Chuyên gia cảnh báo “mật ngọt chết ruồi” từ các ưu đãi du lịch giá rẻ

Ngành du lịch, vốn được mệnh danh là “ngành công nghiệp không khói”, đang đối mặt với một “làn khói đen” mang tên lừa đảo công nghệ. Từ việc đặt tour ảo, thuê xe lừa đảo, đến các nhà hàng “chặt chém”, du khách ngày càng trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ trục lợi.

HÀ NỘI NẰM TRONG DANH SÁCH ĐIỂM ĐẾN DỄ RƠI VÀO "BẪY DU LỊCH"

Theo khảo sát mới nhất từ Viện Kinh tế Mastercard, ngành du lịch thuộc nhóm dễ bị lừa đảo nhất, với số vụ gian lận tăng 18% vào mùa hè và 28% vào mùa đông năm 2024.

Danh sách các thành phố có tỷ lệ lừa đảo thấp nhất do du khách bình chọn gồm San Francisco (Mỹ), Dublin (Ireland), Seoul (Hàn Quốc), Budapest (Hungary) và Edinburgh (Scotland). Ở chiều ngược lại, Cancun (Mexico), Hà Nội (Việt Nam), Dhaka (Bangladesh) và Bangkok (Thái Lan) ghi nhận nhiều trường hợp du khách gặp rủi ro.

hang-rong-1.jpg
Người bán hàng rong ở Hà Nội bán túi táo nhỏ 200.000 đồng cho du khách nước ngoài gây bức xúc hồi năm ngoái

Cũng trong báo cáo, các vụ lừa đảo chủ yếu liên quan đến công ty du lịch và đại lý lữ hành, khi khách thanh toán nhưng chuyến đi không đúng cam kết hoặc bị hủy. Ngoài ra, khách cũng gặp nhiều bẫy du lịch khi thuê xe hoặc taxi; mua vé máy bay, tàu; đặt phòng khách sạn; mua đồ tại các cửa hàng lưu niệm; sử dụng dịch vụ ăn uống trong nhà hàng.

Mastercard cũng khảo sát sâu tại 9 điểm đến nổi tiếng gồm Jakarta, Bangkok, Phuket, Hong Kong, Delhi, Istanbul, Barcelona, London và New York. Tại Jakarta, 66% vụ lừa đảo liên quan đến taxi và thuê xe. New York đứng đầu về bẫy du lịch liên quan đến ăn uống, chiếm 48%. Du khách đến Phuket cần cẩn trọng với dịch vụ thuê phòng và ăn uống, trong khi Hong Kong, Delhi, Barcelona có tỷ lệ lừa đảo qua các công ty du lịch địa phương lên đến 64-70%.

Chuyên gia David Mann từ Mastercard khuyến cáo du khách cảnh giác với các ưu đãi giá rẻ bất thường, đặc biệt tại các điểm đến nổi tiếng vì "mật ngọt chết ruồi". Ông khuyên du khách nên sử dụng ví điện tử, mua bảo hiểm du lịch hoặc thanh toán qua thẻ tín dụng có tích hợp tính năng bảo mật cao để giảm thiểu rủi ro.

Riêng tại Los Angeles, hình thức lừa đảo phổ biến nhất là các nhà hàng “chặt chém”, tự ý cộng tiền tip hoặc thu thêm các khoản không minh bạch.

Năm 2024 cũng chứng kiến sự bùng nổ của các vụ lừa đảo khi đặt vé và tour du lịch, tăng 12% so với năm 2023. Những chiêu trò thường thấy gồm: sử dụng ảnh giả, gửi liên kết xác nhận giả mạo để đánh cắp thông tin ngân hàng và dữ liệu cá nhân của du khách.

MỐI NGUY MỚI TỪ WEBSITE GIẢ MẠO VÀ QUẢNG CÁO TRẢ PHÍ TRÊN CÔNG CỤ TÌM KIẾM

Mùa du lịch hè không chỉ là thời điểm sôi động cho các chuyến đi mà còn trở thành “mùa vụ” lý tưởng cho các hoạt động lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam, với quy mô ngày càng phức tạp và tinh vi. Một quản lý phụ trách tiếp thị và truyền thông của một thương hiệu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới, hiện sở hữu 6 resort tại Việt Nam, tiết lộ rằng tập đoàn này đã phải xử lý khoảng 170 fanpage giả mạo trong thời gian gần đây. Đáng lo ngại là dù liên tục phát hiện và gỡ bỏ, các fanpage giả này vẫn được lập lại với tốc độ chóng mặt. Thậm chí, một số kênh giả mạo còn được cấp dấu tick xanh, khiến người dùng khó lòng phân biệt thật – giả và dễ dàng trở thành nạn nhân của các chiêu trò.

Anh Tuấn Anh, sống tại TP.HCM, kể lại trải nghiệm suýt bị lừa khi đặt phòng qua một fanpage có vẻ ngoài rất chuyên nghiệp, mạo danh một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Phú Quốc. Trang này có lượng theo dõi lớn, hình ảnh sắc nét, nội dung đăng tải đều đặn và phản hồi tin nhắn cực kỳ nhanh chóng, khiến anh hoàn toàn tin tưởng.

Quảng cáo

Khi hỏi thông tin cho kỳ nghỉ vào đầu tháng 7, anh Tuấn Anh nhận được bảng giá rõ ràng, kèm hình ảnh và thái độ tư vấn rất nhiệt tình. “Giá chỉ thấp hơn các nền tảng uy tín vài trăm nghìn đồng, vừa đủ để tạo cảm giác đây là khuyến mãi riêng, không khiến mình nghi ngờ,” anh chia sẻ. Fanpage này thậm chí còn gửi cả chính sách ưu đãi khi đặt phòng, trong đó ghi rõ khách sẽ được tặng bữa ăn và đưa đón sân bay miễn phí.

