Từ tháng 11-2020, nhiều quy định, chính sách mới có hiệu lực thi hành. PLO giới thiệu một số quy định, chính sách mới.
Chính sách phát triển giáo dục mầm non
Có hiệu lực từ ngày 1-11, Nghị định 105/2020 ban hành ngày 8-9 của Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non bao gồm: Chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non; chính sách đối với trẻ em; chính sách đối với giáo viên mầm non…
Nghị định này thay thế cho Nghị định 06/2018.
Tuy nhiên, quy định về chính sách đối với giáo viên mầm non hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 8 Nghị định 06/2018 được thực hiện đến hết 2021. Cụ thể, những giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được phê duyệt ở các trường mầm non công lập sẽ được hưởng chế độ như viên chức.
Điểm mới của Nghị định 105 là đối với giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng, nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định.
- Có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục.
- Trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Nghị định 107/2020 ban hành ngày 14-9 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 25-11.
Theo đó, bình quân mỗi sở có ba phó giám đốc (trước đây quy định số lượng phó giám đốc sở không quá ba người). Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng phó giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng phó giám đốc của từng sở cho phù hợp.
Riêng TP Hà Nội và TP.HCM, ngoài tổng số lượng phó giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi TP được tăng thêm không quá 10 phó giám đốc.
Nghị định cũng bổ sung quy định số lượng phó trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở. Cụ thể, phòng thuộc sở của TP Hà Nội và TP.HCM có dưới 10 biên chế công chức; phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới chín biên chế công chức; và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới tám biên chế công chức được bố trí một phó trưởng phòng.
Đối với các phòng thuộc sở có từ 15 biên chế công chức trở lên thì được bố trí không quá ba phó trưởng phòng…
Giảm 1 phó phòng của cơ quan chuyên môn cấp huyện
Cũng có hiệu lực từ ngày 25-11, Nghị định 108/2020 ban hành ngày 14-9 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2014 quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (cấp huyện).
Theo đó, Nghị định quy định bình quân mỗi phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có hai phó trưởng phòng (trước đây quy định tối đa ba phó trưởng phòng).
Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng phó trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể số lượng phó trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp.
Tinh thần của Nghị định lần này là không sáp nhập các cơ quan chuyên môn ở cấp huyện như đang thí điểm hiện nay. Các địa phương đã thí điểm hợp nhất, sáp nhập tổng kết việc thực hiện thí điểm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Phạt đến 200 triệu đồng vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
Ngày 28-9, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực y tế và có hiệu lực từ ngày 15-11.
Theo đó, Nghị định quy định về hành vi VPHC, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi VPHC, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt VPHC theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế…
VPHC trong lĩnh vực y tế quy định tại Nghị định này là những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Vi phạm các quy định về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; khám, chữa bệnh; dược, mỹ phẩm; trang thiết bị y tế; bảo hiểm y tế; các quy định về dân số.
Cụ thể, Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về dân số là 30 triệu đồng đối với cá nhân và 60 triệu đồng đối với tổ chức.
Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về y tế dự phòng và phòng, chống HIV-AIDS là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về bảo hiểm y tế là 75 triệu đồng đối với cá nhân và 150 triệu đồng đối với tổ chức.
Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Từ 1-11, không phê bình học sinh trước trường, lớp Theo Thông tư số 32/2020 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, từ 1-11, không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường. Tùy theo mức độ vi phạm trong quá trình học tập, rèn luyện của học sinh mà có thể áp dụng các biện pháp kỷ luật như: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; hoặc tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT. |