Cụ thể trong Top 5 của 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam dẫn đầu là Công ty CP Sữa Việt Nam ( Vinamilk), doanh nghiệp này đã tăng từ hạng 25 của VNR 500 năm 2014 lên 23 trong bảng xếp hạng VNR500 2015.
Thứ nhì là Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá Quý DOJI, Công ty này đã rớt từ hạng 20 xuống hạng 25 trong bảng xếp hạng VNR 500 năm nay. Trừ DOJI, các doanh nghiệp còn lại trong Top 5 của 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam đều thăng hạng trong bảng xếp hạng VNR 500 2015.
Như Công ty FPT, tăng 1 thứ hạng từ 30 lên 29. Tập đoàn Vin Group từ 36 lên 34 và cuối cùng là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát tăng từ hạng 44 lên hạng 37 trong VNR 500 2015. Hòa Phát cũng là đơn vị trong Top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam ghi nhận sự tăng hạng cao nhất khi tăng đến 7 thứ hạng chỉ sau một năm.
Còn ở khối Nhà nước, Top 5 doanh nghiệp lớn nhất gần như không thay đổi. Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn chiếm vị trí dẫn đầu, đứng thứ ba là Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam, thứ tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và cuối cùng là Tập đoàn Viễn thông Quân đội.
Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vị trí thứ nhì trong top VNR 500 năm nay.
Giải thích về sự biến động của khối doanh nghiệp tư nhân, ông Võ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Vietnam Report, đơn vị công bố bản đánh giá VNR 500 cho biết trong các năm qua, kinh tế Việt Nam có một số tín hiệu phục hồi, mặc dù vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là thách thức hội nhập. Khối doanh nghiệp tư nhân là những đối tượng chủ động tìm kiếm mở rộng cũng như cũng cố thị trường truyền thống. Nếu như trước đây chỉ có các doanh nghiệp trong ngành phục vụ, khoáng sản tài nguyên thì nay đã có các doanh nghiệp trong các nhóm mới như dịch vụ, sản xuất gia nhập danh sách các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Trong khi đó, việc không có nhiều biến động về thứ hạng ở khối doanh nghiệp Nhà nước theo ông Vinh là do Việt Nam hiện là thị trường mới nổi nên các ngành như khai thác khoáng sản, tài nguyên, ngân hàng viễn thông là những ngành đóng góp quan trọng vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam.
Được biết VNR 500 là bảng xếp hạng do công ty VietNam Report định kỳ công bố thường niên từ năm 2007 đến nay. Tiêu chí đánh giá chủ yếu dựa trên tổng doanh thu. Bên cạnh đó, các tiêu chí như lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, lao động, tài sản vá uy tín truyền thông cũng được sử dụng như các nhân tố bổ sung trong đánh giá.