Cũng theo Báo cáo MEI 2014, khác với năm 2011 và 2012, năm 2014 đã chấm dứt tình trạng “dàn hàng ngang” và “trung bình đều” về điểm số giữa các Bộ ngành và giữa các chỉ số trong một Bộ. Từ góc độ chỉ số, chỉ số về hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật đã vượt lên trên các chỉ số khác để đứng đầu MEI 2014 cả từ góc độ điểm số tuyệt đối lẫn mức độ cải thiện. Cụ thể, ở chỉ số này các Bộ đã đạt điểm số 70, 46/100 điểm, cao hơn 16% so với điểm số trung bình của toàn MEI 2014, và cao hơn 40% so với điểm của chỉ số hiệu quả soạn thảo VBQPPL có thấp điểm nhất trong MEI 2014. Từ góc độ các Bộ, sự tăng điểm ấn tượng nhất trong MEI 2014 thuộc về Bộ GTVT. Bộ này đứng đầu ở Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật và dẫn đầu về mức độ cải thiện điểm số so với chính mình ở MEI 2012. Đứng đầu về chỉ số hiệu quả soạn thảo VBQPPL thuộc về Bộ KH&ĐT, xếp cuối bảng là Bộ VHTT&DL. Về chất lượng VBQPPL, Bộ NN&PTNT được chấm điểm cao nhất, kém nhất là Bộ Y tế. Về hiệu quả công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật, Bộ TT&TT với ưu thế của mình nên đứng đầu bảng xếp hạng, Bộ VHTT&DL tiếp tục đứng cuối bảng. Ở chỉ số hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, NHNN Việt Nam xếp vị trí số 1/14 Bộ. Quan sát bảng xếp hạng các chỉ số thành phần của MEI 2014 có thể thấy, Bộ Y tế, Bộ VHTT&DL và Bộ TN&MT thường xuyên nằm trong top 3 cuối bảng xếp hạng. Trong đó, Bộ Y tế liên tục đứng chót bảng về chỉ số chất lượng VBQPPL và chỉ số hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật. Bộ VHTT&DL cũng “đội sổ” ở chỉ số hiệu quả soạn thảo VBQPPL và chỉ số hiệu quả công khai thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tương tự, Bộ TN&MT “soán” ngôi này ở chỉ số hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các Bộ, ngành cần đưa thêm nhiều sáng kiến về chính sách pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh. “Hiện nay các Bộ vẫn thiên về tuyên truyền VBQPPL, điều mà các DN mong đợi là họ được thông tin về các văn bản này để biết được quyền lợi của họ ở đâu, nên làm gì và không được làm gì... để hạn chế rủi ro kinh doanh” – Bà Lan nêu khuyến nghị.
MEI 2014 phát hiện ra 2 xu hướng trái chiều liên quan đến 2 chỉ số về minh bạch là: Chỉ số hiệu quả hoạt động soạn thảo VBQPPL và chỉ số hiệu quả công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật. Xu hướng thứ nhất khá tích cực, tính minh bạch đang được cải thiện trong thi hành pháp luật, với việc điểm số tăng 16,55% so với MEI 2012. Chỉ số hiệu quả công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật có mức độ cải thiện hiệu quả đứng thứ 2 trong MEI 2014. Xu hướng thứ hai gây nhiều quan ngại, đó là tính minh bạch đang kém đi trong xây dựng pháp luật. Chỉ số hiệu quả hoạt động soạn thảo VBQPPL là chỉ số duy nhất có điểm số bình quân của các Bộ giảm so với MEI 2012 (giảm 4,16%). Trên thực tế thì hiệu quả hoạt động soạn thảo VBQPPL chưa bao giờ được đánh giá tích cực trong bảng xếp hạng MEI vì thường xuyên đứng vị trí chót hoặc áp chót khi so sánh với các chỉ số khác. “Tuy nhiên, trong bối cảnh bức tranh MEI trong tổng thể đang sáng dần lên, góc tối soạn thảo VBQPPL lại tối hơn là rất đáng suy nghĩ” – bà Trang lo lắng.
Năm 2014 là năm thứ ba Chỉ số MEI được công bố. Đây là kết quả đánh giá hiệu quả hoạt động pháp luật năm 2014 của các Bộ dựa trên phản hồi điều tra 228 hiệp hội DN cấp T.W và cấp tỉnh, đại diện cho hơn 409.000 DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên toàn quốc. MEI gồm 5 chỉ số độc lập với 5 bảng xếp hạng riêng cho các Bộ ở mỗi chỉ số thành phần, gồm: Soạn thảo VBQPPL; chất lượng VBQPPL; công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật. |