Ông Đức lý giải việc trồng ngô sẽ nhanh chóng đem lại lợi nhuận hơn các cây nông nghiệp khác như cao su, cọ dầu hoặc kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, kế hoạch nuôi bò cũng được Hoàng Anh Gia Lai kỳ vọng lớn vì nguồn nguyên liệu thực phẩm, sữa của Việt Nam đang thiếu.
Theo thống kê của các doanh nghiệp thực phẩm, Việt Nam mỗi ngày cần khoảng 3.000 con bò thịt, trong khi đàn bò Việt Nam hiện chỉ có 5 triệu còn nên chủ yếu phải nhập từ Australia, song lượng nhập khẩu cũng ngày càng đi xuống. Còn với thị trường sữa, các công ty nghiên cứu thị trường đều đánh giá đây là lĩnh vực tăng trưởng cao của Việt Nam (khoảng 15% mỗi năm), nhưng số lượng đàn bò sữa vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
Các chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBS) cũng nhận định việc Hoàng Anh Gia Lai chuyển sang trồng ngô là "tiềm năng" khi diện tích mía đường không thể mở rộng thêm do nhà máy đã hết công suất. Ngoài ra, hiện mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn ngô làm thức ăn chăn nuôi và thủ tục nhập khẩu khá đơn giản, không bị kiểm soát hạn ngạch như mía đường, thuế nhập khẩu cũng chỉ 5% nên đầu ra cũng khá thuận lợi. "Với thị trường đầu ra khá tiềm năng, chúng tôi cho rằng ngô sẽ là một nguồn thu quan trọng cho Hoàng Anh Gia Lai từ năm 2014, tỷ suất lợi nhuận ước tính đạt 45%", báo cáo của VPBS cho hay.
Đánh giá thận trọng hơn, chuyên viên môi giới một công ty chứng khoán phía Bắc cho biết tính thành công của dự án vẫn đang ở mức kỳ vọng, sẽ phải trông chờ vào kết quả thực tế để thấy rõ đóng góp từ mảng trồng ngô trong doanh thu công ty từ quý II/2014 trở đi. Trong khi đó, dù Hoàng Anh Gia Lai đã tìm được đối tác hỗ trợ đầu ra trong dự án nuôi bò, nhưng lĩnh vực thực phẩm cũng khá mới mẻ với doanh nghiệp này nên cần thận trọng vì chất lượng và danh tiếng là yếu tố hàng đầu.
Vingroup với thời trang, thương mại điện tử
Được xem là ông lớn trong lĩnh vực bất động sản với những trung tâm thương mại, khu đô thị, căn hộ và dịch vụ nghỉ dưỡng tại Bắc - Trung - Nam, đầu năm 2014, Vingroup thông báo mở công ty thương mại điện tử VinE-Com với lượng vốn hơn 1.000 tỷ đồng để tận dụng các thương hiệu đang kinh doanh tại các trung tâm thương mại của tập đoàn, cũng như sự phát triển của thị trường thương mại điện tử.
Những ngày cuối tháng 6, Vingroup tiếp tục thông báo mở thêm công ty kinh doanh thời trang VinFashion, vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Trước đó, tập đoàn này cũng đã ra mắt thương hiệu bán lẻ VinKC dành cho lứa tuổi thiếu nhi, trong đó có thời trang.
Kế hoạch của tập đoàn cũng gặp đôi chút thách thức khi bà Lê Thị Thu Thủy rời vị trí Chủ tịch và Tổng giám đốc của VinE-Com. Vị nữ tướng này từng có 5 năm gắn bó với Vingroup trước khi chuyển sang điều hành mảng thương mại điện tử. Bà cũng ghi dấu ấn trong việc tập đoàn niêm yết thành công 200 triệu USD trái phiếu trên sàn Singapore, huy động 200 triệu USD từ Warburg Pincus (Mỹ).
Thị trường thương mại điện tử tuy rất hứa hẹn phát triển với quốc gia có dân số trẻ và người dùng Internet ngày càng lớn như Việt Nam, nhưng các chuyên gia đánh giá thói quen thích mua hàng theo phương thức truyền thống (đến trực tiếp cửa hàng), thu nhập vẫn thấp và chính sách an ninh và bảo mật thông tin, dịch vụ hỗ trợ... chưa phát triển sẽ là rào cản với doanh nghiệp.
Kinh Đô với mì gói, dầu ăn và cà phê
Trong ngành bánh kẹo, sau gần 20 năm phát triển, Kinh Đô đang có lợi thế hơn các đối thủ trong nước khác như Bibica, Hải Hà, Tràng An.... Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng thị trường này gần như bão hòa. Với tham vọng tăng trưởng 20% một năm, trước tình hình này, hai anh em Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên (những người sáng lập nên Kinh Đô) bắt đầu lên kế hoạch phát triển sản phẩm mới, đó là mì gói, dầu ăn và cà phê.
