Điểm nhấn Việt Nam
Cho tới thời điểm hiện tại, đã có 7 nước thành viên bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia theo đúng cam kết. 5 nước thành viên bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã sẵn sàng cho việc kết nối Cơ chế một cửa ASEAN từ tháng 12/2015.
Từ giữa tháng 8/2015 tới giữa tháng 9/2015, trong khuôn khổ Dự án thí điểm Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã lần lượt thực hiện thành công kết nối kỹ thuật và trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giữa Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam với Cơ chế một cửa quốc gia của các nước thành viên bao gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Theo kế hoạch, đến hết tháng 10/2015, toàn bộ 5 nước thành viên bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ hoàn tất kết nối kỹ thuật để sẵn sàng kết nối đầy đủ vào tháng 12/2015.
Thời gian qua, bên cạnh cam kết hội nhập khu vực, xuất phát từ nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư và kinh doanh, đảm bảo vị thế của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã xác định cần nhanh chóng cải cách các thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực, coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ trong giai đoạn hội nhập. Trong đó, việc thực hiện thành công Cơ chế một cửa quốc gia như là một công cụ chính của các cơ quan Chính phủ trong tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải quốc tế; sớm kết nối Cơ chế một cửa ASEAN đã được các cấp Lãnh đạo Chính phủ quan tâm theo dõi sát sao và có những chỉ đạo hết sức quyết liệt.
Với vai trò là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia các nhóm làm việc của ASEAN trong khuôn khổ triển khai Cơ chế một cửa ASEAN ngay từ thời điểm xây dựng dự thảo Hiệp định, Nghị định thư và đưa nội dung của các điều ước này vào thực hiện khi được Chính phủ các nước thành viên phê chuẩn. Hiện, nhiều nước thành viên, trong đó có Việt Nam, đã hoàn thành rà soát pháp lý và nội luật hóa các quy định để triển khai Cơ chế một cửa ASEAN. Các nước thành viên cũng đã ký Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, nền tảng pháp lý hoàn chỉnh để Cơ chế một cửa ASEAN chính thức vận hành trong năm 2015.
Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm Trưởng ban nhằm chỉ đạo triển khai các cơ chế này. Tổng cục Hải quan được giao nhiệm vụ là Cơ quan thường trực giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã đề xuất, bổ sung nhiều văn bản pháp luật phù hợp với cơ chế một cửa, với yêu cầu phát triển và các cam kết quốc tế; đã hoàn thành kết nối với cơ chế một cửa quốc gia đối với 9 bộ, ngành có nhiều thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của Việt Nam. Đặc biệt sau một thời gian tích cực chuẩn bị, phối hợp, từ ngày 8/9/2015, Việt Nam chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN với 4 nước trong khu vực là Singapore, Indoneisa, Malaysia và Thái Lan, được coi là bước đột phá quan trọng và là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Lễ Công bố chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN hôm 8/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là một cơ hội lớn để các Bộ, ngành đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho DN và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại và vận tải quốc tế. Việc chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết giữa các Nguyên thủ các nước ASEAN về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, kết nối và thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại nội khối đảm bảo phát triển bền vững và củng cố vị thể của ASEAN trong giao dịch mại với các đối tác ngoại khối. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN là bước đi cần thiết thể hiện cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng DN về một nền hành chính cải cách, hiện đại, chuyên nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; nâng cao tính cạnh tranh quốc gia; đảm bảo hội nhập bền vững.
Nhiều việc phải làm
Thời gian qua, Việt Nam đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, tạo thuận lợi cho DN, tổ chức, người dân trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trong các giải pháp đó, cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN là một giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy thương mại, du lịch, đầu tư; đồng thời khẳng định quyết tâm tích cực chủ động của Việt Nam trong thực hiện các cam kết cùng các nước trong khu vực hiện thực hóa việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.
Trong thời gian tới, nhằm thực hiện nhiệm vụ cải cách toàn diện thủ tục hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo các điền kiện cần thiết để kết nối đầy đủ cơ chế một cửa ASEAN theo đúng kế hoạch đã thống nhất gữa các nước thành viên trong tháng 12/2015; Tiếp tục củng cố, hoàn thiện và mở rộng triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với tất cả các lĩnh vực, các quốc gia trong ASEAN, nhất là đối với các phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, đạt trình độ ngang tầm với các quốc gia tiên tiến trong khu vực và hoàn tất các chỉ tiêu đặt ra theo Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiếp tục rà soát, nội luật hóa những quy định trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế trong đó có những quy định hướng dẫn triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện quy trình, quy chế và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, tổ chức trong nước và nước ngoài để cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân và DN. Đồng thời trên cơ sở kết quả đạt được, cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể để từng bước mở rộng việc kết nối với các quốc gia khác trên thế giới.
Chia sẻ thêm về định hướng trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc - đại diện Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia cũng cho rằng cần tiếp tục củng cố các thủ tục hành chính đã triển khai và lan tỏa trên phạm vi toàn quốc cho tất cả các đối tượng có liên quan; Thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các thủ tục hành chính một cửa quốc gia đã kết nối chính thức; Tập trung kết nối Cơ chế một cửa ASEAN và trao đổi thông tin về Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ASEAN (C/O mẫu D) và thông tin tờ khai hải quan ASEAN (ACDD) đối với 4 nước đã sẵn sàng (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan); Kết nối đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN và sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với các đối tác thương mại ngoài ASEAN để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và tăng cường kiểm soát đối với hàng nhập khẩu…