Với qui mô vốn rất lớn và hiệu quả kinh doanh còn thấp, khả năng bán cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO) của 3 Genco này xem ra rất khó khăn.
Ảnh minh họa.
Sau một thời gian chững lại khó hiểu với hoạt động cổ phần hóa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang chuẩn bị thực hiện cổ phần hóa với 3 tổng công ty phát điện (Genco 1, Genco 2, genco 3) rất lớn trực thuộc tập đoàn này.
Nhưng với qui mô vốn rất lớn và hiệu quả kinh doanh còn thấp, khả năng bán cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO) của 3 Genco này xem ra rất khó khăn …
Nhiều yếu tố không thuận
Theo EVN, hiện nay, EVN đã hoàn thành cổ phần hóa tất cả các đơn vị phụ trợ, bao gồm 31 đơn vị thành công ty cổ phần, trong đó có 7 công ty phát điện và 1 công ty điện lực tỉnh (Khánh Hòa). Nhưng, hiện EVN vẫn còn nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 9 tổng công ty hoạt động trong ngành nghề kinh doanh điện là 3 tổng công ty phát điện (Genco), Tổng công ty Truyền tải điện và 5 tổng công ty điện lực khác.
Việc cổ phần hóa 3 Genco nói trên, theo EVN, sẽ thực hiện theo lộ trình: hoàn thành cổ phần hóa một Genco trong năm 2015 và 2 Genco còn lại trong năm 2016 nhằm tạo điều kiện cho việc hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Tuy nhiên, cổ phần hóa 3 Genco nói trên thực sự là một thách thức. Trước hết vì qui mô, vốn tài sản...của 3 tổng công ty này quá lớn và không dễ để thị trường mua hết, dù chỉ là một phần vốn bán ra của chúng.
Tính đến 31/3/2014, vốn chủ sở hữu ở Genco 1 là 13.858 tỷ đồng, Genco 2 là 10.272 tỷ đồng và Genco 3 là 12.327 tỷ đồng. Tổng tài sản của cả 3 Genco lên tới 172.663 tỷ đồng (Genco 1: 64.977 tỷ đồng, Genco 2: 28.934 tỷ đồng và genco 3: 78.751 tỷ đồng).
Một quan chức của Cục Điều tiết điện lực cho biết, lo nhất là sẽ khó bán hết với lượng cổ phần lớn như vậy vì thực tế, ở Trung Quốc, nhiều tổng công ty điện lớn đã cổ phần hóa không thành công vì vấn đề vốn quá lớn, thị trường không hấp thụ nổi.
Nhưng vấn đề không phải chỉ là vốn lớn. Vốn lớn mà kinh doanh hiệu quả, có lợi nhuận cao thì nhà đầu tư vẫn quan tâm đầu tư như đã từng đầu tư vào Điện lực Khánh Hòa. Nhưng nhìn vào kết quả kinh doanh của cả 3 tổng công ty phát điện này, chưa thấy đơn vị nào thực sự hiệu quả.
3 Genco trên vay vốn rất lớn, chỉ có Genco 1 có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,98 còn tỷ lệ này ở Genco 1 là 4,08 và của Genco 3 là 6,37- một tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu quá cao so với nhiều tổng công ty nhà nước khác.
Nhìn vào kết quả sản xuất, kinh doanh của 3 Genco trong năm 2013, người ta ghi nhận cả 3 đơn vị đều có lãi: lợi nhuận sau thuế, hợp nhất của Genco 1 là 305 tỉ đồng; của Genco 2 là 2.523 tỉ đồng và Genco 3 là 283 tỉ đồng.
Nhưng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của Genco 1 và 3 đều là 2,2%; chỉ có Genco 2 đạt cao nhất: 22,8%. Nhưng các khoản lợi nhuận trên đều chưa tính lỗ do chênh lệch tỷ giá, nếu tính đầy đủ chênh lệch tỷ giá, cả 3 tổng công ty này đều lỗ.
Cho đến hết quý I năm 2014, tình hình kinh doanh của 3 tổng công ty trên cũng tương tự: nếu tính cả chênh lệch tỷ giá thì cả 3 đều lỗ.
Cách nào?
Một trong những yêu cầu lớn của việc cổ phần hóa 3 tổng công ty của EVN là nhằm huy động vốn bởi theo tính toán, yêu cầu đầu tư rất lớn nhưng tổng số vốn chưa cân đối được của 3 tổng công ty này, tính đến năm 2019 lên tới trên 29.000 tỷ đồng.
Theo lời một cán bộ của Bộ Công thương, việc cổ phần hóa với 3 Genco sẽ không thể dừng được vì đã nằm trong quyết định, yêu cầu của Chính phủ.
Nhưng ông này cũng thừa nhận có rất nhiều khó khăn như tỷ suất sinh lời thấp; cơ cấu bộ máy chưa hợp lý, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn; thiếu nguồn nhân lực chất lượng; cơ chế vay vốn chưa thuận lợi...cho nên, để cổ phần hóa thành công 3 Genco là phải giải quyết cơ bản được những yếu kém này.
Theo ông này, hiện nay, khả năng cổ phần hóa 3 tổng công ty trên sẽ đi theo hướng, tập trung làm IPO cho một Genco thành công trước sau sẽ thực hiện IPO với các tổng công ty còn lại.
Tuy nhiên, việc cổ phần hóa 3 tổng công ty lớn trên cũng có những điểm thuận lợi. Thứ nhất , đó là những tổng công ty không thuộc diện nhà nước cần phải nắm giữ 100% vốn điều lệ nên có thể mạnh tay bán cổ phần cho đối tác chiến lược, nhà đầu tư với tỷ lệ cao để họ có thể tham gia điều hành; là những tổng công ty nắm trong tay nhiều nhà máy điện lớn, đặc biệt là thủy điện, có khả năng sinh lời cao...Giá điện đang có xu hướng được điều chỉnh tăng theo lộ trình trong những năm tới, đảm bảo khả năng có lãi về dài hạn.
Theo tiến sĩ Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, việc cổ phần hóa các đơn vị, doanh nghiệp của EVN bị chững lại trong mấy năm qua là điều rất đáng tiếc và theo ông, có những rào cản, lợi ích làm chậm tiến trình này.
Cho nên, với việc cổ phần hóa các tổng công ty phát điện lần này của EVN, ông Long cho rằng, cần xúc tiến để hình thành nên những đơn vị điện lực không phụ thuộc vào EVN để tạo nên những yếu tố mới thúc đẩy việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh.
“Cho dù có những yếu tố không thuận như qui mô vốn lợi, hiệu quả kinh doanh chưa cao...nhưng theo tôi, vẫn nên xúc tiến, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các Genco này. Nhìn vào việc cổ phần hóa Công ty Điện lực Khánh Hòa trước đây, chúng ta đã thấy dù trước đó đơn vị này chưa thực sự hiệu quả nhưng sau cổ phần hóa, gần như lột xác, biến thành một công ty đại chúng, hiệu quả kinh doanh rất cao.
Cho nên, theo tôi, cứ đẩy mạnh cổ phần hóa các Genco này đi sẽ đưa hoạt động của chúng vào thực chất, đảm bảo sự minh bạch, lành mạnh, quản lý tốt hơn sau đó, có thể tiến hành cổ phần hóa tiếp các tổng công ty khác, thậm chí là các tổng công ty phân phối điện cũng nên làm”, tiến sĩ Trần Đình Long nói.
Theo BizLive