Hiện tại, ngành bánh kẹo tăng trưởng hơn 10% một năm. Các thương hiệu đã định vị thị phần nhất định nên khó lấn sang "miếng bánh" của các đơn vị khác. Nếu muốn tăng trưởng 20-30%, doanh nghiệp phải nới rộng mảng kinh doanh, ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám đốc Kinh Đô chia sẻ tại đại hội cổ đông năm 2013.
Tuy nhiên, phải sau hơn một năm, kế hoạch lấn sân này mới được ban lãnh đạo Kinh Đô tiết lộ cụ thể. Tại đại hội cổ đông ngày 30/6/2014, ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc cho biết công ty sẽ hợp tác với Sài Gòn Vewong (đã có thương hiệu mì gói và bột ngọt A-One). Còn về dầu ăn và cà phê, Kinh đô sẽ mua cổ phần của hai công ty là Tổng công ty dầu ăn Việt Nam (Vocarimex) và Phindeli.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), chuyển sang phát triển ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (mì gói, dầu ăn) là giải pháp giúp Kinh Đô giảm phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ trong hoạt động kinh doanh cũng như tính chu kỳ của nền kinh tế. Không chỉ vậy, lĩnh vực này còn đang rất phát triển.
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới tại Nhật Bản (WINA) cho hay, Việt Nam tiêu thụ khoảng 5,4 tỷ gói, cốc mì mỗi năm, đứng thứ 4 thế giới. Quy mô thị trường này lên tới hơn một tỷ đôla Mỹ, tương đương với lĩnh vực dầu ăn. Còn với cà phê, chỉ riêng cà phê hòa tan đã đạt hơn 4.750 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 15-20%.
Là "lính mới", Kinh Đô sẽ phải cạnh tranh với nhiều ông lớn, cả nội và ngoại trên thị trường vì lĩnh vực mì gói và cà phê vốn đã được các tên tuổi lớn thâm nhập từ lâu và liên tục có những sản phẩm mới được tung ra thị trường.
Gạch Đồng Tâm với hàng tiêu dùng nhanh
Công ty Đồng Tâm do ông Võ Quốc Thắng (Bầu Thắng) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị vừa qua đã chi gần 460 tỷ đồng để mua lại 10,4 triệu cổ phiếu Kinh Đô, công ty chuyên sản xuất, kinh doanh bánh kẹo và sắp ra mắt các sản phẩm trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh (mì gói, dầu ăn, cà phê).
Đây được coi là kế hoạch khá táo bạo của Bầu Thắng vì Đồng Tâm vốn là doanh nghiệp có truyền thống trong lĩnh vực gạch men, bất động sản...
Chia sẻ trên báo chí, vị này cho biết kế hoạch đầu tư vào Kinh Đô xuất phát từ nền tảng đây là doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt, giá cổ phiếu tăng trưởng ổn định và thanh khoản cao. Ngoài ra, công ty đang có chiến lược mở rộng với nhiều ngành hàng tiêu dùng khác có tiềm năng và ít bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Song, chọn đầu tư vào lĩnh vực ngoài ngành cũng đồng nghĩa với Bầu Thắng phải chấp nhận rủi ro, song ông vẫn khẳng định có thể kiểm soát tình hình và sẽ không từ bỏ sản xuất gạch.
Vinacafe Biên Hòa với sữa, bánh kẹo
Sau khi đã có gần 50 năm kinh nghiệm trong ngành cà phê, vừa qua Công ty Vinacafe Biên Hòa thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để bổ sung ngành nghề kinh doanh sữa, thức ăn cho trẻ em và sản xuất bánh kẹo. Trước đó, doanh nghiệp này chỉ chuyên sản xuất cà phê rang xay, cà phê hòa tan, ngũ cốc.
Tuy nhiên, cuộc lấn sân này có thể có tác động từ cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), trực thuộc tập đoàn Masan hiện nắm trên 50% cổ phần Vinacafe Biên Hòa. Đây là doanh nghiệp có thế mạnh về hàng tiêu dùng, kinh doanh các sản phẩm mì gói, nước tương, tương ớt, bia...
Như đã phân tích với Hoàng Anh Gia Lai hoặc Kinh Đô, thị trường sữa và bánh kẹo đang là một trong lĩnh vực phát triển nhanh của Việt Nam với quy mô tăng trên 10% mỗi năm, bất chấp người dân đang thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, mở thêm ngành kinh doanh mới, Vinacafe cũng sẽ tận dụng được kênh phân phối rộng rãi của Masan. Tuy nhiên, với việc người dân vốn quá quen với hình ảnh ly cà phê, Vinacafe sẽ còn nhiều việc phải làm nếu bắt tay vào kế hoạch này, tương tự như Masan thời gian qua đã làm với sản phẩm bia
Theo BizLive