Việc người Việt dùng hàng Việt nên là một quá trình tự nguyện đến từ người dân, người tiêu dùng. Ảnh T.L
Đầu tiên, UBND huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh ra văn bản, gửi tới chủ tịch UBND các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, nhà hàng… trên địa bàn huyện, đăng trên cả website của huyện yêu cầu phải đẩy mạnh tiêu thụ bia Sài Gòn và nước khoáng Sơn Kim.
Ở cấp cao hơn, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cũng cho đăng trên website một công văn yêu cầu UBND các cấp huyện xã, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, cán bộ, công chức… trên địa bàn tỉnh sử dụng bia Hà Nội, bia Sài Gòn, bia Vida.
Hay việc Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành phải sử dụng sản phẩm của nhau.
Tất cả những cách làm này, đều có một điểm sai, trái rõ ràng là vi phạm nguyên tắc về phân biệt đối xử hàng hóa, theo các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam. Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), là không phân biệt, đối xử hàng hóa, dịch vụ mà Việt Nam khi đàm phán gia nhập là phải cam kết tuân thủ.
Cho nên, mọi văn bản, quy định của nhà nước như các văn bản của Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân các cấp…không được thể hiện yêu cầu doanh nghiệp, người dân, cơ quan chính quyền phải tiêu dùng sản phẩm của một doanh nghiệp nào đó.
Cho nên, hiện nay, việc khuyến khích, kêu gọi sử dụng hàng Việt nếu do các tổ chức xã hội dân sự như Mặt trận Tổ quốc, Câu lạc bộ Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam…thực hiện thì không vi phạm quy định của WTO và các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các nước (như với ASEAN) và thực tế, cuộc vận động “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đang được các tổ chức này thực hiện khá tốt.
Các văn bản của Bộ Công thương, của UBND tỉnh Nghệ An, của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) không chỉ vi phạm cam kết quốc tế của Việt Nam mà ngay với doanh nghiệp trong nước, nó cũng mang tính chất phân biệt, ngăn chặn các doanh nghiệp Việt Nam khác tham gia cạnh tranh cung ứng sản phẩm, dịch vụ, phá vỡ môi trường cạnh tranh trong ngành công thương và trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ở huyện Kỳ Anh.
Nếu hiện tượng này mở rộng ở các ngành, các địa phương khác thì điều này rất nguy hại cho môi trường cạnh tranh chung và Việt Nam có thể bị kiện, hàng hóa của Việt Nam cũng bị phân biệt, đối xử ở các nước khác.
Riêng các văn bản của UBND tỉnh Nghệ An và của huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, yêu cầu đẩy mạnh, khuyến khích uống bia…còn vi phạm quy định về chống quảng bá bia rượu của ngành y tế.
Cho nên, dễ hiểu vừa qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã lên tiếng cho rằng, các văn bản như vậy là không hợp pháp và yêu cầu các cơ quan ban hành phải nhanh chóng bãi bỏ.
Do đó, Bộ Công thương, UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Kỳ Anh cần ngay lập tức thu hồi các văn bản nói trên. Chính phủ, Bộ Tư pháp cần có chỉ đạo, yêu cầu các ngành, các địa phương lưu ý, không soạn thảo, ban hành những văn bản quy phạm có nội dung tương tự.
Việt Nam đang đàm phán gia tham gia Hiệp định Các đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định Thương mại tự do với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…để hội nhập sâu rộng hơn nữa vào kinh tế thế giới. Việc ra đời và tồn tại những văn bản này sẽ gây bất lợi cho quá trình đàm phán của Việt Nam.
Theo BizLive