Hướng dẫn mới về hợp đồng thế chấp tài sản
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 10/2016/TT-BTC hướng dẫn thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.
Theo đó, hợp đồng thế chấp tài sản và phụ lục hợp đồng được hướng dẫn như sau: Đối với việc thế chấp tài sản đã hình thành: Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản theo mẫu tại Phụ lục 1.
Đối với việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai: Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai theo mẫu tại Phụ lục 2. Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp ký Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai theo mẫu tại Phụ lục 3.
Trong trường hợp Bên thế chấp được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thay thế tài sản thế chấp, Bên nhận thế chấp và Bên thế chấp ký kết Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản theo mẫu tại Phụ lục 4.
Thông tư 10/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/3/2016.
Định mức thu hồi xay xát thóc dự trữ quốc gia thành gạo
Từ ngày 1/3/2016, định mức thu hồi xay xát thóc dự trữ quốc gia thành gạo dự trữ quốc gia để thực hiện xuất cấp theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 04/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành.
Thông tư này quy định chất lượng gạo thành phẩm sau khi xay xát thóc dự trữ quốc gia là gạo 20% tấm và phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại TCVN 5644: 2008Gạo trắng - Yêu cầu kỹ thuật.
Định mức thu hồi xay xát thóc dự trữ quốc gia thành gạo thành phẩm 20% tấm có tỷ lệ thu hồi theo khối lượng của thóc sau khi xay xát thành gạo như sau: Tỷ lệ thu hồi đối với 04 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Cửu Long, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ đối với thóc có thời gian lưu kho dưới 12 tháng là 66,5%; đối với thóc có thời gian lưu kho từ 12 tháng đến 18 tháng là 65,0%.
Tỷ lệ thu hồi đối với các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực còn lại: Đối với thóc có thời gian lưu kho dưới 12 tháng là 66,5%; đối với thóc có thời gian lưu kho từ 12 tháng đến nhỏ hơn 24 tháng là: 64,0%; đối với thóc có thời gian lưu kho từ 24 tháng đến 30 tháng là 62,5%...
Phải đưa chứng khoán vào giao dịch trong vòng 90 ngày
Theo Thông tư số 202/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, tổ chức được chấp thuận niêm yết chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoản phải đưa chứng khoán vào giao dịch trong vòng 90 ngày, kể từ ngày được Sở Giao dịch chấp thuận; sau thời hạn này, quyết định chấp thuận sẽ mặc nhiên hết hiệu lực.
Trường hợp tổ chức có chứng khoán bị hủy niêm yết (bắt buộc hay tự nguyện) chỉ được đăng ký niêm yết lại sau 12 tháng kể từ ngày bị hủy nếu đáp ứng được các điều kiện tương ứng, trừ trường hợp hủy niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội do đã được chấp thuận niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM hoặc ngược lại.
Một nội dung đáng chú ý khác của Thông tư này là cho phép công ty hợp nhất, công ty sáp nhập sau quá trình sáp nhập hoặc công ty niêm yết sau hoán đổi khi nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán được lựa chọn báo cáo tài chính được lập và đã được kiểm toán tại thời điểm gần nhất nhưng không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
Thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng
Từ ngày 1/3/2016, phí của gần 1.900 loại dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ chính thức được điều chỉnh tăng theo Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Theo đó, giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT bao gồm: giá dịch vụ khám bệnh, giá dịch vụ ngày giường điều trị, giá các dịch vụ kỹ thuật được quy định cụ thể tại các Phụ lục I, II, III của Thông tư liên tịch này.
Các dịch vụ khám, chữa bệnh chưa được quy định mức giá cụ thể tại Thông tư liên tịch này sẽ áp dụng theo mức giá của các dịch vụ được Bộ Y tế xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân: Áp dụng giá khám bệnh, giá ngày giường điều trị theo mức giá của một trong các hạng bệnh viện quy định tại Phụ lục I, II của Thông tư liên tịch này.
Các dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc quy định trên sẽ được thống nhất áp dụng mức giá quy định tại Phụ lục III Thông tư liên tịch này.
Điều chỉnh chính sách tín dụng đối với đóng mới, nâng cấp tàu
Ngày 20/1/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 13/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 114/2014/TT-BTC về hướng dẫn cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Theo đó, mức lãi suất cấp bù do thực hiện chính sách tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) được quy định như sau:
Đối với năm đầu tiên, tính từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 của Nghị định 89/2015/NĐ-CP: Mức lãi suất cấp bù là 7%/năm.
Trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thấp hơn 7%/năm thì mức lãi suất cấp bù là lãi suất cho vay do NHNNVN công bố.
Từ năm thứ 2 trở đi của hợp đồng tín dụng, mức lãi suất cấp bù là chênh lệch giữa lãi suất NHTM cho vay và lãi suất chủ tàu phải trả theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 của Nghị định 89.
Trường hợp NHNNVN điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thấp hơn 7%/năm thì lãi suất cho vay làm căn cứ cấp bù là lãi suất cho vay do NHNNVN công bố.
Thông tư 13/2016/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 4/3/2016.
Quy định về quyết toán dự án thuộc nguồn vốn nhà nước
Ngày 18/1/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 09/2016/TT-BTC quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.
Thông tư quy định cụ thể về chi phí đầu tư được quyết toán như sau:
Chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng để đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán được duyệt; hợp đồng được ký kết kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền.
Chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được phê duyệt hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.
Thông tư 09/2016/TT-BTC có hiệu lực ngày 5/3/2016, thay thế Thông tư 19/2011/TT-BTC và Thông tư 04/2014/TT-BTC.
