Trong bức tranh hồi phục đầy hứng khởi của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn được mệnh danh là “cổ phiếu vua” đang một lần nữa khẳng định vai trò dẫn dắt. Khi dòng tiền lớn từ khối ngoại và tự doanh cùng đổ mạnh, thanh khoản đột biến và hàng loạt mã thiết lập đỉnh giá mới.
Phiên giao dịch ngày 7/7 trở thành cột mốc đáng nhớ khi cổ phiếu ngân hàng SHB bứt phá ngoạn mục với gần 250 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, mức thanh khoản lớn nhất lịch sử mã này. Đặc biệt, khối ngoại đã mua ròng kỷ lục 41 triệu cổ phiếu SHB, đẩy giá mã này chạm trần tại 13.900 đồng/cp, dư mua còn tới 16 triệu cổ phiếu.
Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu SHB đã tăng mạnh 56%, đưa vốn hóa lên gần 2,3 tỷ USD. Ngân hàng này hiện nằm trong Top 5 tổ chức tín dụng tư nhân lớn nhất với vốn điều lệ 40.657 tỷ đồng.
Đây cũng là phiên thứ tư liên tiếp khối ngoại duy trì đà mua ròng, nâng tổng giá trị mua lên tới gần 6.300 tỷ đồng chỉ trong 4 phiên, riêng ngày 7/7 là 1.259 tỷ đồng. SHB không phải là cái tên duy nhất hút tiền ngoại. CTG được mua ròng 26 tỷ đồng, VPB 21 tỷ đồng, cho thấy dòng vốn nước ngoài đang dồn dập quay lại nhóm ngân hàng.
Tự doanh cũng cho thấy sự đồng thuận với khối ngoại khi tiếp tục mua ròng 112 tỷ đồng trên HOSE, đánh dấu phiên mua ròng thứ hai liên tiếp.
Đến sáng 8/7, sắc xanh vẫn hiện diện rõ trên bảng điện tử, đặc biệt ở nhóm ngân hàng. SHB tiếp tục tăng thêm 2,16%, HDB tăng 0,64%, VIB tăng 0,53%, VCB tăng 0,85%, củng cố vững chắc đà phục hồi.

Điểm nhấn rõ ràng là từ tuần giao dịch 30/6 – 4/7, nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi nhận diễn biến tích cực vượt trội. Trong 27 mã ngân hàng niêm yết, chỉ có 4 mã giảm giá là các ngân hàng nhỏ: KLB (-2,78%), VBB (-1,98%), VAB (-1,32%) và BVB (-0,78%).
Ngược lại, đa số còn lại tăng giá đồng đều, dẫn đầu là NVB của Ngân hàng Quốc dân (NCB) với mức tăng 15,7%, trong đó riêng phiên 4/7 tăng kịch trần 9,4% lên 14.000 đồng/cp. Từ đầu năm đến nay, NVB đã tăng khoảng 60%, phản ánh kỳ vọng vào chiến lược tái cơ cấu và hiệu quả tài chính.
Không chỉ có vậy, một loạt cổ phiếu khác cũng tạo dấu ấn, HDB của HDBank tăng 3,44%, đóng cửa tại 22.550 đồng/cổ phiếu. Giá trị khớp lệnh đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng 57% so với tuần trước. Đáng chú ý, HDB là một trong những mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất, với 216 tỷ đồng.
VCB của Vietcombank đóng cửa tuần ở mức 58.400 đồng/ cổ phiếu, mức cao nhất trong gần 8 tuần. Thanh khoản cũng tăng mạnh, đạt 1.630 tỷ đồng, tăng 84% so với tuần trước. CTG của VietinBank lập đỉnh mới tại 42.700 đồng/ cổ phiếu, khẳng định vị thế trong nhóm ngân hàng quốc doanh.
Tổng thể, khối ngoại đã mua ròng mạnh nhiều cổ phiếu ngân hàng như ACB, CTG, HDB, VCB, EIB, STB. Riêng ACB dẫn đầu với 270 tỷ đồng, tiếp theo là CTG hơn 230 tỷ đồng, HDB 216 tỷ đồng.
Sau khi VN-Index vượt mốc 1.400 điểm, nhiều công ty chứng khoán đồng loạt nâng mức kỳ vọng cho thị trường trong ngắn hạn. Chứng khoán VPBank nhận định thị trường đang trong giai đoạn phục hồi mạnh khi dòng tiền tự tin quay lại. Theo VPBankS, nhóm ngân hàng chính là đầu tàu cho chu kỳ tăng giá mới, hỗ trợ chỉ số hướng lên các vùng mục tiêu 1.410 – 1.420 điểm trong vài phiên tới.
Chứng khoán SHS cũng đồng tình khi cho rằng VN-Index đang trong xu hướng tăng trưởng và kỳ vọng lên vùng giá cao nhất tháng 7/2021 là 1.420 điểm. Dù vậy, SHS cũng cảnh báo VN30 đang bước vào vùng quá mua, đòi hỏi nhà đầu tư cần kiểm soát rủi ro ngắn hạn, đặc biệt khi giao dịch ngắn hạn ở vùng đỉnh cũ.
Chứng khoán Tiên Phong lại chú ý tới yếu tố kỹ thuật, cho biết VN-Index đang hình thành mô hình “Cup & Handle” thuận, phản ánh xu hướng tăng có tính bền vững. Tuy nhiên, các chỉ báo RSI, MFI đang nằm trong vùng quá mua, nên việc điều chỉnh nhẹ (nếu xảy ra) sẽ là cơ hội giải ngân hợp lý.
Chứng khoán BIDV cho rằng VN-Index có thể tiếp tục quán tính tăng lên vùng 1.410 – 1.420 điểm trong những phiên tới. Trong khi đó, Aseansc nhấn mạnh rủi ro tăng do chỉ số RSI liên tục ở vùng quá mua, cho rằng VN-Index sẽ cần kiểm định độ bền tại vùng kỹ thuật 1.400 – 1.410 trước khi xác lập đà tăng mới. Theo Aseansc Research, nhà đầu tư nên nắm giữ vị thế hiện có, ưu tiên nhóm có câu chuyện hỗ trợ như kết quả kinh doanh quý 2/2025 tích cực và tránh các hành vi FOMO (lo sợ bỏ lỡ cơ hội).
Sự trở lại của nhóm ngân hàng với vai trò dẫn dắt không phải là ngẫu nhiên. Trong bối cảnh lãi suất huy động và cho vay ổn định ở mức thấp, các ngân hàng đang gia tăng biên lợi nhuận, đẩy mạnh tín dụng và ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý 2/2025.
Cùng với đó là làn sóng mua ròng mạnh mẽ từ khối ngoại, đặc biệt tập trung vào các ngân hàng có nền tảng tốt như VCB, ACB, CTG, HDB… cho thấy niềm tin dài hạn từ nhà đầu tư tổ chức vào nền kinh tế Việt Nam và hệ thống tài chính – ngân hàng.
Dù triển vọng thị trường tích cực, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh rằng đây không phải vùng giá “rẻ” và giao dịch cần thận trọng. Với việc VN-Index tiến sát vùng kháng cự mạnh 1.410 – 1.420 điểm, và VN30 tiếp cận đỉnh lịch sử năm 2022, nhà đầu tư nên ưu tiên giao dịch ngắn hạn và bảo toàn tỷ trọng danh mục hợp lý.
Tuy nhiên, xét trong trung hạn, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là lựa chọn chiến lược nhờ tính ổn định, thanh khoản cao, nền tảng tài chính mạnh và khả năng tăng trưởng lợi nhuận.