Hôm qua (22/1), tại diễn đàn “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”, tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng
“Tôi cho rằng khoảng 5 - 7 năm nữa, khi một số nước ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia... cũng gia nhập TPP, EU nối lại đàm phán FTA với ASEAN và nếu FTA giữa EU với ASEAN được ký kết thì lợi thế hiện nay của Việt Nam với các nước ASEAN chưa gia nhập TPP hay chưa ký FTA với EU sẽ không còn nữa”, ông Thành cảnh báo. Do đó, để tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại, người dân, doanh nghiệp rất kỳ vọng vào những người lãnh đạo đất nước sẽ được bầu ra ở Đại hội Đảng XII.
Đồng tình với ông Thành, ông Claudio Dordi, tư vấn trưởng dự án Eu-Mutrap, cho rằng với EVFTA, giày dép xuất khẩu của Việt Nam sẽ có lợi thế về thuế hơn Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia, Ma Rốc...; dệt may Việt Nam cũng sẽ được hưởng thuế suất thấp hơn Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh...
Tuy nhiên, đáng tiếc là thương mại dịch vụ của Việt Nam còn yếu kém nên chưa dễ giúp thúc đẩy, hỗ trợ xuất khẩu. “Trên thế giới, thương mại dịch vụ thường chiếm khoảng 20% nhưng Việt Nam chỉ dưới 10%”, ông này nói.
Cũng theo ông Claudio Dordi, trong việc thúc đẩy xuất khẩu vào EU sau khi đã ký EVFTA, Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc, yếu kém nội tại chưa dễ giải quyết, như khó khăn trong việc tuân thủ các quy tắc về xuất xứ, nhất là hàng dệt may, đồ gỗ... “Có những vấn đề mà các FTA không giải quyết được như các sản phẩm phi thực phẩm nguy hiểm. EU có hệ thống cảnh báo an toàn thực phẩm, thức ăn gia súc... rất nghiêm ngặt mà trước nay có nhiều sản phẩm của Việt Nam bị ngăn chặn, cảnh báo rồi. Nếu doanh nghiệp của Việt Nam không chú ý, cải thiện chất lượng, an toàn thực phẩm thì dù có ký EVFTA cũng không dễ tận dụng được lợi thế cạnh tranh mà hiệp định này đem lại”, ông Claudio Dordi cảnh báo.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, TPP và EVFTA là 2 hiệp định đặc biệt quan trọng và giá trị cho Việt Nam nhưng đáng tiếc là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam quy mô rất nhỏ, yếu kém, công nghệ lạc hậu nên khả năng tận dụng cơ hội từ các hiệp định trên kém và bất lợi trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài.
Để các doanh nghiệp SME tận dụng cơ hội, phát triển, Chính phủ cần có những giải pháp như phân bổ nguồn lực công bằng hơn cho doanh nghiệp tư nhân; hỗ trợ, thúc đẩy về chính sách: vốn, đất, công nghệ..., đảm bảo môi trường bình đẳng, cạnh tranh; biến khu vực tư nhân thành động lực chính để hiện đại hóa nền kinh tế.