Chuyện làm nông nghiệp không đụng hàng của một 8X Sài Gòn

Cho khách đến vườn, trực tiếp trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm là cách đang được một doanh nghiệp tại TP.HCM thực hiện khiến khách hàng hào hứng.
2 quả dưa để cạnh nhau với 2 mức giá khác nhau, khách hàng chọn quả nào? Chắc chắn là họ chọn quả giá rẻ. Bởi vì họ không biết quả dưa đắt kia sản xuất ra sao, có gì khác với quả ít tiền hơn?

Suy luận này khiến Nguyễn Minh Nhân đi tìm các cộng sự của mình để thuyết phục đề án làm nông nghiệp sạch có tương tác với khách hàng.

Cách của anh là trang trại ươm giống, khách đặt mua cây sau đó trang trại sẽ trồng, chăm sóc cho đến khi ra trái, đưa đến tận tay khách. Cây sẽ có đầy đủ “hồ sơ”, gồm bảng tên khách, ngày tháng trồng… Các thông tin về quá trình sinh trưởng, phát triển được trang trại gửi đều đặn cho khách hàng tuần qua email. 

Nguyễn Minh Nhân (giữa) cùng các thành viên sáng lập
Nguyễn Minh Nhân (giữa) cùng các thành viên sáng lập nhận giải nhất tại cuộc thi "Khởi Nghiệp và Đổi mới sáng tạo " do VCCI, trường ĐH Leitic, hội doanh nghiệp trẻ TP. HCM tổ chức. Ảnh: Vuông Tròn

Ngoài ra định kỳ hàng tháng, trang trại còn tổ chức 1 chuyến tham quan đến vườn để giúp khách hàng có thể tận tay chăm sóc sản phẩm của mình.

Nguyễn Minh Nhân chia sẻ, ý tưởng làm nông nghiệp không “đụng hàng” này xuất phát khi anh thấy nhiều người hào hứng với game Nông trại vui vẻ. Được trải nghiệm cảm giác trồng, chăm sóc cây, thu hái sản phẩm thật thú vị. “Nhưng điều chắc chắn là khách hàng yên tâm với sản phẩm và không thắc mắc giá trị của chúng”, anh khẳng định.

Trồng cây qua mạng giá 250.000 đồng hút khách Sài Gòn

Khách hàng mua cây con và gửi tại công ty, quá trình chăm sóc cây cho đến khi ra trái được nhân viên cập nhật liên tục qua mạng. Khách sẽ đến vườn thu hoạch sản phẩm của mình.

Sinh năm 1984 ở Hải Dương, nhưng 7 tuổi đã theo gia đình vào TP.HCM sinh sống, ngành học sau này cũng không liên quan gì đến nông nghiệp, nên trong đầu Nhân chỉ mường tượng cây dưa, cây cà được ươm giống, ra hoa, kết trái rất…sách vở. Nhưng ý định kinh doanh nông nghiệp luôn thôi thúc anh từ ngày mới ra trường.

Thời sinh viên, Nhân đã cùng bạn bè lặn lội xuống miền Tây để tham quan mô hình trồng rau sạch, và rất trăn trở chuyện sản xuất của nông dân. Nhà nước đã có đầu tư tốt cho hoa quả sạch nhưng lại chưa hỗ trợ tìm đầu ra. Các siêu thị chỉ thu mua số lượng hạn chế, và họ chọn hết loại tốt, loại còn lại bán không được hoặc phải bán rất rẻ, thậm chí rẻ hơn cả rau sản xuất thường. Bởi vậy mà người dân đầu tư rau sạch rồi đành quay về với kiểu làm cũ.

