy tổ chức và cán bộ, tự chủ về lương, thu nhập; tự chủ về chi thường xuyên, chi đầu tư. 

Về học phí, việc thực hiện thu học phí sẽ thực hiện theo chi phí trung bình tính đủ cho việc đào tạo một sinh viên đại học công lập, đồng thời Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp học phí cho đối tượng là sinh viên nghèo, người có công, người dân tộc thiểu số và chính sách tín dụng cho vay ưu đãi đối với sinh viên thuộc đối tượng cận nghèo, khó khăn.

“Chúng ta đã có chủ trương, các văn bản quy định, thực tế cũng đã chứng minh về kết quả và tính đúng đắn, do đó, chúng ta cần tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục những khiếm khuyết; khẳng định, phát huy và mạnh dạn hơn nữa để giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, tạo điều kiện cho các trường phát triển và vươn lên”, Thủ tướng yêu cầu. 

Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao dự thảo nghị quyết của Chính phủ về thực hiện thí điểm giao quyền tự chủ cho các trường đại học để đưa ra thảo luận vào thông qua trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014 vào ngày 28/8 tới.

Theo VnEconomy
Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/