Hồ sơ tài liệu kèm theo kế hoạch phân bổ vốn đầu tư
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 08/2016/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Theo đó, hồ sơ tài liệu kèm theo kế hoạch phân bổ vốn đầu tư, bao gồm: Đối với dự án chuẩn bị đầu tư: Văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Đối với dự án thực hiện dự án: Quyết định phê duyệt đầu tư dự án của cấp có thẩm quyền đối với các dự án khởi công mới và các quyết định điều chỉnh dự án (nếu có).
Đối với dự án hoàn thành kết thúc đầu tư: Quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).
Thông tư 08/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 5/3/2016.
Áp thuế suất 1% đối với dầu và các sản phẩm từ chưng cất hắc ín than đá
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 16/2016/TT-BTC quy định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 27.07, 29.02 và 39.02 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Mục I Phụ lục II, ban hành kèm theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC.
Theo đó, Bộ Tài chính quy định, áp dụng thuế suất 1% đối với các sản phẩm là: Dầu và các sản phẩm khác từ chưng cất hắc ín than đá ở nhiệt độ cao; các sản phẩm tương tự có khối lượng cấu tử thơm lớn hơn cấu tử không thơm (benzen, Xylen); hạt nhựa PP dạng phân tán.
Cũng tại thông tư 16, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung Chương 98 quy định mã hàng và mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với một số nhóm mặt hàng, mặt hàng tại Mục II, Phụ lục II của Biểu thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 182.
Trong đó, Bộ Tài chính quy định cụ thể về thông số kỹ thuật về tỷ trọng, chỉ số nóng chảy, cường độ chịu lực, modun uốn đối với mặt hàng hạt nhựa PP dạng nguyên sinh áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng là 0%.
Thông tư 16/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 6/3/2016.
Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa
Ngày 21/1/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 18/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để bảo vệ phát triển đất trồng lúa.
Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = Tỷ lệ phần trăm (x) Diện tích (x) Giá của loại đất trồng lúa.
Trong đó, tỷ lệ phần trăm (%) xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa do UBND cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn của địa phương, nhưng không thấp hơn 50%.
Diện tích là phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp ghi cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.
Giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Thông tư 18/2016/TT-BTC có hiệu lực ngày 7/3/2016.
Doanh nghiệp an sinh xã hội được miễn giảm tiền thuê đất
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 14/2016/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính khi các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế.
Theo đó, Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính và công tác hạch toán khi các công ty TNHHMTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty) hoạt động sản xuất kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và có tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc tự nguyện đăng ký thực hiện theo chủ trương của Nhà nước.
Đối với cơ chế miễn giảm về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, các doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị nếu thỏa mãn các điều kiện về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với diện tích đất sử dụng đúng mục đích, nhiệm vụ chính trị theo quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất và Nghị định số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Trình tự, thủ tục miễn, giảm thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thông tư số 14/2016/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 7/3/2016.
Quy định mới về phát hành, mua lại đơn vị quỹ mở
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 15/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 183/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở.
Theo đó, mức phí mua lại, phí phát hành, phí chuyển đổi được công bố tại bản cáo bạch, bản cáo bạch tóm tắt, trên trang thông tin điện tử của công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối hoặc dưới các hình thức khác.
Thời điểm áp dụng mức phí mới tăng sớm nhất là 90 ngày kể từ ngày công ty quản lý quỹ công bố về các mức phí mới trên trang thông tin điện tử của công ty.
Hiện hành, thời điểm áp dụng mức phí mới tăng sớm nhất là 90 ngày kể từ ngày bản cáo bạch, điều lệ quỹ đã được sửa đổi, bổ sung quy định về mức phí mới, thời điểm áp dụng.
Sửa đổi, bổ sung một số khái niệm về “Quỹ trái phiếu”, “Thời điểm đóng sổ lệnh”, “Đại lý phân phối”, “Quỹ chỉ số”.
Thông tư 15/2016/TT-BTC có hiệu lực vào ngày 15/3/2016.
Điều chỉnh mức giá trang bị máy móc, thiết bị văn phòng
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 19/2016/TT-BTC hướng dẫn Quyết định 58/2015/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, thẩm quyền điều chỉnh mức giá trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến tại tổ chức, cơ quan, đơn vị được thực hiện như sau:
Đối với nhu cầu phải trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến có giá mua cao hơn không quá 10% so với quy định tại Điều 6 và Điều 7 Quyết định 58 thì thẩm quyền xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định thuộc: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Trường hợp phải trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến có giá cao hơn từ trên 10% đến không quá 20% so với mức giá tại Điều 6 và Điều 7 Quyết định 58 thì Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Thông tư 19/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 16/3/2016 và thay thế Thông tư 94/2006/TT-BTC.75
Xác định tiền lãi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Bộ Tài chínhđã ban hành Thông tư 20/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp.
Theo đó, trường hợp chậm đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, tiền lãi chậm đóng được xác định hằng tháng theo công thức sau:
Số tiền lãi phải thu phát sinh trong tháng (n) = Số tiền chậm đóng lũy kế đến cuối tháng (n-2) x Lãi suất chậm đóng (%/tháng).
Trong đó, (n) là tháng xác định tiền lãi chậm đóng; (n-2) là tháng liền trước 02 tháng của tháng (n).
Lãi suất chậm đóng (%/tháng) là mức lãi suất bình quân tính theo tháng do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông báo đầu năm theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 6 Quyết định 60/2015/QĐ-TTg.
Thông tư 20/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/3/2016./.