Cũng vì vậy mà Nhân luôn chuẩn bị sẵn mọi thứ để khi có điều kiện là kinh doanh nông nghiệp. “Nhưng mình phải làm cái gì mới, khác, phải rút kinh nghiệm với những cách làm trước. Tôi thấy làm nông nghiệp hiện nay dù có sử dụng công nghệ cao, đạt chuẩn thì giá bán vẫn không như kỳ vọng, vì điều kiện, tạp quán của người tiêu dùng. Tôi muốn tạo ra sản phẩm mà ngoài việc giúp khách tin tưởng chất lượng thì họ cũng được trực tiếp học tập, biết cách sản xuất một quả dưa, bó rau như thế nào”, Nhân nói.

Chuyện làm nông nghiệp không đụng hàng của một 8X Sài Gòn
Vườn dưa lưới "Đồng hành cùng nhà nông", sản phẩm từ ý tưởng làm nông nghiệp không đụng hàng của ông chủ trẻ 8x. Ảnh Vuông Tròn

Đưa ra ý tưởng làm nông nghiệp kiểu tương tác, anh nhận được sự hưởng ứng ngay của các thành viên tham gia. Cùng thời điểm này, TP.HCM có các dự án hỗ trợ sản xuất sạch thông qua Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ Cao thuộc Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM, thế là đề án của nhóm anh được chấp nhận. Và cũng từ đây, công ty TNHH Thương mại Vuông Tròn ra đời.  

Tuy nhiên, từ lúc lên ý tưởng cho đến thực hiện kiểu sản xuất, kinh doanh này, nhóm phải trải qua lắm gian truân.

Bắt tay làm, 3 thành viên chẳng ai có kiến thức nông nghiệp (2 kinh tế, 1 tin học) nên sản xuất hết sức vất vả, cây bịnh, chết, sản phẩm hư hỏng phải bỏ đi. “Đó là một thời gian dài chúng tôi không có nguồn thu, đi mua thiếu từng bao phân để sản xuất. Và trong lúc cạn kiệt vốn, đã có người hỏi mua lại doanh nghiệp với mức giá lời. Nhưng không hiểu sao chúng tôi vẫn tự tin mình thành công và cố gắng duy trì trang trại”.

Vất vả, chạy vạy, học hỏi kinh nghiệm của những đơn vị sản xuất khác, cuối cùng đã có một kỹ sư nông nghiệp chịu bắt tay. Cây trồng được chọn phù hợp hơn, đó là giống dưa lưới Bảo Khuê chất lượng trái đẹp, ăn ngon, rất được người dùng chuộng.

Theo đó, sau khi ươm giống thành công, mỗi cây con được bán cho khách hàng với giá 250.000 đồng. Cây sẽ được trang trại chăm sóc cho đến khi ra trái, thu hoạch quả, với cam kết mỗi cây có ít nhất 1 trái 2-2,5 kg sau 3 tháng.

Chuyện làm nông nghiệp không đụng hàng của một 8X Sài Gòn
Cây có đầy đủ hồ sơ từ bảng tên, ngày tháng xuống giống, thời gian dự kiến thu hoạch...Ảnh: Vuông Tròn

Ngoài tổ chức cho khách hàng tháng đến tham quan, chăm sóc cây của mình, đến ngày thu hoạch, khách cũng sẽ được thông báo để đến vườn tự tay thu hái sản phẩm. Những khách hàng không có điều kiện thu hoạch thì nhân viên trang trại sẽ thu hộ, sau đó đưa đến tận nhà. Sản phẩm không đạt kết quả trang trại sẽ báo cho khách và hoàn tiền, hoặc đổi cây mới trong vụ sau.

“Ban đầu đưa ra ý tưởng, nhiều người nói tôi điên. Muốn ăn rau, quả gì người ta ra chợ mua, không ai kiên nhẫn chờ đến 3 tháng để được ăn một quả dưa. Nhiều người lo hình thức đầu tư của chúng tôi sẽ không ổn,  nhiều rủi ro, nhưng không hiểu sao bản thân tôi vẫn tin mình làm được”.

Tin làm được và Nhân cùng các bạn mình đã thành công. Từ vài chục khách đặt hàng đợt đầu, đến vụ thứ 4 đã tăng lên hơn 200 khách. Có khách đầu tiên đặt ngay 60 cây. Và đến vụ thứ 6, sau khi trừ các chi phí, công ty đã có lời.

