Tự hào là phi công của VNA
Là cựu phi công của VNA, đã gắn bó với chiếc máy bay và bầu trời gần 40 năm, tôi rất hiểu nỗi khổ cực, sự nguy hiểm của nghề lái máy bay, nhưng đồng thời cũng được thụ hưởng sự hãnh diện của công việc này trước mọi người.
Với những ai đã từng được vinh dự sống và làm việc ở Đoàn bay 919, họ đều rất tự hào về lịch sử 55 năm xây dựng và phát triển của nó. Nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử hào hùng của đoàn bay đã xảy ra một vụ việc đáng tiếc.
Tôi không muốn bàn đến những vấn đề về luật lệ, quyền hạn, về hợp đồng lao động hay những ràng buộc... Ở đây, tôi chỉ muốn nói cách suy nghĩ và hành xử của mỗi người.
Ai cũng thừa nhận phi công là một nghề đặc thù, nhân sự phi công là một đội ngũ “quý hiếm“, bởi vậy hàng không VN cũng đã có chế độ ưu đãi đặc biệt với phi công, chỉ với mức ưu đãi như hiện nay (chưa nói đến những mức ưu đãi theo lộ trình cho thời gian tiếp theo trong năm 2015) cũng đã là niềm ao ước của rất nhiều người có kỹ năng, có học vị ở Việt Nam.
Máy bay của Vietnam Airlines chuẩn bị cất cánh |
Trong nền kinh tế của VN hiện nay, ngoài phi công còn có biết bao nhiêu ngành nghề khác đòi hỏi những kỹ năng cao, có học vị, cũng là những nghề đặc thù, cũng đối mặt với hiểm nguy. Họ cũng là những lực lượng nhân sự "quý hiếm", cũng phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, sao không thấy họ "nghỉ ốm hàng loạt"?
Tại sao?
Chúng ta đang sống và làm việc tại VN, trong nền kinh tế của VN mà lại so sánh với mức lương của phi công của các nước phát triển trên thế giới, tôi nghĩ đó là một sự so sánh khập khiễng.
Một thực tế hiện nay, mức thu nhập của phi công VN chỉ bằng khoảng 50% so với mức lương của các phi công nước ngoài đang làm việc tại VNA. Trước khi “lãn công”, các bạn có biết vì sao lại như vậy không?
20 năm về trước, VNA của chúng ta hoàn toàn không có phi công nước ngoài. Nhưng từ khi nền kinh tế VN phát triển, tốc độ tăng trưởng của hàng không còn nhanh hơn rất nhiều so với nền kinh tế VN. Do đó, chỉ còn cách thuê phi công nước ngoài. Để thuê được một phi công nước ngoài, bắt buộc VNA phải “bấm bụng“ trả cho họ mức lương ngang bằng với mức lương của họ đang hưởng ở những nước phát triển, kèm theo một số chế độ khác. Chúng ta cũng cần nhắc lại, trong thời kỳ đầu, những phi công của VN bay cùng với những phi công nước ngoài, họ được hưởng mức lương chỉ bằng 1/15 đến 1/10 so với những phi công nước ngoài. Nhưng tất cả đều vui vẻ, họ tin tưởng trong một thời gian không xa nữa, những phi công VN sẽ làm chủ kỹ thuật và sẽ thay thế dần những phi công nước ngoài. Và thực tế đã cho thấy rõ điều đó. Trong tương lai, khi chúng ta thực hiện được “Việt Nam hóa“ đội bay của VNA thì sẽ không còn sự chênh lệch này.
Mặt khác, gần như toàn bộ phi công của VNA đều do chi phí đào tạo của Nhà nước đài thọ. Chưa nói, tất cả những tài năng cá nhân của tất cả các thế hệ phi công ở VNA từ trước tới nay đều do tập thể bồi đắp và đào tạo mà có, đó là tài sản của tập thể, chứ không phải một tài năng bẩm sinh của cá nhân nào. Chắc ai cũng biết, với một tấm bằng phi công cơ bản, nếu có đi khắp thế giới này, cũng không thể nào tìm được một chỗ làm trong một công ty hàng không nào đó tầm cỡ như VNA. Do đó, những người phi công chân chính, tự trọng sẽ không bao giờ quay lưng lại với VNA, với cái nôi đã tạo dựng nên tài năng của họ.
Một người đã nói với tôi rằng, phi công là công việc của những con người đầy bản lĩnh, tự tin và quyết đoán, nhưng cũng rất lãng mạn. Đúng vậy, nếu như thượng đế có thể thực hiện được phép màu “cải lão, hoàn đồng“, thì tôi cũng vẫn chọn trở lại nghề phi công.
Cựu phi công
(Theo LĐO)