Ngoài ra, Thông tư quy định phương pháp tính giá cơ sở. Theo đó, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu bao gồm các yếu tố: Giá CIF, Thuế nhập khẩu, Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, Chi phí kinh doanh định mức, mức trích lập Quỹ Bình ổn giá, Lợi nhuận định mức, Thuế bảo vệ môi trường, Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trong đó, giá CIF được tính bằng (=) giá xăng dầu thế giới (giá Platt Singapore) cộng (+) các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam. Giá xăng dầu thế giới được được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc.
Quỹ bình ổn giá được trích lập thường xuyên, liên tục bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít ở nhiệt độ thực tế đối với các loại xăng, các loại dầu điêzen, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu madút thực tế tiêu thụ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính thông báo thời điểm điều chỉnh mức trích Quỹ bình ổn giá để thương nhân đầu mối thực hiện trong các trường hợp sau: Điều chỉnh giảm mức trích Quỹ bình ổn giá dưới mức quy định tại khoản 2 Điều này khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên bảy phần trăm (> 07%) so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá xăng, dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân.
Khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với mức giá trước khi được điều chỉnh giảm theo quy định, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thông báo thời điểm và mức trích Quỹ bình ổn giá.