Nhân cho biết, hiện công ty anh chỉ mới dám sản xuất mỗi vụ 6.000 m2, nên hàng không đủ cung cấp. Thực tế nguồn cung chính của Vuông Tròn vẫn là các nhà hàng, khách sạn, còn bán lẻ với kiểu kinh doanh “độc” này là để gây dựng thương hiệu. Đơn vị cũng mới chỉ tập trung phục vụ cho khách khu vực TP.HCM, vì những nơi xa không có điều kiện tới vùng sản xuất.

Khách hàng cũng chưa rộng mà tập trung vào những người có điều kiện. Họ quan tâm tới sức khỏe, nên giá sản phẩm dù gấp đôi quả dưa bán ngoài chợ nhưng vẫn chấp nhận bỏ tiền mua.

Chuyện làm nông nghiệp không đụng hàng của một 8X Sài Gòn
Khách hàng trực tiếp hái quả dưa lưới nặng hơn 2 kg sau 3 tháng chờ đợi. Ảnh: Zen Nguyễn

Nhân cũng cho biết, sản phẩm của Vuông Tròn không tập trung vào siêu thị mà hướng của anh là phân phối tới tận tay khách hàng lẻ, là những người tiêu dùng trực tiếp. Anh cho rằng, đây là hướng bền vững nhất để đảm bảo đầu ra, không bị phụ thuộc vào thương lái, trung gian. “Bán lẻ và chăm sóc khách hàng tốt, sản phẩm tốt, uy tín thật sự thì tự khắc khách hàng cũ sẽ nhân thêm khách hàng mới cho mình. Chúng tôi trẻ, sẵn sàng bỏ thêm sức để làm hài lòng người tiêu dùng”, anh nói.

Nông trại vui vẻ hút khách nhà giàu

Giới nhà giàu tại TP.HCM sẵn lòng rút hầu bao để mua trái cây tự trồng theo mô hình “nông trại vui vẻ” vừa được một đơn vị triển khai trên địa bàn thành phố.

Hiện sản phẩm chủ lực của anh vẫn là dưa lưới và đang hướng tới sản xuất rau hữu cơ. Theo Nhân, kiểu gửi cây như anh đang thực hiện chỉ hợp với những hoa màu có giá trị kinh tế cao, thu hoạch 1 lần như dưa lưới, dưa hấu, một số loại rau, rất khó để trồng ớt, trồng cà, vì những loại này phải thu hoạch nhiều lần, khó kiểm soát trong quá trình canh tác.

Hỏi vì sao chọn kinh doanh nông nghiệp, ông chủ 8x chia sẻ: “Ngày ra trường, trong suy nghĩ của tôi luôn là câu hỏi: Khởi nghiệp theo hướng nào. Ở Việt Nam, nói máy tính, điện tử hay xây dựng, bất động sản thì bạn seach Google sẽ có rất nhiều thương hiệu. Nhưng nông nghiệp, mà cụ thể là trồng rau, quả sạch là rất hiếm, trong khi đất nước mình là đất nông nghiệp. Tôi đã chọn nông nghiệp và làm nông nghiệp khác biệt với suy nghĩ như thế".

Đừng để phụ thuộc vào thương lái

"Với tôi, làm nông nghiệp thì đừng quá tham để rồi phụ thuộc vào thương lái, nên tính toán phù hợp và phát triển dần khi đủ lực. Bởi khi anh làm được thì anh hay tham, được 1 anh mở rộng lên 5, lên 10, đến lúc bị động đầu ra thì phải tìm mọi cách để bán hàng. Mà đã cố sức bán thì phải hạ giá. Khi bị thương lái ép giá thì người sản xuất phải tìm cách ép giá thành, giảm chất lượng ngay, kéo theo nhiều hệ lụy, mất uy tín".

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/