Tỉ lệ thực hiện chuyển giá của các nhóm DN theo khảo sát điều tra của VCCI
Cùng với đó, theo báo cáo mới đây của 63 cục thuế, hơn 100 chi cục thuế trên cả nước, kết quả thanh tra tại 870 DN FDI thì có tới 720 DN vi phạm. Có một số địa phương, thanh tra thuế đi kiểm tra DN FDI đến đâu thì tất cả đều vi phạm đến đó. Ví dụ Cục thuế Quảng Ngãi khi thanh tra 27 DN thì tất cả đều vi phạm; Bắc Giang thanh tra 14 DN thì cả 14 đều vi phạm. Tỷ lệ này diễn ra tương tự tại các Cục thuế của tỉnh Hòa Bình (16/16), Gia Lai (15/15)…
Ngày càng... tưng bừng
Trở lại khảo sát của VCCI, nhiều DN FDI đã tự thừa nhận hành vi chuyển giá của mình, khoảng 20% DN FDI tham gia điều tra đã thừa nhận thực hiện việc chuyển lợi nhuận nhằm giảm gánh nặng thuế. Chia nhóm DN FDI được hỏi theo mức lợi nhuận theo 4 nhóm với các mức lãi khác nhau, kết quả cho thấy: 65% nhóm DN có lãi trên 20%, 44,5% nhóm DN có lãi từ 10 - 20%, 12,3% nhóm DN lãi từ 5 - 10% và 9% nhóm DN lãi 0 - 5% đã thực hiện việc chuyển giá. Nghĩa là nhóm DN càng lãi cao thì số lượng DN chuyển giá càng nhiều. Nhìn ở góc độ ngành nghề, điều tra của VCCI đã chỉ ra, có gần 90% DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm chuyển giá. Đứng thứ nhì là DN trong lĩnh vực sản xuất dệt may với gần 70%. Lĩnh vực sản xuất linh kiện ôtô cũng có hơn 50% DN thừa nhận đã thực hiện chuyển giá...
TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) đánh giá, câu chuyện chuyển giá của các DN FDI không có gì mới, chỉ mới ở chỗ nó không dừng lại mà đang diễn biến theo chiều hướng tăng lên, phức tạp hơn đòi hỏi chúng ta phải có quan điểm dứt khoát, rõ ràng trong xử lý.
Theo các cơ quan thuế địa phương, các hành vi chuyển giá, trốn thuế không mới nhưng ngày càng tinh vi hơn, trầm trọng hơn. Hành vi phổ biến là tình trạng nâng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào, hạ giá xuất khẩu xuống thấp để từ đó báo lỗ hoặc giảm lợi nhuận trên sổ sách (chuyển giá) nhằm trốn nộp thuế. Các DN có hiện tượng trên thường hoạt động ở các ngành có nhiều tài sản vô hình là ngành có công nghệ độc quyền, sản xuất các sản phẩm không phổ biến trong nước, nên không có tiêu chí hay cơ sở để so sánh. Hành vi chuyển giá thường được núp dưới hình thức Cty mẹ ở nước ngoài cung cấp nguyên liệu, đồng thời bao đầu ra của sản phẩm, nên việc kiểm soát giá nguyên liệu cũng như giá sản phẩm xuất khẩu luôn trở nên khó khăn. Đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, tiêu dùng có các nhãn hàng nổi tiếng ở nước ngoài thường xuyên sử dụng chiêu chuyển giá thông qua định giá tiền bản quyền thương hiệu rất cao so với giá trị thực.
Loay hoay giải pháp
Ở góc độ chuyên gia, GS TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN vốn đầu tư nước ngoài cho rằng: Có trường đại học của Mỹ còn dạy các DN cách thức khai thác những lỗ hổng của chính sách để trốn thuế. Như vậy, không nên xem chuyển giá như chuyện động trời mà phải chấp nhận thực tế rằng đã và sẽ có hành động trốn thuế thông qua chuyển giá. Cách tốt nhất là làm thế nào các bộ có chức năng thu thuế có phản ứng nhanh nhạy hơn, phát hiện kịp thời và bịt những lỗ hổng chính sách để giảm bớt, chứ không bao giờ có thể triệt tiêu hết việc chuyển giá.
Gần 90% DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm chuyển giá theo khảo sát của VCCI. |
Đưa ra giải pháp, TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho rằng, trước mắt, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá và tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá; thu hẹp các ưu đãi về thuế; chuyển giao quyền điều tra cho cơ quan thuế từ cấp Tổng cục và lâu dài đến cơ quan thuế cấp tỉnh; hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người, DN nộp thuế để từ đó theo dõi sát sao những thay đổi về doanh thu, lợi nhuận của DN.
Tổng cục trưởng Tổng cục thuế ông Bùi Văn Nam cho biết, để xác định hành vi, thủ thuật chuyển giá không hề đơn giản. Chống chuyển giá không chỉ đơn thuần thông qua việc kiểm soát giá nguyên, nhiên liệu đầu vào mà cần phải được thực hiện, đánh giá qua nhiều bước nhiều khâu. Lực lượng thanh tra phải mất nhiều thời gian để tổng hợp, phân tích cho ra các dữ liệu so sánh độc lập. Sau khi tìm ra được các mức giá phi lý, không đúng với thị trường rồi áp mức giá mới vào và buộc DN phải chấp nhận. Tuy nhiên, khâu quan trọng nhất hiện nay chính ở hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn phải thực sự đầy đủ.
Vừa qua Luật Quản lý thuế bổ sung cơ chế thỏa thuận trước về giá thị trường trong giao dịch liên kết đã được quy định có hiệu lực từ 01/7/2013. Theo đó, khi cơ quan thuế đã có thỏa thuận trước về giá thị trường trong giao dịch liên kết, các DN FDI có vi phạm sẽ không thể chối cãi.
Không nên vì hoạt động chuyển giá mà đánh giá thấp vai trò của DN FDI, song ở góc độ kinh tế, con số hàng chục phần trăm DN FDI chuyển giá là không bình thường, hành động này gây thất thu thuế, ảnh hưởng xấu tới các DN trong nước.
Bá Tú