Bộ Thông tin truyền thông (TT&TT) khẳng định, một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của Đề án tái cấu trúc VNPT là sắp xếp lại hai mạng di động. Vì vậy, Bộ TT&TT chỉ đạo VNPT trong quá trình tái cơ cấu phải giữ vững và phát huy các thương hiệu viễn thông VinaPhone, MobiFone đã có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ TT&TT) nhấn mạnh: "Thị trường viễn thông của chúng ta cạnh tranh và người dân được nhờ. Thế nhưng, về nguyên tắc mà nói thì một chủ sở hữu không nên tổ chức các đơn vị cạnh tranh trong một chủ sở hữu. Nói nôm na là cạnh tranh của Việt Nam như ông bố cho 3 con ra ở riêng. Thậm chí, 3 đứa con ra ở riêng nếu hoàn toàn tự chủ về tài chính thì khác, bố không can thiệp vào tài sản của con nếu cạnh tranh. Đằng này ông bố của chúng ta lại vẫn can thiệp, vẫn làm chủ khối tài sản, vẫn là chủ sở hữu của cả 3 đứa con, vì vậy nên thị trường chỉ có doanh nghiệp Nhà nước, 1 chủ sở hữu nên phải nói là chưa hoàn chỉnh, cạnh tranh chưa hoàn chỉnh. Bởi lẽ rằng đùng một cái ra quyết định hành chính cho EVN Telecom nhập vào Viettel. Đấy là quyết định hành chính, không phải là thị trường… Phải nói thẳng ra là nếu thị trường viễn thông có doanh nghiệp không phải của Nhà nước thì rõ ràng trong hoạt động kinh doanh người ta sẽ chú ý hiệu quả hơn nhiều. Còn các doanh nghiệp Nhà nước nhiều khi không chú ý hiệu quả".
Ông Mai Liêm Trực bày tỏ chưa hài lòng vì tiến độ cổ phần hóa quá chậm và không thể có các thành phần kinh tế khác thâm nhập vào mảng dịch vụ thông tin di động. "Chúng tôi có kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cổ phần hóa MobiFone từ 2005 - 2006 nhưng suốt 6, 7 năm nay không làm được. Đến giờ thị trường vẫn cứ 95% là của Nhà nước".
"Bây giờ cả thế giới đang tiến hành tái cấu trúc chứ không riêng gì ta. Khi thị trường thay đổi, cơ chế thay đổi, toàn cầu hóa thay đổi thì họ tái cấu trúc, trước hết là tái cấu trúc sản phẩm, chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Việc tái cấu trúc doanh nghiệp thì tự thân doanh nghiệp làm. Nhưng đứng về tầm quản lý nhà nước, tôi nghĩ rằng tái cấu trúc trên phạm vi quốc gia ảnh hưởng đến quốc gia, đến người tiêu dùng và có thể Nhà nước thì tôi nghĩ rằng phải tập trung vào tập trung tái cấu trúc VNPT là đúng chứ không đi sâu vào tái cấu trúc từng doanh nghiệp vì đó là việc của từng doanh nghiệp, nên để các doanh nghiệp tự làm", ông Mai Liêm Trực phân tích tiếp.
Ông Mai Liêm Trực cũng đề nghị Bộ TT&TT phải xác định rõ rằng nếu Chính phủ phê duyệt việc tách MobiFone ra khỏi VNPT thì phải gắn liền việc chia tách với việc cổ phần hóa MobiFone, việc lẽ ra phải làm từ 7 – 8 năm trước. Không nên đặt mục tiêu thành lập 1 tổng công ty mới mà phải là cổ phần hóa MobiFone, tránh chuyện tách MobiFone thành 1 tổng công ty Nhà nước. Nếu cứ để cả 3 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất đều là doanh nghiệp Nhà nước cả thì thị trường sẽ khó cạnh tranh lành mạnh và hoàn chỉnh.
Đồng quan điểm phải gắn liền cổ phần hóa MobiFone với việc tách doanh nghiệp viễn thông này khỏi VNPT, TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích thêm một nguyên nhân tại sao phải cổ phần hóa MobiFone. "MobiFone phải cổ phần hóa để tìm các nhà đầu tư chiến lược có năng lực công nghệ tốt, gây áp lực cạnh tranh cho 2 doanh nghiệp còn lại, buộc các doanh nghiệp phải cung cấp dịch vụ tốt hơn. Đối với MobiFone thì câu chuyện cổ phần hóa và đối tác là câu chuyện quan trọng nhất", TS. Võ Trí Thành nói.
Ông Phạm Hồng Hải Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, về thời hạn triển khai cổ phần hóa MobiFone nếu được phê duyệt, ông Phạm Hồng Hải cho biết, trong một lần họp với Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nếu để 3 năm là quá dài. Còn ông Võ Trí Thành thì cho rằng, thông điệp Thủ tướng trong năm nay chỉ có 1 tập đoàn, tổng công ty 91 cổ phần hóa. Vì vậy, trong năm nay hơi khó để cổ phần hóa xong MobiFone và hy vọng việc này sẽ tiến hành xong trong vòng 2 năm.
Trao đổi với ICTnews về vấn đề tiến độ tái cơ cấu VNPT, Cục Viễn thông cho biết hiện đang chờ phê duyệt của Chính phủ. Trong khi chờ đợi Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu VNPT, có khá nhiều đơn vị thành viên của VNPT cho biết, việc chờ đợi này ảnh hướng đến tâm lý làm việc của người lao động và cả chiến lược phát triển của mỗi đơn vị.