Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN: Bước tiến quan trọng

Cơ chế một cửa quốc gia cũng như Cơ chế một cửa ASEAN là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết 19/NQ - CP năm 2015 của Chính phủ nhằm giảm thời gian làm thủ tục thủ tục thông quan hàng hóa, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho doanh nghiệp và xã hội, góp phần đưa Việt nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và quốc tế.
Lễ công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa Asean. Nguồn: internet
Lễ công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa Asean. Nguồn: internet

Thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức điện tử

Cơ chế một cửa quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì và chính thức triển khai từ cuối năm 2014. Cơ chế một cửa quốc gia theo định nghĩa tại Luật Hải quan 2014 và các điều ước quốc tế là việc doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước thực hiện thủ tục hành chính để cấp phép và thông quan cho hàng hóa và phương tiện vận tải trên hồ sơ điện tử, giấy phép điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống công nghệ thông tin chuyên ngành. Việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành (như kiểm tra chất lượng, kiểm định, kiểm nghiệm...) do các Bộ, ngành thực hiện và kết quả kiểm tra chuyên ngành, giấy phép được kết nối và gửi trực tuyến cho Cổng thông tin một cửa quốc gia để cơ quan hải quan và các cơ quan hữu quan thông quan cho hàng hóa và phương tiện vận tải.

Đến nay, Việt Nam đã chính thức thực hiện Cổng thanh toán điện tử tại 34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố; ngành Hải quan cũng đã cung cấp 181 dịch vụ công trực tuyến trong đó có 167 dịch vụ liên quan đến thủ tục hành chính. Việc triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VCIS đã giúp giảm thời gian thông quan; 100% quy trình, thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên toàn quốc. Tính đến ngày 15/3/2016, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 09 Bộ. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính), 28 thủ tục hành chính của 08 Bộ còn lại đã được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số bộ hồ sơ là 55.026 bộ.

Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với 11 Bộ, ngành có liên quan triển khai, thực hiện rà soát, ban hành quy trình kiểm tra chuyên ngành. Đã tổ chức thành lập các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành từ 2 ngày xuống còn 1 ngày. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tăng cường trang thiết bị, máy móc kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan. Hiện nay, đã trang bị 11 hệ thống máy soi container; 97 máy soi hành lý, hàng hóa; 19 hệ thống camera và hệ thống, thiết bị an toàn phóng xạ, các trang thiết bị kiểm tra, giám sát…

Đối với khu vực và quốc tế, từ tháng 9/2015, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối kỹ thuật thành công với 04 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN; sẵn sàng để chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực trong năm 2016.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc nắm bắt thông tin, giải quyết thủ tục xuất nhập hàng hóa nhanh gọn là rất quan trọng. Nếu như trước đây, việc giải quyết thủ tục hải quan, xác minh hàng hóa cần phải mất vài tháng, thì việc kết nối thông tin một cửa quốc gia cũng như khối ASEAN đã đem đến những thuận lợi thiết thực. Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức, người dân không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính trước khi hàng hóa, phương tiện được thông quan, góp phần giảm bớt phiền hà, tiêu cực; chi phí chuẩn bị hồ sơ được giảm bớt, thời gian chuẩn bị hồ sơ được rút ngắn do chỉ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ điện tử để gửi cho tất cả các cơ quan liên quan thay vì phải sao lục nhiều lần; thời gian thông quan cũng được rút ngắn do các cơ quan nhà nước không phải mất nhiều thời gian để kiểm tra, đối chiếu hồ sơ giấy mà việc này đã có hệ thống tự động hỗ trợ; tính chính xác, độ tin cậy của thông tin và hồ sơ được đảm bảo vì ít có sự can thiệp của con người nên hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước cũng được nâng cao.

Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, báo cáo kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan cho thấy, các doanh nghiệp đã có phản hồi tích cực về việc tiếp cận thông tin pháp luật về thủ tục hải quan; thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan; sự phục vụ của công chức hải quan và kết quả giải quyết công việc. Tuy vậy, về mặt số lượng, các thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia hiện nay mới đạt gần 30% so với tổng số các thủ tục hành chính cấp phép cho hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh.

Triển khai Cơ chế một cửa giai đoạn 2016 - 2020

Để tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia theo Nghị quyết 19/NQ-CP về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 36a/2015/NQ-CP về chính phủ điện tử với mục tiêu chủ yếu là đưa toàn bộ các dịch vụ công chủ yếu tác động đến doanh nghiệp, tổ chức tham gia hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh và quá cảnh lên thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến năm 2018 tất cả các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu, XNC của các Bộ, ngành phải được thực hiện thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia ở cấp độ 4.

Nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam trong hoạt động xuất nhập khẩu, Bọ Tài chính đề ra kế hoạch phấn đấu đến năm 2017 sẽ chính thức thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi một số chứng từ điện tử bên cạnh chứng nhận xuất xứ hàng hóa với các nước thành viên đã sẵn sàng theo lộ trình chung của ASEAN. Đến năm 2018, cung cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng nhận kiểm dịch động/thực vật, giấy phép rời cảng cho tàu biển điện tử cho các quốc gia có nhu cầu kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam; thí điểm trao đổi ít nhất một loại chứng từ điện tử do cơ quan nhà nước cấp với một đối tác thương mại của Việt Nam để tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đến năm 2020, mở rộng trao đổi một số loại chứng từ điện tử trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, gia nhập để tạo thuận lợi cho giao lưu hàng hóa giữ Việt Nam với các đối tác thương mại quốc tế.

Trong thời gian tới, ngành Hải quan cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đó đảm bảo Hệ thống VNACCS/VCIS vận hành ổn định, bền vững, mở rộng thực hiện thanh toán điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, tiến tới kết nối cơ chế một cửa ASEAN... Đồng thời, nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container, kiểm tra cổng cảng và bổ sung máy soi container, máy soi hàng hóa; công khai hóa tiêu chuẩn áp dụng, đơn vị thực hiện kiểm tra, thời gian và chi phí đối với từng mặt hàng cụ thể.

Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về quản lý chuyên ngành; sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thống nhất và quy định về tiêu chuẩn, phương thức kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa; đầu tư trang bị và nhân lực tương xứng với nhiệm vụ quản lý. Bên cạnh đó hướng dẫn việc công nhận, chứng nhận kiểm tra của những quốc gia, khi vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao và của những nhà sản xuất với các nhãn hiệu nổi tiếng đã được quốc tế thừa nhận.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chứng từ hồ sơ điện tử, không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình bản giấy về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu; bổ sung quy định về phạm vi và số lượng các thủ tục hành chính tham gia vào Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN góp phàn vào hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN; tích cực chia sẻ kết nối dữ liệu phục vụ phân tích hồ sơ quản lý hành khách XNC, dữ liệu định vị ô tô, tàu biển, vận đơn hàng không.



Theo Tạp chí Tài chính


Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/