Cuốn sách có tựa đề “The Bay Psalm Book” có nội dung là các bài thánh ca, thánh thi trong Kinh thánh. Cuốn sách nằm trong loạt sách đầu tiên được các tín đồ Thanh giáo người Anh di cư tới Mỹ in ấn hồi năm 1640 tại nơi mà ngày nay là thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ.
Mức giá khởi điểm được đưa ra là 6 triệu đô la, chỉ sau vài phút, mức giá được trả đã lên tới hơn 14 triệu đô la.
Thực tế với mức giá như vậy, đơn vị tổ chức đấu giá vẫn cảm thấy chưa
hài lòng. Ban đầu, họ đã kỳ vọng cuốn sách sẽ có giá dao động từ 15-30
triệu đô la.
Cuốn sách giữ kỷ lục về giá trước đây là cuốn sách tranh “Birds of America” của tác giả John James Audubon xuất bản hồi đầu thế kỷ 19, từng được bán năm 2010 với giá 11,5 triệu đô la.
Cuốn “The Bay Psalm Book” vừa được rao bán có giá cao tới như vậy là bởi mức độ hiếm có của nó. Loạt sách này đã biến mất khỏi thị trường trong suốt gần 7 thập kỷ qua. Vì mức độ hiếm có của nó nên khi một cuốn “The Bay Pslam Book” xuất hiện trở lại, nó ngay lập tức được các nhà sưu tầm đồ cổ săn đón.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn mang ý nghĩa lịch sử quan trọng bởi nó nằm trong loạt sách đầu tiên được in ấn tại Mỹ.
Thực tế một bộ phận không nhỏ những người dân Anh di cư tới Mỹ hồi
giữa thế kỷ 17 là những người muốn tìm được sự tự do về tôn giáo. Cuốn
“The Bay Psalm Book” là một bản dịch khác của Kinh Cựu ước, có nhiều
điểm khác biệt với cuốn kinh được lưu hành ở Anh.
Kể từ đây, những tín đồ Thanh giáo ở Mỹ có sự độc lập nhất định về tôn giáo đối với hệ thống nhà thờ Thiên Chúa ở Anh. Sự độc lập về hệ tư tưởng tôn giáo này là điềm báo đầu tiên về sự độc lập chính trị sẽ diễn ra sau đó khi người dân Mỹ thực hiện cuộc Cách mạng giành độc lập từ năm 1775-1783 để chính thức trở thành một quốc gia độc lập, không còn chịu sự cai trị của Vương quốc Anh.
Cuốn “The Bay Psalm Book” vì vậy không chỉ đơn thuần là một biểu
tượng của lịch sử in ấn Mỹ mà nó còn là một chứng nhân lịch sử, một hiện
vật quý giá gắn liền với những bước phát triển đầu tiên của lịch sử Mỹ.
Trước đây từng có 1.700 ấn bản “The Bay Psalm Book” (1640) lưu hành trên thị trường sách. Tuy vậy, đến hôm nay chỉ còn lại 11 cuốn còn được lưu giữ lại, tất cả số sách này đều thuộc quyền sở hữu của Thư viện Quốc hội Mỹ và Thư viện Đại học Harvard.
Kể từ năm 1947 trở lại đây, chưa có cuốn “The Bay Psalm Book” nào xuất hiện tại một cuộc đấu giá. Mãi cho tới gần đây, sau gần 7 thập kỷ, người ta mới tìm thấy thêm một ấn bản nữa. Ở thời điểm năm 1947, cuốn thánh kinh “The Bay Psalm Book” cũng đã giữ mức giá kỷ lục 151.000 đô la. Với mệnh giá đồng tiền thời bấy giờ, đây là một khoản tiền rất lớn.
Bích Ngọc