Tuy nhiên, khi được yêu cầu chuyển khoản trước 50% để giữ chỗ, anh bắt đầu cảm thấy bất thường. “Tôi thấy các ưu đãi quá tốt so với mặt bằng chung và tra lại trên website chính thức thì không hề có thông tin nào tương tự. Đó là lúc tôi quyết định dừng lại,” anh nói. Không lâu sau, fanpage kia biến mất xác nhận linh cảm của anh Tuấn Anh là đúng.

lua-dao.jpg
Người dùng mạng xã hội đăng bài cảnh báo về lừa đảo qua Fanpage

Thống kê từ Hiệp hội An ninh mạng Việt Nam cho thấy, trong năm 2024, lừa đảo trực tuyến trong nước gây thiệt hại lên tới 18.900 tỷ đồng. Các chiêu trò chủ yếu xoay quanh việc các đối tượng tạo lập fanpage mạo danh thương hiệu du lịch, khách sạn, hãng bay lớn; chạy quảng cáo tiếp cận người dùng với những tour, vé máy bay ưu đãi, combo khách sạn… có mức giá thấp hơn thị trường.

Hình thức lừa đảo thường được các đối tượng sử dụng qua kênh Facebook, Zalo và một số qua TikTok như: yêu cầu chuyển khoản đặt cọc dịch vụ rồi chiếm đoạt tiền, sau đó chặn liên lạc; gửi đường link giả mạo để đánh cắp thông tin cá nhân, mã OTP nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.

Các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, lợi dụng tâm lý ham rẻ, thiếu kinh nghiệm và chủ quan của người dân để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo các chuyên gia, có thể cách phân biệt fanpage thật giả (kể cả kênh gắn tích xanh). Cách tốt nhất để phân biệt fanpage thật – giả là kiểm tra kỹ thông tin và lịch sử hoạt động của trang. Fanpage chính thống thường có tên thương hiệu chính xác, hoạt động lâu dài với nội dung chuyên nghiệp và thông tin liên hệ đồng nhất với website chính thức. Ngược lại, fanpage giả thường mới được tạo, nội dung sơ sài, dễ sai chính tả và có thông tin liên hệ không rõ ràng. Đồng thời, fanpage giả thường xuyên đổi tên hoặc chuyển đổi mục đích hoạt động trong thời gian gần đây, trong khi fanpage thật ít khi thay đổi tên và có lịch sử rõ ràng.

Ngoài ra, người dùng nên truy cập fanpage thông qua liên kết từ website chính thức thay vì tìm kiếm trực tiếp trên Facebook, bởi các fanpage giả mạo thường chạy quảng cáo để xuất hiện đầu tiên và đánh lừa người dùng.

lua-dao-2.jpg
Để tránh bị dính bẫy, du khách nên niểm tra tính minh bạch của trang thông qua mục Giới thiệu -> Tính minh bạch của trang. Sau đó, kiểm tra thông tin đổi tên trang, địa điểm lập Fanpage thường ở nước ngoài

Chuyên gia an ninh mạng, anh Trần Hậu cảnh báo rằng mối nguy từ các chiêu trò lừa đảo hiện không chỉ giới hạn trên mạng xã hội, mà còn len lỏi ngay trong các công cụ tìm kiếm quen thuộc như Google. Theo anh, ngày càng nhiều đối tượng xấu sử dụng hình thức quảng cáo trả phí (Google Ads) để đưa các website giả mạo lên vị trí đầu tiên trong kết quả tìm kiếm. Điều này khiến không ít người dùng, vì tin tưởng vào sự "ưu tiên" của Google, dễ dàng truy cập nhầm vào các trang web do kẻ gian dựng lên.

Anh Hậu nhấn mạnh rằng, trong nhiều trường hợp, sau khi người dùng truy cập các website này, họ sẽ được hướng dẫn tiếp tục trao đổi hoặc thanh toán qua các nền tảng như Zalo. Tuy nhiên, việc chuyển sang một kênh liên lạc riêng biệt và thiếu kiểm soát như vậy khiến người dùng hoàn toàn không có cơ sở nào để đảm bảo tính minh bạch hay an toàn trong giao dịch. Đây chính là kẽ hở để kẻ gian dễ dàng lợi dụng, chiếm đoạt thông tin cá nhân hoặc tài sản của người dùng mà nạn nhân gần như không có cách nào truy vết được.

Trong thế giới số ngày nay, lừa đảo không còn núp bóng trong những chiêu trò cũ kỹ mà ẩn mình ngay trong những cú click tưởng như vô hại. Một giây thiếu cảnh giác, cả hành trình có thể trả giá bằng niềm tin, tiền bạc, thậm chí cả dữ liệu cá nhân.

thiet-ke-chua-co-ten-3.jpg
Các cảnh báo lừa đảo xuất hiện nhiều trên các hội nhóm về du lịch

Mặc dù các cảnh báo về nguy cơ lừa đảo trong mùa du lịch cao điểm đã được truyền thông nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng không ít người vẫn thiếu sự cảnh giác và cẩn trọng. Sự chủ quan và thiếu kiểm soát khiến nhiều du khách dễ dàng trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo tinh vi.

Minh Châu

Theo https://thuonggiaonline.vn/ Copy

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: vanphong.vacod@gmail.com

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: toasoan@thuonggiaonline.vn
Website: https://thuonggiaonline.vn/